Văn phòng của Jack Ma cho biết ông vẫn “rất tin tưởng" Alibaba, mang lại sự yên tâm cho thị trường sau đợt bán tháo cổ phiếu của hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc.
Tuyên bố từ văn phòng của Jack Ma, người đã rời vai trò Chủ tịch Alibaba vào năm 2019 nhưng vẫn là cổ đông lớn thông qua quỹ tín thác của gia đình ông, được đưa ra sau khi các đơn vị ủy thác JSP Investment và JC Properties của ông cho biết trong một hồ sơ rằng họ dự định bán 870 triệu USD cổ phiếu Alibaba theo đợt bắt đầu từ ngày 21.11.
“Việc bán theo đợt là một phần của một kế hoạch trước đó được thiết lập với điều kiện nhất định, nhằm thực hiện việc giảm bớt một phần cổ phiếu trong tương lai. Kế hoạch này đã được thông qua vào tháng 8, nhưng hiện chưa có cổ phiếu nào được bán. Chúng tôi tin rằng giá cổ phiếu hiện tại thấp hơn nhiều so với giá trị hợp lý của nó”, Văn phòng của Jack Ma cho hay.
Jack Ma hoàn toàn tin tưởng vào Alibaba và sẽ tiếp tục nắm giữ cổ phiếu của công ty này, theo văn phòng của ông.
Alibaba đã thông báo sẽ không tiến hành tách toàn bộ đơn vị điện toán đám mây sau khi đạt mức tăng trưởng doanh thu 9% trong quý 3/2023, với lý do không chắc chắn về việc Mỹ có hạn chế xuất khẩu chip dùng trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc hay không.
Sau những thông tin trên, cổ phiếu Alibaba, thành viên lớn thứ hai trên Hang Seng Index với tỷ trọng 7,6%, đã giảm gần 10% tại Hồng Kông hôm 17.11. Đây là mức giảm trong ngày lớn nhất trong hơn một năm của cổ phiếu Alibaba. Các nhà đầu tư đã xóa sạch khoảng 20 tỉ USD giá trị thị trường của Alibaba hôm 17.11.
Đây là phản ứng đầu tiên của thị trường ở châu Á kể từ khi việc đảo ngược chiến lược gây gây chú ý được Alibaba công bố vào cuối ngày 16.11, sau đó cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của công ty này giảm 9%.
Alibaba, từng là cổ phiếu có giá trị nhất châu Á, đạt đỉnh vào tháng 10.2020 với giá trị thị trường khoảng 830 tỉ USD, nhưng hiện được định giá dưới 1/4 số đó, khi công ty thương mại điện tử này trở thành tâm điểm của chiến dịch kiểm soát ngành công nghiệp công nghệ tại Trung Quốc và nền kinh tế nước này giảm tốc.
Khi được hỏi hãng tin Reuters về việc có bất kỳ lý do nào khác đằng sau việc hoãn IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng), Alibaba đã dẫn lời Chủ tịch Joseph Tsai nói trong cuộc báo cáo kết quả kinh doanh hôm 16.11 về cách công ty dự định đầu tư vào kinh doanh đám mây của mình.
Thông tin mới nhất về Alibaba nhấn mạnh những thách thức rộng lớn mà các hãng công nghệ Trung Quốc phải đối mặt, khi các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ chính quyền Biden làm tăng khó khăn trong việc có được nguồn cung chip quan trọng từ Mỹ.
Tháng 3, Alibaba công bố kế hoạch tách ra kinh doanh đám mây như là một phần của quá trình cải tổ, quy mô lớn nhất trong 24 năm lịch sử của công ty, chia thành 6 đơn vị.
Các nhà phân tích ước tính bộ phận đám mây có thể trị giá từ 41 đến 60 tỉ USD nhưng đã cảnh báo rằng việc niêm yết có thể thu hút sự giám sát từ cả các nhà quản lý Trung Quốc và nước ngoài do lượng dữ liệu mà nó quản lý.
Alibaba, công ty có trụ sở tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc), cũng tạm dừng kế hoạch niêm yết với hoạt động kinh doanh cửa hàng tạp hóa Freshippo của mình.
Hôm 16.11, Chủ tịch Alibaba - Joseph Tsai đã nói trong một cuộc gọi sau báo cáo thu nhập rằng công ty hiện sẽ tập trung vào phát triển hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây và cung cấp đầu tư cho các trình điều khiển AI.
Một số nhà phân tích cho biết việc giữ lại bộ phận đám mây có thể hỗ trợ việc thúc đẩy AI của Alibaba. “Công ty tin rằng lệnh cấm chip có thể ảnh hưởng nghiêm trọng và bất lợi đến khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ của họ trong dài hạn. Song, điều đó cũng chỉ ra tầm quan trọng ngày càng tăng của việc duy trì bộ phận đám mây do nhu cầu về điện toán AI ngày càng tăng ở Trung Quốc”, nhà phân tích Bo Pei của hãng US Tiger Research cho biết.
Dữ liệu LSEG (Tập đoàn giao dịch chứng khoán London) chỉ ra Alibaba báo cáo doanh thu quý 3/2023 là 224,79 tỉ nhân dân tệ (31,01 tỉ USD), hơn mức 224,32 tỉ mà các nhà phân tích dự đoán.
Eddie Wu, Giám đốc điều hành của Alibaba, đã trình bày chi tiết về chiến lược tương lai của công ty, nói rằng mỗi hoạt động kinh doanh của họ sẽ đối mặt với thị trường một cách độc lập hơn và sẽ tiến hành đánh giá chiến lược để phân biệt giữa hoạt động kinh doanh "cốt lõi" và "không cốt lõi". Một số nhà phân tích nhìn nhận chiến lược của Eddie Wu một cách tích cực và dự đoán rằng ông sẽ đánh giá lại các quyết định của người tiền nhiệm Daniel Zhang, vốn đột ngột rời đi vào tháng 9 chỉ hai tháng sau khi tập trung vào điện toán đám mây.
Jack Ma, đồng sáng lập Alibaba - một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới vào năm 1999, đã không tham gia vào hoạt động hàng ngày tại công ty kể từ khi nghỉ hưu vào sinh nhật lần thứ 55 của mình. Ông đã dành những ngày nghỉ hưu để đi du lịch vòng quanh thế giới, thăm các phòng thí nghiệm nông nghiệp ở Hà Lan, trang trại cá ngừ tại Nhật Bản và thậm chí là chợ đêm ở Thái Lan.
Vào tháng 7.2022, Jack Ma đã tới Đại học & Nghiên cứu Wageningen (WUR), trường đại học công lập ở Hà Lan nổi tiếng về nghiên cứu nông nghiệp.
Tỷ phú 59 tuổi người Trung Quốc cũng trở thành giảng viên, khơi dậy niềm đam mê giáo dục của mình. Ông nhận chức giáo sư danh dự tại Đại học Hồng Kông vào ngày 1.4 để tiến hành nghiên cứu về tài chính, nông nghiệp và đổi mới doanh nghiệp trong nhiệm kỳ ba năm kết thúc vào tháng 3.2026.
Từng dạy tiếng Anh tại Đại học Điện tử Hàng Châu ở thủ phủ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) trước khi bắt tay vào sự nghiệp kinh doanh, Jack Ma là sự bổ sung nổi bật nhất cho giảng viên của Đại học Hồng Kông. Trường này mời gọi những doanh nhân thành công để mang tính thực tế từ thế giới kinh doanh vào các khóa học học thuật của mình.
Đại học Hồng Kông được xếp hạng thứ 21 trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS năm 2023, trong khi khóa học Kinh doanh và Kinh tế của trường đứng thứ 34 trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới của Times Higher Education.
Jack Ma không xa lạ gì với Đại học Hồng Kông, khi được trao bằng Tiến sĩ Khoa học Xã hội danh dự vào năm 2018 tại trường đại học lâu đời nhất Hồng Kông. Ông cũng được Đại học Tokyo phong tặng chức danh giáo sư danh dự.