Google sẽ đối mặt với hội đồng xét xử của tòa án liên bang tại thành phố Boston (bang Massachusetts, Mỹ) hôm 9.1.2024 trong phiên tòa liên quan đến cáo buộc rằng các bộ xử lý mà hãng sử dụng để cung cấp năng lượng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong các sản phẩm chính của mình vi phạm bằng sáng chế một nhà khoa học máy tính.
Thế giới số

Google đối diện vụ kiện đòi bồi thường 7 tỉ USD liên quan bằng sáng chế bộ xử lý AI

Sơn Vân 09/01/2024 21:48

Google sẽ đối mặt với hội đồng xét xử của tòa án liên bang tại thành phố Boston (bang Massachusetts, Mỹ) hôm 9.1.2024 trong phiên tòa liên quan đến cáo buộc rằng các bộ xử lý mà hãng sử dụng để cung cấp năng lượng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong các sản phẩm chính của mình vi phạm bằng sáng chế một nhà khoa học máy tính.

Công ty Singular Computing được thành lập bởi nhà khoa học máy tính Joseph Bates có trụ sở tại bang Massachusetts, tuyên bố Google đã sao chép công nghệ của ông và sử dụng nó để hỗ trợ các tính năng AI trong Google Search, Gmail, Google Translate và các dịch vụ khác.

Hồ sơ của tòa án cho biết Singular Computing đã yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng số tiền lên tới 7 tỉ USD, cao hơn gấp đôi số tiền phạt vi phạm bằng sáng chế lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử Mỹ.

Jose Castaneda, người phát ngôn Google, gọi các bằng sáng chế của Singular Computing là "đáng ngờ" và nói rằng Google đã phát triển bộ xử lý của mình "độc lập trong nhiều năm".

“Chúng tôi mong muốn làm sáng tỏ sự thật trong tòa án”, Jose Castaneda nói.

Luật sư của Jose Castaneda từ chối bình luận về vụ kiện. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài từ hai đến ba tuần.

Đơn khiếu nại năm 2019 từ Singular Computing cho biết Joseph Bates đã chia sẻ những cải tiến về xử lý máy tính của mình với Google từ năm 2010 đến 2014. Singular Computing cho rằng các bộ xử lý Tensor (TPU) của Google, giúp nâng cao khả năng AI của công ty, sao chép công nghệ từ Joseph Bates và vi phạm hai bằng sáng chế.

Theo đơn kiện, các mạch điện của Google sử dụng một kiến trúc cải tiến do Joseph Bates phát hiện, cho phép tăng sức mạnh xử lý và "cách mạng hóa cách thức thực hiện huấn luyện, suy luận AI".

Google đã giới thiệu các bộ xử lý của mình vào năm 2016 để hỗ trợ AI, được sử dụng để nhận dạng giọng nói, tạo nội dung, đề xuất quảng cáo và các chức năng khác. Singular Computing cáo buộc phiên bản 2 và 3 của bộ xử lý, được Google giới thiệu vào năm 2017 và 2018, đã vi phạm quyền sáng chế của hãng.

Google đã phản bác trong phiên tòa tháng 12.2023 rằng bộ xử lý của hãng hoạt động theo cách khác so với công nghệ được cấp bằng sáng chế của Singular Computing và cho rằng các bằng sáng chế đó không hợp lệ.

Google cho biết trong hồ sơ tòa án: “Các kỹ sư của Google có nhiều cảm xúc lẫn lộn về công nghệ này và cuối cùng công ty đã từ chối nó, nói rõ ràng với tiến sĩ Bates rằng ý tưởng của ông ấy không phù hợp với loại ứng dụng mà Google đang phát triển”.

Tòa án cấp phúc thẩm của Mỹ ở Washington sẽ xem xét các lập luận hôm 9.1 về việc liệu có nên vô hiệu hóa bằng sáng chế của Singular Computing trong một vụ kiện riêng biệt mà Google kháng cáo từ Văn phòng Sở hữu Trí tuệ và Nhãn hiệu Mỹ hay không.

google-doi-mat-vu-kien-doi-boi-thuong--7-ti-usd-lien-quan-bang-sang-che-bo-xu-ly-ai.jpg
Singular Computing tuyên bố Google đã sao chép công nghệ của Joseph Bates và sử dụng nó để hỗ trợ các tính năng AI trong Google Search, Gmail, Google Translate và các dịch vụ khác - Ảnh: Reuters

Hồi tháng 9.2022, Google từng phải chịu án phạt kỷ lục lên tới 4,125 tỉ euro (4,13 tỉ USD) sau khi kháng cáo thất bại trong vụ kiện chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU).

Cụ thể hơn, EU đã giữ nguyên cáo buộc chống độc quyền năm 2018 với Google, khẳng định rằng gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã áp đặt "các hạn chế trái pháp luật" với các nhà sản xuất điện thoại Android để quảng cáo công cụ tìm kiếm của mình trên các thiết bị di động.

Trước đó, Google đã nỗ lực để phản đối lại khoản tiền phạt kỷ lục lên tới 4,3 tỉ euro được công bố vào năm 2018. Song vào sáng ngày 14.9, Tòa án Công lý châu Âu đã giảm mức phạt xuống còn 4,125 tỉ euro sau khi "một lần nữa tái khẳng định" phán quyết.

Điều này đã giáng một đòn nghiêm trọng xuống Google và củng cố lập trường của những tổ chức cùng những người ủng hộ chống độc quyền châu Âu.

Cáo buộc ban đầu được đưa ra năm 2018 chống lại Google cho thấy công ty này đã lạm dụng sự thống trị trên thị trường của mình để hạn chế thị trường và phương pháp bán hàng các nhà sản xuất điện thoại Android.

Theo phán quyết của của Ủy ban châu Âu, Google đã phá vỡ các quy tắc của EU khi yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) phải sử dụng gói ứng dụng của Google, nổi bật là ba ứng dụng Google Search, Chrome và cửa hàng ứng dụng Play Store.

Theo phân tích của Ủy ban châu Âu, Google cảm thấy sự phát triển không ngừng nghỉ của smartphone là một mối đe dọa khôn lường với hoạt động kinh doanh tìm kiếm của công ty. Lý do là các nhà sản xuất smartphone khổng lồ có thể sẽ đưa công cụ tìm kiếm của riêng họ trở thành trung tâm trên thiết bị.

Không lâu sau khi bị cáo buộc, Google đã đưa ra những lập luận để phản hồi về vụ việc. Trong đó, Google nhấn mạnh việc Ủy ban châu Âu đánh giá không chính xác khi nói rằng hãng đang thống trị thị trường di động vì iOS của Apple vẫn tồn tại một cách vững vàng và hành động của Google là cần thiết để ngăn hệ sinh thái Android phân mảnh thành nhiều hệ điều hành không tương thích.

Phán quyết từ tòa án vẫn giữ nguyên phần lớn các cáo buộc ban đầu của Ủy ban châu Âu. Thế nhưng, tòa án cũng nhận thấy rằng các kế hoạch chia sẻ doanh thu của Google với các nhà sản xuất smartphone không hề có dấu hiệu về sự lạm dụng thị trường. Vì vậy, khoản tiền phạt tương ứng đã giảm khoảng 5% xuống còn 4,125 tỉ euro. Đây vẫn là là mức phạt kỷ lục với vi phạm chống độc quyền.

Người phát ngôn Google đã bày tỏ thất vọng trước phán quyết này của tòa án: “Chúng tôi rất thất vọng vì tòa án đã không hủy bỏ toàn bộ quyết định. Android đã tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho tất cả mọi người và hỗ trợ hàng ngàn doanh nghiệp thành công ở châu Âu cũng như trên toàn thế giới”.

Phán quyết nói trên là một động lực cho Margrethe Vestager, trưởng bộ phận chống độc quyền của EU, sau những thất bại trong các vụ việc liên quan đến những gã khổng lồ công nghệ khác như Intel và Qualcomm trong năm 2022.

FairSearch (nhóm tổ chức vận động chống lại sự độc quyền của Google trong công cụ tìm kiếm trực tuyến và các hoạt động liên quan) cho biết phán quyết sẽ củng cố hơn nữa các quy tắc mang tính bước ngoặt của Margrethe Vestager nhằm kiềm chế những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ sẽ có hiệu lực vào năm 2023.

Luật sư Thomas Vinje (chuyên về luật chống độc quyền và sở hữu trí tuệ của châu Âu, đặc biệt tập trung vào các vấn đề công nghệ) nói: “Chiến thắng này sẽ thúc đẩy Ủy ban châu Ậu thực thi quy định mới áp dụng trong các hãng công nghệ lớn là Đạo luật thị trường kỹ thuật số”.

Theo quy định, Google có thể kháng án lên Tòa tư pháp châu Âu.

Hai đạo luật mới của EU là mối lo cho các hãng công nghệ lớn

EU đang nỗ lực thắt chặt quy định với các hãng công nghệ lớn bằng hai đạo luật mới là DMA và DSA.

DSA có hiệu lực vào ngày 25.8.2023, đặt ra những quy định về nội dung với các nền tảng mạng xã hội, thị trường trực tuyến và cửa hàng ứng dụng. Đạo luật này buộc chủ sở hữu các nền tảng này phải hạn chế các thông tin sai lệch và nội dung tiêu cực như các bình luận mang tính thù địch, nội dung cổ vũ khủng bố và quảng cáo các đồ chơi không an toàn.

Trong khi đó, DMA đặt ra một loạt quy định cấm và nghĩa vụ với các hãng công nghệ có vị thế nổi trội trên thị trường, qua đó thay đổi cách hoạt động kinh doanh của họ tại EU.

Với DSA, chính phủ các quốc gia sẽ có nhiều quyền hơn để buộc các hãng công nghệ lớn dỡ bỏ các nội dung trái phép. Các hãng công nghệ còn có nghĩa vụ nộp các bản đánh giá rủi ro lên Ủy ban châu Âu, trong đó trình bày rõ họ đang giảm thiểu ảnh hưởng của các nội dung độc hại như thế nào.

Nếu Ủy ban châu Âu nhận thấy rằng các hãng công nghệ đã không có đủ các biện pháp ngăn chặn các nội dung độc hại, họ có thể bị yêu cầu phải thay đổi thuật toán quyết định nội dung mà người dùng có thể nhìn thấy. Nếu không tuân thủ, các công ty có thể bị phạt lên tới 6% doanh thu hàng năm.

Quyền ngăn chặn thông tin sai lệch còn được tăng cường trong các thời điểm khủng hoảng như xung đột hay đại dịch. Ủy ban châu Âu sẽ quyết định những yếu tố cấu thành nên một nội dung độc hại. DSA cũng cấm các quảng cáo hướng đến đối tượng trẻ em – một nguồn doanh thu đáng kể với Meta Plaforms (công ty mẹ Facebook) và Alphabet (công ty mẹ Google).

Về DMA, 5 tập đoàn công nghệ Mỹ được coi là "người gác cổng" gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta Platforms và Microsoft, cùng ByteDance (Trung Quốc), sẽ đối mặt với các hạn chế mới nghiêm ngặt về cách thức hoạt động. Chẳng hạn như các nền tảng này không được thiên vị các dịch vụ của mình hơn dịch vụ của đối thủ.

DMA cũng cấm các hãng công nghệ kết hợp dữ liệu cá nhân từ các dịch vụ khác nhau của mình, cũng như sử dụng dữ liệu thu thập được từ các bên bán hàng thứ ba để cạnh tranh với họ. Mục đích của DMA là ngăn chặn các hành vi vi phạm luật chống độc quyền để đảm bảo các hãng công nghệ lớn không thể bóp méo sự cạnh tranh trên các thị trường mới.

Bài liên quan
Google ra mắt 3 phiên bản mô hình Gemini, vũ khí AI hạng nặng để đấu với OpenAI
Sau nhiều tháng kích thích sự tò mò, Google bắt đầu tung ra mô hình trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) của mình mang tên Gemini.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
38 phút trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Google đối diện vụ kiện đòi bồi thường 7 tỉ USD liên quan bằng sáng chế bộ xử lý AI