Giá nhà đất vùng ven TP.HCM đang đội lên quá cao, không tương xứng so với thực tế, tiềm năng. Việc công bố giá bán không tương xứng sẽ tạo ra sự méo mó về thông tin, tác động tiêu cực đến thị trường.

Giá nhà đất vùng ven TP.HCM cao ngất ngưởng, liệu có xứng với thực tế?

Phan Diệu | 16/12/2020, 20:15

Giá nhà đất vùng ven TP.HCM đang đội lên quá cao, không tương xứng so với thực tế, tiềm năng. Việc công bố giá bán không tương xứng sẽ tạo ra sự méo mó về thông tin, tác động tiêu cực đến thị trường.

Giá nhà đất vùng ven TP.HCM lập mặt bằng giá mới

Theo CBRE Việt Nam, từ năm 2019 cho đến nay, giá bán căn hộ mở bán mới tại TP.HCM hầu hết đều dưới 45 triệu đồng/m2. Mức giá này được đánh giá là ổn định đặt trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, lượng hàng cung ứng ra thị trường nhỏ giọt không đủ cầu.

Tuy nhiên, việc thiếu hàng đã đẩy người mua, nhà đầu tư tìm về các vùng ven như Dĩ An, Thuận An (tỉnh Bình Dương) hay xa hơn là Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) để tìm kiếm cơ hội. Điều này khiến giá nhà tại khu vực này cũng ùn ùn tăng theo.

Điển hình, tại Bình Dương, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam cho biết số lượng căn hộ chào bán mới tại tỉnh này trong quý 3/2020 đạt 8.289 căn từ 8 dự án, tăng 144% so với cùng thời điểm năm ngoái. Bình Dương nổi lên như một thị trường đối trọng với TP.HCM, đặc biệt ở phân khúc căn hộ tầm trung.

Ông Kiệt nhấn mạnh không chỉ ở nguồn cung gia tăng mạnh mẽ, giá bán căn hộ tại Bình Dương cũng tăng 21% trong 9 tháng, cao hơn mức tăng chỉ 6% của TP.HCM. Giá giao dịch căn hộ tại Bình Dương ở khoảng 1.276 USD/m2 (30-35 triệu đồng), trong khi TP.HCM là 1.966 USD/m2 (47 triệu đồng/m2). Như vậy, mức giá căn hộ tại Bình Dương đã xác lập một mặt bằng giá mới.

Ông Kiệt cho biết sở dĩ nhu cầu căn hộ tại Bình Dương tăng lên là do nguồn cung căn hộ tại TP.HCM giảm mạnh trong các năm trở lại đây. Vì vậy, rất nhiều khách hàng đầu tư đang tìm kiếm tại các khu vực lân cận. Bên cạnh đó, nhu cầu nhà ở tại Bình Dương cũng tăng cao do số lượng người nhập cư tăng nhanh.

Trong khi đó, Bộ phận nghiên cứu và phát triển của DKRA Việt Nam đánh giá Bình Dương được xem là vùng kinh tế trọng điểm phía nam với hệ thống cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện. Tỉnh này cũng sở hữu hàng loạt tuyến đường quan trọng, gắn kết Bình Dương với các khu đô thị vệ tinh xung quanh như quốc lộ 13, cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn, các tuyến đường tỉnh như DT741, DT742, DT743…

Một số tuyến đường như đường Hồ Chí Minh, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành… khi hoàn thành sẽ tạo cú hích thúc đẩy sự phát triển ở Bình Dương và các tỉnh xung quanh.

Ngoài ra, theo quy hoạch của Chính phủ, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ có khoảng 33 khu công nghiệp tập trung, dự kiến sẽ kéo theo hàng nghìn lao động và các chuyên gia nước ngoài đến làm việc dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng lên.

Với những lợi thế về cơ sở hạ tầng khi sở hữu các tuyến đường huyết mạch kết nối với TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh như quốc lộ 1A, quốc lộ 1K, tuyến cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn… Bình Dương sẽ thu hút một lượng lớn khách hàng đầu tư. Do vậy, những yếu tố này sẽ đẩy bất động sản Bình Dương phát triển.

dat-nen-tphcm-2018-6.jpg
Giá nhà tại Bình Dương tăng 21% chỉ trong 9 tháng - Ảnh: Phan Diệu

Giá nhà đất chưa tương xứng với thực tế

Việc các tỉnh vùng ven TP.HCM có nhiều lợi thế về phát triển hạ tầng và được dự báo là thị trường đón nhận sự giãn dân từ TP.HCM là điều nhiều chuyên gia thừa nhận.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc giá bán nhà đất các tỉnh vùng ven đang đội lên quá cao, không tương xứng so với thực tế, tiềm năng. Việc công bố giá bán không tương xứng với giá trị cũng sẽ tạo ra sự méo mó về thông tin, tác động tiêu cực đến thị trường.

Đáng chú ý, dù giá nhà ở tăng cao, song tỷ lệ hấp thụ nhà đất tại các tỉnh vùng ven lại không như kỳ vọng và người mua đa phần là nhà đầu tư, người ở thực chỉ chiếm tỷ lệ rất ít. Thống kê của CBRE cho thấy tại nhiều khu đô thị tọa lạc ở các tỉnh vùng ven được hình thành dọc các trục giao thông lớn kết nối với TP.HCM, chỉ có 10% người mua nhà đất vùng ven với mục đích để ở, 90% còn lại là nhà đầu tư, thậm chí là giới đầu cơ xuống tiền xong rồi để đó.

Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc cho rằng bất động sản vùng ven vẫn chưa sẵn sàng đón nhận dự án lớn, bởi những nơi này vẫn thiếu hạ tầng kết nối, các tiện ích như khu vui chơi, giải trí, mua sắm, bệnh viện, trường học. Đặc biệt, những khu vực này còn có hạn chế trong việc phát triển trung tâm thương mại - dịch vụ, đây là nguyên nhân chính yếu khiến không thu hút được người dân về ở.

Đơn cử, tại thành phố mới Bình Dương, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho biết khu vực này dù có trung tâm hành chính tỉnh, trường đại học, bệnh viện… nhưng hầu hết các khu căn hộ, nhà phố vẫn còn thưa thớt người ở. Nguyên nhân là do cư dân ở đây chủ yếu là công nhân, còn những nhà quản lý đa phần chỉ đến làm việc rồi về TP.HCM để ở. Vì vậy, nơi này khó hình thành những khu đô thị lớn về thương mại - dịch vụ.

Bài liên quan
Giá nhà đất tăng cao vô lý, ngày càng xa tầm với
Tại TP.HCM, chỉ trong một thời gian ngắn, giá nhà đất tăng cao đã khiến việc sở hữu nhà đất của đa số người dân ngày càng xa vời.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng miếng sáng nay, giá tham chiếu cao hơn phiên trước
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 25.4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng với giá tham chiếu 82,3 triệu đồng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá nhà đất vùng ven TP.HCM cao ngất ngưởng, liệu có xứng với thực tế?