Đó là lời khẳng định của ông Samir Dixit, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Công ty Brand Finance tại Diễn đàn thương hiệu Việt Nam lần thứ 9 do Cục Xúc tiến thương mại (Viettrade), Bộ Công Thương tổ chức vào sáng nay 11.3.
Hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu hiện đang là chủ đề nóng và cấp thiết đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cơ hội nhiều hơn đi kèm với thách thức lớn hơn.
Nhận định về thực trạng
giá trị thương hiệu Việt Nam trước bối cảnh hội nhập, ông Samir Dixit cho biết nếu nhìn vào bảng xếp hạng so với các nước trong khu vực ASEAN, vị trí thương hiệu của Việt Nam còn thua xa nhiều nước trong khu vực như: Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và chỉ cao hơn Campuchia. Đặc biệt với các nước có giá trị thương hiệu ở tốp đầu thì Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn.
"Những năm qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng thương hiệu quốc gia và cũng có một số thương hiệu đạt giá trị cao. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng các nước ASEAN đâu có đứng yên. Vì vậy, Việt Nam cần phải tiến nhanh hơn, tham gia quá trình cạnh tranh này và cần phải xây dựng được thương hiệu riêng, đặc biệt, Việt Nam cần phải tìm ra mũi nhọn và xây dựng để có những thương hiệu riêng của quốc gia”, ông Sammir nói.
Hiện nay, Việt Nam đang thua Indonesia hơn 4 lần và thua Singapore, Malaysia khoảng 3 lần về giá trị thương hiệu quốc gia. Con số này đã thế hiện rằng thương hiệu quốc gia Việt Nam vẫn còn non yếu, cụ thể yếu về chất lượng sản phẩm, vòng đời sản phẩm, đáp ứng với sự thỏa mãn cho khách hàng, xuất nhập khẩu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Cụ thể, ông Samir đã so sánh Việt Nam với Philippines về lĩnh vực du lịch. Ông cho rằng mặc dù tiềm năng và lợi thế về du lịch của Việt Nam rất lớn nhưng giá trị thương hiệu lại kém Philippines - nước có giá trị thương hiệu cao nhất ASEAN, điều này đã nâng cao được vị thế về du lịch của Philippines trong khu vực. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng nhưng giá trị thương hiệu còn thấp nên sự đóng góp của du lịch cũng không thực sự được nhiều,
"Ngành du lịch Việt Nam đưa ra quá nhiều logo. Lúc thì là logo nụ cười Việt Nam, lúc thì hình bông sen, lúc thì gọi là Duyên dáng vượt thời gian… Điều đó khiến người ta bối rối không hiểu Việt Nam đại diện cho cái gì”, ông Samir băn khoăn.
Ông Sammir cũng tiết lộ giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2015, theo đánh giá của Công ty Brand Finance, chỉ đạt 140 tỉ USD, trong khi năm 2014 là 172 tỉ USD.
Đóng góp ý kiến vào sự phát triển thương hiệu cho quốc gia Việt Nam, ông Thierry Noyelle- Cố vấn cao cấp Chương trình hợp tác kỹ thuật giữa Viettrade và Ủy ban Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) cũng cho hay chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp lớn, cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đẩy mạnh xuất khẩu, bán hàng được với giá tốt hơn, số lượng nhiều hơn.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia cũng cho rằng: "Hiện nay, có hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam còn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ nên việc xây dựng thương hiệu Việt cho doanh nghiệp cần phải có những giải pháp cụ thể".
Tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam năm 2015, chúng ta đã đạt được đồng thuận cao về việc sớm thiết lập một mô hình liên kết các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia để đẩy mạnh “liên kết” giữa các doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từ đó tạo sức mạnh cộng hưởng cho toàn nền kinh tế quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, sau thời gian nghiên cứu kỹ với sự tư vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước, tại diễn đàn năm nay, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia sẽ công bố thành lập tổ chức Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam - mô hình kết nối doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam với doanh nghiệp SMEs, Thứ trưởng Hải cho biết.
Tuyết Nhung