Hà Nội vừa thông tin về việc UBND TP chỉ đạo điều tiết cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà.

Hà Nội: Gấp rút đưa nước sạch về khu đô thị Thanh Hà

Tuyết Nhung | 22/10/2023, 14:20

Hà Nội vừa thông tin về việc UBND TP chỉ đạo điều tiết cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà.

Ngày 22.10, Văn phòng UBND TP.Hà Nội đã thông tin về việc chỉ đạo điều tiết cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà.

982f0dc4-65cd-4cb5-8e29-c182c5cf2c37.jpeg

Trong đó, UBND TP đề xuất 5 nhiệm vụ nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, cụ thể:

Thứ nhất, đôn đốc các nhà đầu tư tập trung nguồn lực khẩn trương hoàn thành dự án phát triển nguồn cấp nước.

Thứ nhì, tập trung chỉ đạo 9 đơn vị cấp nước đẩy nhanh tiến độ mở rộng mạng phân phối và dịch vụ cho những khu vực đã được giao vùng cấp nước.

Thứ 3, hoàn thành việc lựa chọn đơn vị cấp nước cho 9 xã còn lại của huyện Phúc Thọ trong năm 2023; thực hiện dự án trong thời kỳ 2024-2025.

Thứ 4, đôn đốc UBND huyện Ba Vì hoàn thiện hồ sơ đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách; triển khai khởi công quý 1/2024 và hoàn thành trong năm 2025.

Thứ 5, đối với các khu vực khó khăn, địa hình đồi gò, dân cư thưa thớt, các đơn vị xã hội hóa không thể đầu tư mạng lưới cấp nước được, giao UBND các huyện nghiên cứu dự án cấp nước cho các khu vực còn lại bằng nguồn ngân sách; đề xuất cơ chế quản lý vận hành sau đầu tư.

Đồng thời UBND TP đề xuất 3 giải pháp nâng cao chất lượng cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ ở một số khu vực, như: khu vực Trung Văn (khu vực Trường đại học Hà Nội) nằm giữa 2 quận Nam Từ Liêm - Thanh Xuân, cuối nguồn của hệ thống cấp nước do Công ty Viwaco quản lý.

Sự thiếu hụt này đã được Công ty Viwaco giải quyết bằng các giải pháp theo kế hoạch đã đặt ra như: Vận hành hệ thống bơm để đảm bảo cấp cho khu vực xa nguồn; điều tiết luân phiên; cải tạo mạng lưới giảm thất thoát; vận động nhân dân sử dụng nước hiệu quả tiết kiệm...

Giữa tháng 10.2023, tại khu đô thị Thanh Hà, chất lượng nước không đảm bảo dẫn đến việc dừng hoạt động trạm cấp nước cục bộ. Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng triển khai các giải pháp, yêu cầu các đơn vị cấp nước điều tiết cấp nước bổ sung cho khu đô thị Thanh Hà.

Ngày 18.10.2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo yêu cầu các đơn vị bằng mọi biện pháp nhanh nhất cấp nước sạch sinh hoạt trở lại và có giải pháp bảo đảm ổn định lâu dài cho người dân khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai).

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, có phương án cấp nước sạch đảm bảo ổn định, an toàn cho dân. Đến nay, Sở Xây dựng đã chủ trì tổ chức 4 cuộc họp, ban hành 6 văn bản chỉ đạo đôn đốc các đơn vị phối hợp thực hiện các giải pháp cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà.

Về kết quả điều tiết nguồn cấp về bổ sung cho khu đô thị Thanh Hà:

Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống đã phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Viwaco điều tiết nguồn cho Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông để cấp nguồn cho khu đô thị Thanh Hà với lưu lượng lúc 17 giờ ngày 18.10 là khoảng 120m3/giờ (tương đương khoảng 2.880m3/ngày đêm).

Từ 6 giờ ngày 19.10 đến 6 giờ ngày 20.10 là 3.143 m3/ngày đêm trên nhu cầu khoảng (3.200 - 3.500)m3/ngày đêm.

Khu đô thị Thanh Hà nằm cuối nguồn của hệ thống nước mặt sông Đuống, với đường ống truyền tải từ nhà máy về khu đô thị Thanh Hà hơn 40km.

Về lâu dài khu đô thị Thanh Hà với nhu cầu sử dụng nước khoảng 27.500m3/ngày đêm sẽ được cấp nước từ nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2 với công suất 600.000m3/ngày đêm và nhà máy nước mặt Xuân Mai công suất 300.000m3/ngày đêm.

Trong giai đoạn trước mắt, các nguồn bổ sung như trên chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu, UBND TP tiếp tục chỉ đạo:

Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Viwaco điều tiết nguồn cho Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông để điều tiết tối đa nguồn cấp cho khu đô thị Thanh Hà. Thành phố đã cho phép Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống bổ sung đoạn tuyến D700 trên địa bàn quận Hoàng Mai để bổ sung khối lượng và tăng áp lực cho khu vực cuối nguồn (các huyện phía nam thành phố).

Công ty Nước sạch Hà Nội tăng nguồn nước ngầm để điều tiết nguồn sông Đuống cho khu đô thị Thanh Hà.

Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà tăng tối đa công suất cấp nước đảm bảo cấp nguồn cho TP.Hà Nội. 

Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà xây dựng giải pháp khắc phục đảm bảo cấp nước ổn định cho người dân, trong đó xác định rõ tổng nhu cầu sử dụng nước, sản lượng tự khai thác từ trạm cấp nước ngầm, sản lượng cần bổ sung từ hệ thống cấp nước tập trung; thời gian cần hỗ trợ; điều tiết nguồn cấp trong khu vực dự án; khẩn trương cải tạo trạm cấp nước cục bộ trong khu đô thị Thanh Hà đảm bảo công suất đã được chấp thuận với chất lượng nước theo tiêu chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế (thay thế QCVN 01:2009/BYT) theo quy định về đầu tư, xây dựng.

UBND huyện Thanh Oai, UBND quận Hà Đông tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch tại khu đô thị Thanh Hà; tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả tránh lãng phí, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Sở Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị phối hợp tăng nguồn cung và điều tiết, tiết giảm nguồn cấp từ nguồn sông Đuống, sông Đà cho Công ty Nước sạch Hà Nội và Công ty Viwaco để bổ sung nguồn cấp cho Công ty Nước sạch Hà Đông điều phối cấp về khu đô thị Thanh Hà.

Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống triển khai xây dựng trạm tăng áp cục bộ trên đường 70 để điều tiết tăng lượng lượng cấp cho khu vực Hà Đông và khu đô thị Thanh Hà. 

Khẩn trương hoàn thành 3 nhà máy nước mặt, nước sạch

Đối với việc cấp nước những tháng cuối năm 2023 và năm 2024: Dự báo nhu cầu sử dụng nước trong năm 2024 sẽ tăng so với năm 2023 khoảng 5 - 10% tùy thời điểm.

Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong năm 2024, Sở Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước rà soát nhu cầu và chuẩn bị các giải pháp điều tiết, duy trì, phát huy tối đa công suất nguồn cấp của các nhà máy nước hiện có, phối hợp điều tiết nguồn cấp giữa các đơn vị cấp nước.

Chất lượng nước sau xử lý phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt theo QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế.

Công ty Nước sạch sông Đuống, sông Đà chuẩn bị các giải pháp kỹ thuật, pháp lý… để vận hành công suất dự phòng tăng 20% công suất thiết kế trung bình của mỗi nhà máy 300.000m3/ngày đêm lên khoảng 350.000 - 360.000m3/ngày đêm theo thời điểm và kỹ thuật cho phép.

Khai thác nguồn nước ngầm dự kiến giảm theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu tăng thêm trong năm 2024.

Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng khẩn trương hoàn thành nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày đêm trong quý 1/2024.

Trong những năm tiếp theo, sớm đưa vào vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2 (hợp phần 2) nâng công suất lên 600.000m3/ngày đêm, Nhà máy nước Xuân Mai tại Hòa Bình công suất 300.000m3/ngày đêm

Đối với các khu vực cuối nguồn bất lợi về nguồn nước, các đơn vị cấp nước xây dựng phương án cấp nước chi tiết cho từng khu vực (bổ sung bơm tăng áp di động, vận hành van cấp nước theo giờ…).

Bài liên quan
Đề xuất 15m2/người mới được thường trú nội thành Hà Nội: Ai chịu thuế đô thị?
TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng đề xuất thuê nhà 15m2/người mới được đăng ký thường trú dẫn đến người giàu và thu nhập cao được hưởng lợi lớn, trong khi người thu nhập thấp bị ảnh hưởng. Từ đó sẽ nảy sinh mâu thuẫn xã hội rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Gấp rút đưa nước sạch về khu đô thị Thanh Hà