SMIC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng số 1 Trung Quốc) cho biết lợi nhuận của họ đã giảm hơn 1/4 trong quý 4/2022, do nhu cầu của người tiêu dùng với smartphone và máy tính xách tay giảm gây áp lực lên ngành.

Hãng chip số 1 Trung Quốc báo lợi nhuận quý 4/2022 giảm hơn 26%: Tương lai còn u ám

Sơn Vân | 09/02/2023, 21:51

SMIC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng số 1 Trung Quốc) cho biết lợi nhuận của họ đã giảm hơn 1/4 trong quý 4/2022, do nhu cầu của người tiêu dùng với smartphone và máy tính xách tay giảm gây áp lực lên ngành.

Trong ba tháng kết thúc vào ngày 31.12.2022, lợi nhuận của SMIC đã giảm hơn 26% so với cùng kỳ xuống còn 425,5 triệu USD. SMIC (niêm yết tại Hồng Kông) vừa báo cáo thông tin này hôm 9.2.

Doanh thu quý 4/2022 của SMIC đạt 1,6 tỉ USD, giảm 15% so với quý trước nhưng tăng 2,6% so với một năm trước đó.

Tổng doanh thu của SMIC năm 2022 tăng gần 34% lên 7,27 tỉ USD, so với 5,44 tỉ USD trong năm 2021.

Vào tháng 11.2022, SMIC cho biết dự kiến nhu cầu với thiết bị điện tử tiêu dùng yếu hơn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh của họ trong nửa đầu năm 2023.

Theo công ty nghiên cứu Canalys, doanh số smartphone toàn cầu năm 2022 đã giảm 11% xuống dưới 1,2 tỉ chiếc, mức thấp nhất trong một thập kỷ. Theo hãng nghiên cứu Counterpoint Research, doanh số máy tính cá nhân toàn cầu năm 2022 đã giảm 15% so với 2021.

Trên toàn thế giới, ngành công nghiệp bán dẫn đang phải đối mặt với những cơn gió ngược mạnh mẽ, với doanh số bán dẫn toàn cầu giảm gần 15% xuống còn 130,2 tỉ USD trong quý 4/2022 so với cùng kỳ năm 2021, theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn.

Công bố doanh thu sụt giảm 20% vào năm 2022, hãng khổng lồ Intel (Mỹ) đã lên kế hoạch cắt giảm việc làm quy mô lớn có thể ảnh hưởng đến khoảng 1/5 nhân viên ở một số bộ phận, trang Bloomberg đưa tin, trích dẫn các nguồn giấu tên.

Samsung Electronics, hãng chip nhớ hàng đầu thế giới của Hàn Quốc, đã chứng kiến lợi nhuận quý 4/2022 giảm hơn 2/3 xuống mức thấp nhất trong 8 năm.

SMIC cho biết ngành công nghiệp bán dẫn có khả năng vẫn ở đáy của chu kỳ trong nửa đầu năm 2023, điều này có thể làm doanh thu quý 1/2023 của công ty giảm tới 12% so với quý 4/2022.

Theo công ty nghiên cứu TechInsights (Canada), SMIC đã bắt đầu sử dụng quy trình 7 nanomet để sản xuất chất bán dẫn, ít nhất là từ năm ngoái, đưa công ty Trung Quốc này tiến một bước gần hơn đến mức của Intel, Samsung Electronics và TSMC. TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở thành phố Tân Trúc (Đài Loan).

Dù SMIC chưa bao giờ công khai thừa nhận hoặc phủ nhận bước đột phá này, điều đó cho thấy công ty có trụ sở tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã có thể thâm nhập vào các nút tiên tiến dưới 10 nanomet mà không cần các máy in thạch bản cực tím tiên tiến do ASML sản xuất. ASML, gã khổng lồ cung cấp thiết bị sản xuất chip Hà Lan, ngừng xuất khẩu các công cụ như vậy sang Trung Quốc vào năm 2019 dưới áp lực của Mỹ.

Bị thêm vào danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ vào cuối năm 2020, SMIC đang xây dựng 4 nhà máy đúc chip 28 nanomet trưởng thành trên khắp Trung Quốc, trong đó có một nhà máy ở thành phố Thượng Hải và Thiên Tân, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong vòng 5 đến 7 năm tới.

Vào cuối năm 2022, nhà máy mới của SMIC ở thành phố Thâm Quyến đã đi vào sản xuất. Trong khi quá trình sản xuất thử nghiệm đã bắt đầu ở một xưởng đúc chip khác ở Bắc Kinh, nơi việc sản xuất hàng loạt dự kiến ​​sẽ bị trì hoãn từ một đến hai quý do việc hoãn mua sắm một số thiết bị, SMIC tiết lộ hôm 9.2.

SMIC cho biết công suất hàng tháng của họ đã tăng lên tương đương 714.000 đĩa bán dẫn (wafer) 8 inch vào năm 2022, trong khi tổng chi tiêu vốn lên tới 6,35 tỉ USD.

Nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc cho biết ngân sách tăng lên là để trả trước cho việc mua sắm thiết bị cho 4 xưởng đúc chip của họ, sẽ cung cấp thêm công suất tương đương với 340.000 đĩa bán dẫn 12 inch mỗi tháng.

hang-chip-so-1-trung-quoc-bao-loi-nhuan-quy-42022-giam-hon-26.jpg
Bên ngoài trụ sở SMIC ở Thượng Hải - Ảnh: Bloomberg

Hôm 31.1, Samsung Electronics đã báo cáo lợi nhuận hàng quý thấp nhất trong 8 năm và cho biết sự bất ổn kinh tế vĩ mô dai dẳng sẽ khiến nửa đầu 2023 trở nên khó khăn, dù nhu cầu có thể sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm.

Samsung cho biết nhu cầu sụt giảm và điều chỉnh hàng tồn kho sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chip trong quý 1/2023, đồng thời dự kiến "nhu cầu smartphone sẽ giảm so với cùng kỳ năm 2022 do suy thoái kinh tế ở các khu vực chính".

Là nhà sản xuất chip nhớ và smarphone lớn nhất thế giới, Samsung Electronics đã báo cáo lợi nhuận quý 4/2022 giảm 69% do nhu cầu của người tiêu dùng với các thiết bị điện tử giảm khi khách hàng chi tiêu ít hơn trong nền kinh tế yếu kém, kéo giá chip nhớ xuống.

Với 4,3 ngàn tỉ won (3,49 tỉ USD), lợi nhuận hoạt động từ tháng 10 đến tháng 12.2022 là mức lợi nhuận hàng quý thấp nhất của Samsung Electronics kể từ năm 2014. Doanh thu quý 4/2022 của tập đoàn Hàn Quốc giảm 8% xuống còn 70,5 ngàn tỉ won.

Trong hoạt động kinh doanh chip, lợi nhuận của Samsung Electronics giảm xuống còn khoảng 270 tỉ won ở quý 4/2022 từ 8,83 ngàn tỉ won trong cùng kỳ một năm trước đó.

Giá chip nhớ, vốn đã giảm với tỷ lệ phần trăm hai chữ số vào năm 2022, được dự đoán sẽ còn giảm hơn nữa ở quý 1/2023 do khách hàng tiếp tục ngừng mua hàng và sử dụng hết hàng tồn kho hiện có trong khi nhu cầu thiết bị vẫn giảm.

Intel cho biết dự kiến sẽ thua lỗ trong quý 1/2023 do ngành công nghiệp máy tính cá nhân gặp phải tình trạng dư thừa chip.

Các đối thủ chip nhớ của Samsung Electronics là Micron Technology (Mỹ) và SK Hynix (Hàn Quốc) thông báo sẽ cắt giảm đầu tư vào năm 2023.

Không riêng SMIC và Samsung Electronics, doanh thu quý 4/2022 của TSMC không đạt ước tính từ các nhà phân tích, báo hiệu sự suy giảm toàn cầu về nhu cầu điện tử đang ảnh hưởng đến nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

Doanh thu quý 4/2022 của TSMC đã tăng 43% lên 625,5 tỉ Tân Đài tệ (20,6 tỉ USD), theo tính toán của trang Bloomberg dựa trên số liệu hàng tháng do công ty Đài Loan báo cáo. Điều đó đã bỏ lỡ mức 636 tỉ Tân Đài tệ do các nhà phân tích dự đoán, lần đầu tiên sau 2 năm.

TSMC cho biết doanh thu tháng 12.2022 của họ tăng 24% lên 192,6 tỉ Tân Đài tệ.

Là công ty có giá trị nhất Đài Loan, TSMC đã chi mạnh tay để mở rộng năng lực sản xuất và xử lý nhiều đơn đặt hàng hơn. Tuy nhiên, do nhu cầu điện tử sụt giảm trong bối cảnh lãi suất và lạm phát gia tăng, TSMC năm ngoái đã giảm kế hoạch chi tiêu vốn khoảng 10% xuống còn 36 tỉ USD. Một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng TSMC có thể trì hoãn thêm chi tiêu cho việc mở rộng vào năm 2023.

Cổ phiếu TSMC đã giảm 27% vào năm 2022, sau khi tăng gấp đôi trong thời kỳ đại dịch.

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng với nhiều sản phẩm sử dụng chip do TSMC sản xuất. Thế nhưng, TSMC và khách hàng của họ vẫn kỳ vọng xu hướng dài hạn về nhu cầu điện tử sẽ tiếp tục tăng.

TSMC, nhà cung cấp độc quyền chip Silicon của Apple cho iPhone và Mac, tháng 12 đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 3 nanomet thế hệ tiếp theo và tăng đầu tư vào bang Arizona (Mỹ) lên 40 tỉ USD. Tổng thống Biden cùng Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook ca ngợi liên doanh chip trị giá 40 tỉ USD của TSMC.

TSMC chịu áp lực phải đa dạng hóa phân phối địa lý của hoạt động sản xuất chip tiên tiến của mình và đang hợp tác với các chính phủ như Mỹ, Nhật Bản để phát triển dấu ấn toàn cầu hơn.

Các nhà hoạch định chính sách cùng khách hàng toàn cầu đang ngày càng lo lắng về sự phụ thuộc công nghệ của họ vào Đài Loan và thúc đẩy TSMC chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài.

Cuối năm 2022, TSMC đã bắt đầu sản xuất số lượng lớn chip theo quy trình 3 nanomet tại thành phố Đài Nam, miền nam đảo Đài Loan. Qua đó, TSMC tiếp bước Samsung Electronics trong việc sản xuất loại chip dự kiến sẽ kiểm soát dòng thiết bị tiên tiến tiếp theo từ iPhone 15, máy chủ internet cho đến siêu máy tính.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế và sự không chắc chắn về tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ với nền kinh tế Trung Quốc.

Mark Liu - Chủ tịch TSMC bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn với nhu cầu chip, đồng thời hứa sẽ tạo ra chip 2 nanomet trong tương lai tại thành phố Tân Trúc và Đài Trung.

Ông Mark Liu cho biết: “Ngành công nghiệp bán dẫn sẽ phát triển nhanh chóng trong thập kỷ tới và Đài Loan chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn nữa trong nền kinh tế toàn cầu. Nhu cầu về chip 3 nanomet là rất mạnh”.

Đài Loan là nơi chiếm hơn 90% năng lực sản xuất các chip hàng đầu thế giới. Các nhà hoạch định chính sách và khách hàng toàn cầu đang ngày càng lo lắng về sự phụ thuộc công nghệ vào Đài Loan và thúc đẩy TSMC chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài.

Ngày 16.12.2022, TSMC thông báo sẽ cung cấp chip 4 nanomet tại nhà máy mới ở bang Arizona (Mỹ) từ năm 2024 và chip 3 nanomet tại nhà máy thứ hai ở Mỹ vào 2026. TSMC cũng đang tăng cường công suất sản xuất chip tại Nhật Bản và tìm địa điểm xây nhà máy ở các quốc gia, chẳng hạn như Đức.

Việc TSMC đa dạng hóa sản xuất ở nước ngoài đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Đài Loan rằng điều này sẽ làm suy yếu tầm quan trọng chiến lược của đảo này trong dài hạn. Thế nhưng, nhà lãnh đạo Đài Loan - bà Thái Anh Văn nói rằng việc TSMC chuyển sang xây dựng nhà máy ở Mỹ hay quốc gia khác là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của Đài Loan ở nước ngoài, chứ không phải là mối đe dọa với ngành công nghiệp địa phương. Kế hoạch sản xuất chip 2 nanomet của TSMC là minh chứng công ty Đài Loan tiếp tục giữ công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất ở quê nhà.

Ông Mark Liu cho hay: “Việc sản xuất hàng loạt chip 3 nanomet là thành quả của sự hợp tác kéo dài hàng thập kỷ với chuỗi cung ứng địa phương”.

Samsung Electronics đã bắt đầu sản xuất hàng loạt chất bán dẫn 3 nanomet vào tháng 6.2022 trong một nỗ lực khó khăn để bắt kịp TSMC trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất chip theo hợp đồng và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng với các thiết bị hiệu suất cao tiêu thụ ít điện năng hơn.

TSMC cho biết các chip sản xuất theo quy trình 3 nanomet của họ mang lại hiệu suất tốt hơn so với chip 5 nanomet, trong khi dùng ít năng lượng hơn khoảng 35%.

Ông Mark Liu nói công nghệ 3 nanomet sẽ giúp tạo ra các sản phẩm cuối với giá trị thị trường là 1,5 ngàn tỉ USD trong vòng 5 năm.

Bài liên quan
Hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc sa thải 10% lao động, cựu nhân viên than bị đòi tiền trợ cấp mua nhà
YMTC (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc) đang sa thải tới 10% lực lượng lao động sau chưa đầy hai tháng bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ, theo trang SCMP.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãng chip số 1 Trung Quốc báo lợi nhuận quý 4/2022 giảm hơn 26%: Tương lai còn u ám