Lạm phát do giá dầu tăng cao buộc chính phủ Thái Lan phải vay thêm tiền để trợ giá. Giới chuyên gia cảnh báo khoản nợ mới sẽ tạo áp lực lớn lên ngân sách và có thể trở thành vấn đề kinh tế nghiêm trọng.

Giá dầu tăng khiến Thái Lan gánh thêm nợ công

Cẩm Bình | 15/02/2022, 14:36

Lạm phát do giá dầu tăng cao buộc chính phủ Thái Lan phải vay thêm tiền để trợ giá. Giới chuyên gia cảnh báo khoản nợ mới sẽ tạo áp lực lớn lên ngân sách và có thể trở thành vấn đề kinh tế nghiêm trọng.

Mức lạm phát tháng 1 của Thái Lan đạt 3,23% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong 9 tháng qua, chủ yếu do giá năng lượng tăng. Ngân hàng trung ương nước này đặt mục tiêu giữ lạm phát ở mức từ 1 - 3%.

Mặc dù ngân hàng trung ương Thái tuần trước thông báo giữ ổn định lãi suất, các nhà kinh tế học dự báo lãi suất trong năm nay sẽ tăng nếu lạm phát cứ cao hơn mức đặt ra.

rithai.jpg
Giá dầu tăng khiến lạm phát tại Thái Lan vượt mức dự kiến - Ảnh: Nikkei Asian Review

Để kiềm chế lạm phát, chính phủ Thái vào tháng 11 năm ngoái quyết định cố gắng giữ giá bán lẻ dầu diesel ở mức 30 baht/lít bằng cách khôi phục chương trình trợ cấp và sử dụng tiền từ quỹ xăng dầu nhà nước.

Được lập ra cách đây gần nửa thế kỷ, Quỹ Xăng dầu nhà nước Thái Lan đã nhiều lần được sử dụng để hạ giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu. Số tiền trong quỹ tính đến cuối tháng 10.2021 chỉ còn 1,4 tỉ baht - không đủ duy trì chương trình trợ cấp - nên chính phủ Thái tháng 11 thông qua kế hoạch vay 30 tỉ baht (đợt đầu tiên) dùng cho chương trình.

Không rõ tiền vay đến từ đâu và khi nào có. Phát ngôn viên chính phủ Thái Rachada Dhnadirek khẳng định vay tiền để kiềm chế giá cả tiêu dùng là điều cần làm.

Thái Lan cần hành động nhanh chóng vì Quỹ Xăng dầu nhà nước tính đến cuối tháng 1 thâm hụt 14 tỉ baht. Căng thẳng Nga - Ukraine sẽ giữ giá dầu ở mức cao, nên Bangkok phải tìm nguồn tài trợ ngay lập tức.

Nhưng vay tiền đồng nghĩa với tăng thêm nợ công. Từ đầu đại dịch COVID-19 đến nay chính phủ Thái đã vay 1,5 nghìn tỉ baht để hỗ trợ cho người nghèo, nâng mức nợ công của nước này tính đến cuối năm 2021 lên 9,64 nghìn tỉ baht (tương đương 58,3% GDP). Khi nợ công gần chạm trần 60% GDP, họ lại nâng mức trần lên 70% tạo điều kiện tiếp tục vay.

Theo giới phân tích, khoản vay 30 tỉ baht có thể không đủ bù đắp cho Quỹ Xăng dầu nhà nước. Cựu quan chức tài chính Thái Anusorn Tamajai ước tính phải cần đến 100 tỉ baht nếu sự căng thẳng Nga - Ukraine đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.

“Giá dầu thế giới khó có thể giảm trong ngắn hạn, căng thẳng có thể kéo dài ít nhất cho đến giữa năm 2022. Chính phủ Thái sẽ cần vay thêm tiền cho Quỹ Xăng dầu nhà nước”, theo cựu quan chức Tamajai.

Một nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn nhận xét tỷ lệ nợ công cao không có khả năng gây ra các vấn đề nghiêm trọng trong ngắn hạn, nhưng sẽ là mối đe dọa lâu dài.

Theo nhà phân tích này: “Nợ công ở mức 70% GDP có thể không phải là cơn ác mộng vào hiện tại. Tuy nhiên, chính phủ phải quản lý chi tiêu thận trọng và lập chiến lược tăng thu ngân sách nhằm ngăn chặn các vấn đề kinh tế dài hạn”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá dầu tăng khiến Thái Lan gánh thêm nợ công