Theo tướng Stephen Whiting, Trung Quốc đang có sự tăng trưởng ngoạn mục về công nghệ không gian, có thể đe dọa Mỹ trên quỹ đạo và cả đất liền.
Nhịp đập khoa học

Tướng Mỹ cảnh báo trước sự tăng trưởng ngoạn mục về công nghệ không gian của Trung Quốc

Sơn Vân 03/03/2024 18:25

Theo tướng Stephen Whiting, Trung Quốc đang có sự tăng trưởng ngoạn mục về công nghệ không gian, có thể đe dọa Mỹ trên quỹ đạo và cả đất liền.

Trang SCMP đưa tin tướng Stephen Whiting, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự trên mọi lĩnh vực để trở thành một lực lượng quân sự lớn trên toàn cầu.

“Trung Quốc đang phát triển năng lực quân sự về không gian với tốc độ ngoạn mục và ngăn chặn khả năng của Mỹ cùng các đồng minh trong không gian. Trung Quốc đang mở rộng khả năng tiến hành hỏa lực tầm xa, cải thiện độ chính xác và tầm bắn, từ đó nâng cao khả năng sát thương của các lực lượng trên mặt đất”, tướng Stephen Whiting cho hay.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đáp trả bằng cách nói rằng Mỹ đang lợi dụng cái gọi là mối đe dọa từ các quốc gia khác như một lý do để mở rộng sức mạnh quân sự của mình.

“Trung Quốc luôn nhấn mạnh vào việc sử dụng không gian một cách hòa bình, phản đối cuộc chạy đua vũ trang trong không gian… Chúng tôi kêu gọi Mỹ từ bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh, ngừng tuyên truyền thông tin sai lệch và chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang trong không gian”, Trương Tiểu Cương, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói.

Trong lời khai của mình trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, tướng Stephen Whiting mô tả Trung Quốc cùng Nga là “đối thủ cạnh tranh không gian chính” của Mỹ và nói rằng theo nhiều ước tính, Trung Quốc sẽ đạt được vị thế đẳng cấp thế giới trong hầu hết lĩnh vực công nghệ không gian vào năm 2030.

Ông nói: “Quân đội Trung Quốc đang tập trung vào việc bù đắp các điểm thua thiệt trước Mỹ, đồng thời nhanh chóng thúc đẩy và tích hợp lực lượng của mình trên tất cả lĩnh vực để hỗ trợ cách tiếp cận toàn diện với chiến tranh chung. Có một sự cấp thiết với Bộ Tư lệnh của chúng tôi là ủng hộ việc cung cấp các khả năng và năng lực không gian mới để duy trì lợi thế cạnh tranh lâu dài”.

Tướng Stephen Whiting cho biết Trung Quốc đang nghiên cứu những tiến bộ trong khí tượng vệ tinh, chuyến bay không gian của con người và thám hiểm không gian bằng robot, với mạng lưới vệ tinh tình báo đã tăng lên “hơn 359 hệ thống tính đến tháng 1.2024”, hoặc tăng hơn gấp 3 lần sự hiện diện của họ vào năm 2018.

“Với các hệ thống không gian và đối phó không gian, họ (Trung Quốc) đã tăng cường đáng kể khả năng giám sát, theo dõi và nhắm mục tiêu vào các lực lượng của Mỹ và đồng minh, cả trên mặt đất và trên quỹ đạo”, ông nói.

Một số vệ tinh mới được Trung Quốc triển khai cũng có thể hoạt động như vũ khí gây rủi ro cho tài sản của Mỹ, tướng Stephen Whiting nói.

Ngoài ra, Trung Quốc đang phát triển các phương tiện bay siêu thanh và các loại vũ khí không gian tiên tiến khác có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và cảnh báo tên lửa truyền thống của Mỹ, theo tướng Stephen Whiting.

tuong-my-canh-bao-ve-su-tang-truong-ngoan-muc-cua-cong-nghe-khong-gian-trung-quoc12.jpg
Tướng Stephen Whiting, Tư lệnh Lực lượng Không gian Mỹ - Ảnh: Internet

Sự cạnh tranh trong không gian giữa Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng những năm gần đây, với sự mở rộng nhanh chóng của mạng lưới vệ tinh và công nghệ liên quan.

Cạnh tranh trong lĩnh vực không gian vẫn là mối lo ngại kể từ khi vũ khí chống vệ tinh được Liên Xô cùng Mỹ phát triển và thử nghiệm trong Chiến tranh lạnh.

Mỹ và Trung Quốc đã ký hiệp ước vào năm 1967, cấm sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trong không gian.

Mạng lưới internet vệ tinh quỹ đạo tầm cao của Trung Quốc thách thức Starlink

Cuối tháng 11.2023, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành việc thiết lập ban đầu mạng lưới liên lạc vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm cao đầu tiên, dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ internet vệ tinh nhanh chóng trong biên giới của mình và ở một số quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Theo một chuyên gia truyền thông ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), dự án này có thể là giải pháp thay thế cho Starlink của SpaceX.

Tờ Tân Hoa Xã đưa tin Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), cho biết mạng lưới này sẽ cung cấp dịch vụ internet cho các ngành công nghiệp từ hàng không, điều hướng đến các dịch vụ khẩn cấp và năng lượng. CASC là công ty không gian chủ chốt của Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước

Mạng này bao gồm các vệ tinh có khả năng truyền tải cao như ChinaSat 16, 19 và 26. Theo nhà điều hành mạng, các vệ tinh bao phủ Trung Quốc cùng các khu vực của Nga, Đông Nam Á, Mông Cổ, Ấn Độ, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, gồm cả phần lớn khu vực nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Sáng kiến Vành đai và Con đường là chiến lược của Trung Quốc nhằm tăng cường liên kết và kết nối cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á, châu Phi, châu Âu.

Tổng công suất các vệ tinh có khả năng truyền tải cao của Trung Quốc được cho sẽ vượt quá 500Gbps vào năm 2025.

Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp smartphone có tính năng gọi vệ tinh vào mùa hè năm ngoái khi gã khổng lồ công nghệ Huawei ra mắt điện thoại 5G kết nối với các vệ tinh có quỹ đạo tầm cao 36.000km.

Sun Yaohua, Phó giáo sư về khoa Kỹ thuật thông tin và Truyền thông tại Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, cho biết do khoảng cách xa so với mặt đất nên các vệ tinh có quỹ đạo tầm cao nằm ở vị trí tương đối cố định so với thiết bị kết nối với chúng, do đó mỗi vệ tinh có phạm vi bao phủ rộng hơn nhiều so với các vệ tinh có quỹ đạo tầm thấp.

Sun Yaohua đã so sánh mạng vệ tinh quỹ đạo tầm cao của Trung Quốc với Starlink, gồm cả các vệ tinh quỹ đạo tầm thấp được sản xuất hàng loạt. Ông cho biết mạng vệ tinh quỹ đạo tầm cao của Trung Quốc yêu cầu ít vệ tinh hơn để phủ sóng và không gặp vấn đề gì khi một thiết bị được kết nối chuyển đổi giữa các vệ tinh, mang lại độ ổn định cao hơn.

Mạng Starlink được phát triển bởi SpaceX (công ty hàng không vũ trụ Mỹ do Elon Musk điều hành) để cung cấp dịch vụ vệ tinh internet tốc độ cao, chi phí thấp. Starlink hiện có hơn 5.500 vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp ở độ cao khoảng 550km.

“Các vệ tinh có quỹ đạo tầm thấp có lợi thế là tốc độ liên lạc cao hơn và độ trễ tải truyền thấp, nhờ có ít mất tín hiệu trên quãng đường ngắn hơn. Chúng được đặt ở vị trí thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh như video HD trực tuyến và giao dịch tài chính. Hệ thống quỹ đạo tầm thấp cũng có một mạng lưới linh hoạt hơn, không phụ thuộc vào một vệ tinh duy nhất và có thể tiếp tục hoạt động nếu một vệ tinh bị hỏng. Song nếu một vệ tinh có quỹ đạo tầm cao bị hỏng, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ mạng lưới”, Sun Yaohua nói.

Ông nói thêm rằng chi phí của một vệ tinh quỹ đạo tầm thấp sẽ ít hơn nhiều, đặc biệt là khi SpaceX có thể tận dụng việc sản xuất vệ tinh hàng loạt để bổ sung vào chòm sao Starlink.

“Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các vệ tinh quỹ đạo tầm cao và quỹ đạo tầm thấp sẽ là xu hướng chung toàn cầu trong tương lai. Trong đó vệ tinh quỹ đạo tầm cao sẽ là xu hướng chung để phủ sóng cơ bản và vệ tinh quỹ đạo thấp sẽ nâng cao hoạt động hoặc khu vực. Hệ thống vệ tinh quỹ đạo tầm cao của Trung Quốc tương đối phát triển. Những vệ tinh quỹ đạo tầm thấp vẫn đang phát triển và chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn trong tương lai”, Sun Yaohua cho biết thêm.

Cũng theo Sun Yaohua, Trung Quốc sẽ cần đầu tư vào mạng vệ tinh quỹ đạo tầm thấp để triển khai công nghệ 6G và cạnh tranh với các vệ tinh Starlink trong việc sử dụng không gian, vì quỹ đạo vệ tinh và tần số vô tuyến là nguồn tài nguyên “đến trước được phục vụ trước”.

“Việc vận hành và quản lý hệ thống vệ tinh rất phức tạp. Kinh nghiệm cần được tích lũy qua thực tế. Mạng lưới vệ tinh quỹ đạo tầm cao này sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Trung Quốc liên lạc trong các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường mà còn cung cấp kinh nghiệm trong việc bảo trì và vận hành hệ thống vệ tinh. Điều này quan trọng với sự phát triển trong tương lai của internet vệ tinh Trung Quốc”, Sun Yaohua nói.

"SpaceX là thách thức chưa từng có với tham vọng thống trị không gian của Trung Quốc"

Tham vọng trở thành cường quốc thống trị không gian vào năm 2045 của Trung Quốc đối mặt với những thách thức chưa từng có, đặc biệt là từ SpaceX, theo bài bình luận chính thức trên tờ báo China Space News thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

Theo bài bình luận này, các nhân viên hàng không vũ trụ Trung Quốc phải duy trì “ý thức sâu sắc về tình hình khẩn cấp” khi SpaceX đi đầu trong việc cách mạng hóa và định hình lại ngành công nghiệp không gian toàn cầu.

Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) “rõ ràng đang tụt hậu so với” SpaceX về một số mặt, bao gồm triết lý phát triển, mô hình nghiên cứu và sản xuất, các công nghệ tên lửa cốt lõi, hiệu suất kinh tế.

“CASC lớn nhưng không đủ mạnh hoặc nổi bật. Khi khoảng cách công nghệ với SpaceX ngày càng mở rộng, mọi nhân viên hàng không vũ trụ nên nhận thức tỉnh táo về tình huống này, vượt qua sự tự mãn, kiêu ngạo mù quáng và làm việc chăm chỉ hơn”, trích nội dung bài viết.

SpaceX được Elon Musk thành lập vào năm 2002 với mục tiêu cắt giảm chi phí phóng tên lửa và giúp chuyến bay vào không gian trở nên hợp lý hơn. Sản phẩm của hãng có lửa Falcon 9 và tàu không gian Dragon. SpaceX cũng đang phát triển Starship, hệ thống phóng tàu không gian siêu nặng, có thể tái sử dụng hoàn toàn và chòm sao internet vệ tinh Starlink.

Lấy cảm hứng từ SpaceX, CASC cùng các công ty hàng không vũ trụ khác ở Trung Quốc đã và đang nghiên cứu các phiên bản Starship cùng Starlink của riêng họ là tên lửa siêu nặng Trường Chinh 9 và mạng Guo Wang, để cạnh tranh với công ty Mỹ.

Trong số hơn 180 vụ phóng thành công của năm 2022, 61 vụ được thực hiện bằng tên lửa Falcon của SpaceX, so với 53 vụ của dòng tên lửa Trường Chinh từ CASC. Trong bảng xếp hạng các quốc gia, Mỹ dẫn đầu với 78 vụ phóng, tiếp theo là Trung Quốc ở vị trí 64 và Nga ở vị trí 21.

Bill Gerstenhaber, Phó chủ tịch của SpaceX, phát biểu tại một phiên điều trần tại Thượng viện vào tháng 10.2023 rằng công ty đã và đang làm việc siêng năng để duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực không gian trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

“Trên toàn cầu, Falcon là hệ thống phương tiện duy nhất có thể theo kịp nhịp độ phóng cao tương tự ở Trung Quốc. Từ góc độ khối lượng đến quỹ đạo, chỉ riêng Falcon đã vượt trội hơn Trung Quốc 3 lần”, ông nói.

Theo Bill Gerstenhaber, nếu không có sự đổi mới nhanh chóng của SpaceX, Trung Quốc đã có thể vượt trội Mỹ.

Ông nói: “Nếu loại trừ SpaceX, Trung Quốc đã có số lượng vụ phóng gần gấp 3 lần so với phần còn lại của ngành công nghiệp Mỹ cộng lại trong nửa đầu năm 2023 và mang khối lượng lên quỹ đạo gần gấp 8 lần tất cả nhà điều hành vụ phóng khác của Mỹ”.

Bài bình luận từ China Space News nhắc lại mốc thời gian cho các ưu tiên tiếp theo của chính quyền, gồm việc đưa các phi hành gia Trung Quốc đầu tiên lên Mặt trăng và trở lại với mẫu đá từ sao Hỏa, cả hai đều dự kiến không muộn hơn năm 2030.

“Đến năm 2045, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc không gian hàng đầu thế giới và sử dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực không gian để thúc đẩy sự phát triển tổng thể của mình. Mục tiêu là nuôi dưỡng cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại và đóng góp vào sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại”, theo bài viết.

Bài liên quan
Lý do các startup đầu tư hàng triệu USD để sản xuất thuốc và chất bán dẫn trong không gian
Sản xuất trong không gian nghe có vẻ giống khoa học viễn tưởng nhưng nó đã xảy ra rồi, dù ở quy mô rất nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
8 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tướng Mỹ cảnh báo trước sự tăng trưởng ngoạn mục về công nghệ không gian của Trung Quốc