Giá dầu thô tăng dù Ả Rập Saudi cam kết sẽ 'giảm thiểu' tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu của Iran.
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran và áp dụng các biện pháp trừng phạt đã khiến cho những đối tác mua dầu mỏ toàn cầu của Iran tán loạn tìm kiếm các nguồn cung khác thay thế.
Với cương vị là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và là lãnh đạo trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Ả Rập Saudi đã đưa ra các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề mất nguồn cung từ Iran.
"Vương quốc sẽ làm việc với các nhà sản xuất và người tiêu dùng lớn trong và ngoài OPEC để giảm thiểu tác động của bất kỳ tình trạng thiếu nguồn cung cấp nào", Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi tuyên bố.
Tuy nhiên, nhữngnhà giao dịch dầu không bị thuyết phục bởi thông tin trên. Giá dầu thô tiếp tục leo thang vào ngày 9.5, cụ thể giá dầu West Texas Intermediate tăng 2,19 USD, tương đương 3,2%, lên mức71,25 USD/ thùng cho hàng giao tháng Sáu.
Chính quyền Trump nói rằng các quốc gia tìm kiếm sự miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn cần phải chứng minh sự "giảm đáng kể" trong việc mua dầu của Iran vào tháng 11 hoặc phải đối mặt với lệnh trừng phạt. Dưới thời Tổng thống Obama, trước khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết những khoản cắt giảm này được thiết lập vào khoảng 20%. Nhưng Washington đã không định nghĩa được sự “đáng kể” nghĩa là gì.
Elizabeth Rosenberg, cựu chuyên gia về Tài chính khủng bố và là chuyên viên cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ cho biết: “Chúng tôi không biết liệu họ có ban hành theo cùng một cách hay không. Con số 20% không được ghi nhận trong hướng dẫn bằng văn bản, vì vậy Trump có thể sử dụng một con số cao hơn".
Goldman Sachs khuyên những nhà đầu tư dầu của Mỹ rằng hành động của Mỹ “sẽ vẫn kết thúc việc giảm mức hạn chế năng lực dự trữ trong một thị trường vốn đã có sự thâm hụt lớn” và họ hy vọng giá dầu sẽ tiếp tục tăng thêm 10%.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác vẫn tin rằng Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran do hiện nay những đối tác chính của Iran là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Rosenberg, một chuyên gia phân tích cho biết “các quốc gia này không có cùng sở thích với Mỹ và có những biện pháp để tự bảo vệ mình”.
Theodore W. Kassinger, một chuyên gia thương mại và là một đối tác tại công ty luật O'Melveny & Myers cho biết: “Nó chỉ là một đối trọng khác trong các mối quan hệ với Trung Quốc. Người Iran đã có vài năm để tái lập vị trí của họ trong thị trường toàn cầu. Còn quá sớm để biết được mối quan hệ đó được thiết lập như thế nào. Tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều phản hồi về điều đó".
Thành Thái (theo Washington Post)