Hai bản thỏa thuận Minsk ấy được ký kết năm 2014 và 2015 nhằm mục đích chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 10 tháng giữa chính phủ Ukraine với lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.

Thỏa thuận Minsk liệu có giúp giải quyết khủng hoảng Ukraine?

Cẩm Bình | 15/02/2022, 10:34

Hai bản thỏa thuận Minsk ấy được ký kết năm 2014 và 2015 nhằm mục đích chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 10 tháng giữa chính phủ Ukraine với lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.

Các thỏa thuận cũng vạch ra lộ trình bầu cử cho Luhansk và Donetsk (do lực lượng ly khai chiếm đóng) cũng như kế hoạch tái thống nhất các khu vực này với phần còn lại của Ukraine.

Tuy nhiên Ukraine và Nga lại có cách diễn giải 2 thỏa thuận khác nhau. Chính phủ Ukraine xem thỏa thuận như phương tiện phục vụ nỗ lực thống nhất đất nước, khôi phục hoàn toàn chủ quyền mặc dù Luhansk và Donetsk được trao một số quyền lực nhất định. Phía Moscow tin rằng thỏa thuận mở ra quá trình lập nên chính quyền thân Nga ở Luhansk và Donetsk, trao cho họ quy chế đặc biệt trước khi tái thống nhất với Ukraine.

Cựu quan chức ngoại giao Anh Duncan Allan gọi sự khác biệt trên là “câu đố hóc búa Minsk”.

Có 13 điểm chính trong 2 thỏa thuận Minsk, 9 trong số đó liên quan đến kiểm soát xung đột trong vùng lãnh thổ lực lượng ly khai chiếm đóng, chẳng hạn như ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng, ân xá người tham gia giao tranh, trao đổi tù nhân, yêu cầu mọi lực lượng nước ngoài cùng trang thiết bị quân sự rút khỏi Ukraine. Lệnh ngừng bắn thường xuyên bị vi phạm, nhưng giao tranh ít xảy ra hơn và ít thương vong hơn.

4 điểm còn lại đề cập đến vấn đề chính trị như đối thoại về bầu cử địa phương, một luật tạm thời trao quy chế đặc biệt cho Luhansk và Donetsk, chính phủ Ukraine tái lập quyền kiểm soát đầy đủ với vùng biên giới giáp Nga.

ukraineflag_120619istock.jpg
Ukraine và Nga có cách diễn giải thỏa thuận Minsk khác nhau - Ảnh: Getty Images

Điểm khó trong thỏa thuận

Theo ông Allan, vấn đề cốt lõi của thỏa thuận Minsk là cách diễn giải không thể hòa hợp về chủ quyền của Ukraine.

Người Ukraine tin rằng chủ quyền đất nước là đầy đủ. Nhưng phía Nga muốn chủ quyền này bị giới hạn bằng cách sử dụng ảnh hưởng của mình với Luhansk và Donetsk tác động đến việc quyết định trao quy chế đặc biệt cho 2 vùng này. Ông Allan nhận định quy chế đặc biệt sẽ là “con ngựa thành Troy” do Nga kiểm soát nằm trong hệ thống chính trị Ukraine.

Hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế

Pháp, Đức đóng vai trò trung gian quan trọng trong 2 thỏa thuận Minsk giữa Nga với Ukraine thông qua Cơ chế Normandy tạo điều kiện cho 4 quốc gia ngồi lại đối thoại, giúp giảm thiểu hiểu lầm và xây dựng quan hệ.

Tuy nhiên, gần 8 năm cố gắng không đem lại đột phá gì. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang đến mức nguy hiểm nhất, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cố gắng dùng thỏa thuận Minsk như công cụ ngăn chặn xung đột quân sự nổ ra. Nỗ lực này vẫn chưa có kết quả.

Người Ukraine nghĩ gì?

Phía Ukraine lo ngại việc Nga tăng cường lực lượng sát biên giới nước này khiến phương Tây sợ hãi rồi chấp nhận áp dụng cách diễn giải thỏa thuận Minsk của Nga với Ukraine nhằm xoa dịu căng thẳng.

Giới chức Ukraine cảnh báo một động thái như vậy sẽ làm dấy lên phong trào biểu tình, tạo ra bất ổn nội bộ thậm chí có thể dẫn đến lật đổ tổng thống - kịch bản làm Ukraine suy yếu giúp Nga tăng cường ảnh hưởng mà chẳng cần dùng đến quân sự.

Theo ông Allan, ý tưởng trao quy chế đặc biệt bị phần lớn người dân Ukraine phản đối. Bất cứ nhà lãnh đạo Ukraine nào cởi mở đàm phán quy chế đặc biệt chắc chắn vấp phải phản đối dữ dội trong nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thỏa thuận Minsk liệu có giúp giải quyết khủng hoảng Ukraine?