Tưởng chừng không thể lấy được mảnh xương ống heo to, dài đến 7cm, cuối cùng sau hơn 20 năm, các bác sĩ đã lấy được mảnh xương ống heo này ra khỏi phổi, giúp người bệnh nhân thoát khỏi tình trạng ho ra máu suốt thời gian trên.
Ngày 27.5, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay đã gắp thành công một mảnh xương ống heo to, dài nằm trong phổi, cắm sâu và thành phế quản của người đàn ông 50 tuổi kéo dài hơn 20 năm mà không thể phát hiện và lấy ra được.
Theo lời bệnh nhân nam (50 tuổi, quê Kiên Giang) cách đây hơn 20 năm, anh bị hóc một mảnh xương ống heo vào đường thở. Tuy nhiên, khi đến khám tại một bệnh viện ở địa phương, kết quả chụp X.quang phổi không phát hiện xương, nhưng sau đó về nhà ho ra máu và khạc có đờm mủ kéo dài.
Tình trạng trên cứ lặp đi lặp lại, và cứ mỗi lần như vậy, bệnh nhân phải sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm.
Mới đây, bệnh nhân ho ra mới nhiều hơn, bệnh nhân đã đến một bệnh viện lớn ở TP.HCM chụp X.quang phổi thì phát hiện tình trạng viêm phổi hậu tắc nghẽn. Qua chụp CT Scan, các bác sĩ ở đây phát hiện một mảnh dị vật kèm tăng sáng nhiều. Tại đây, bệnh nhân được nội soi để lấy dị vật này ra, nhưng sau 2 lần gắp đều không thành công.
Ngay sau đó, bệnh nhân được hướng dẫn đến Bệnh viện Chợ Rẫy để hỗ trợ gắp dị vật trong phổi.
ThS.BS Phạm Thị Vân Thanh- Khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết do mảnh xương này nằm ở một vị trí rất đặc biệt, chụp phim phổi không phát hiện được nên để kéo dài hơn 20 năm.
Các bác sĩ nhận định, việc gắp dị vật trong trường hợp này là rất khó khăn, vì mảnh xương nằm trong phổi đến hơn 20 năm, mọc rất nhiều mô hạt, xương sắt nhọn cắm vào thành phế quản sâu. Do đó, trước khi gắp, ê kíp nội soi phải khai thác triệu chứng ho ra máu của bệnh nhân; đồng thời xem trên phim mảnh xương có cắm vào những động mạch lớn hay không để tránh không bị ảnh hưởng đến các động mạch lớn khiến bệnh nhân có thể tử vong.
Sau khi tham khảo được biết bệnh nhân ho ra máu dai dẳng suốt 20 năm, nhưng ra máu không nhiều. Trên phim cho thấy, dị vật này không xâm lấn mạch máu lớn, các bác sĩ quyết định kéo dị vật ra ngoài.
“Lúc đầu kéo dị vật này gặp rất nhiều khó khăn, vì mảnh xương nằm ở vị trí không thể nhìn thấy đầu nhọn. Chúng tôi phải thăm dò, kéo mảnh xương xem vị trí nào dễ kéo, vị trí nào đang cố định cắm chặt vào thành phế quản. Sau khi thực hiện tới động tác thứ 4, ê kíp nội soi mới tách được mảnh chân của xương ra khỏi thành phế quản và mô hạt, kéo được mảnh xương ra ngoài thành công”, bác sĩ Thanh chia sẻ và cho biết: “Dị vật được kéo ra là một mảnh xương ống heo rất to, dày, sắt nhọn và dài đến 7cm”.
Theo bác sĩ Thanh, sở dĩ các bệnh viện khác không thể gắp được dị vật này ra ngoài, một phần là do chưa có kinh nghiệm đối với những dị vật nằm lâu, có mô hạt cắm chặt vào thành phế quản.
“Đây là một trường hợp bỏ quên dị vật rất lâu, trên 20 năm. Những dị vật làm tắc nghẽn đường thở, thường phát hiện sớm, nhưng dị vật này nằm ở một vị trí đặc biệt, không thể phát hiện trên X.quang khiến bệnh nhân bỏ quên”, bác sĩ Thanh nói.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Thanh khuyến cáo người dân trong lúc ăn, uống tránh cười, nói; khi húp súp phải rất cẩn thận, vì trong súp nhiều khi hầm bằng xương rất dễ bị sặc vào phổi, thực quản. Thường khi sặc vào phổi bệnh nhân không thể chịu đựng được những cơn ho dữ dội phải đến ngay bệnh viện, nhưng có khi dị vật rơi vào nằm yên một góc khiến phản xạ ho giảm, bệnh nhân bỏ quên. Trong trường hợp này về lâu dài sẽ bị di chứng của hậu tắc nghẽn của dị vật.