Opera đang lên kế hoạch tích hợp ChatGPT vào các phiên bản trình duyệt của mình với mục tiêu chiếm thị phần từ Google Chrome.

Opera muốn kết hợp với ChatGPT để chiếm thị phần Google Chrome sau sự cố để đời của Bard

Sơn Vân | 09/02/2023, 16:45

Opera đang lên kế hoạch tích hợp ChatGPT vào các phiên bản trình duyệt của mình với mục tiêu chiếm thị phần từ Google Chrome.

Kunlun Tech, công ty mẹ của Opera (có trụ sở tại Na Uy), đã công bố thông tin này hôm 9.2. Chưa có thông tin chi tiết nào được chia sẻ về thời gian hoặc liệu các chức năng ChatGPT có khả dụng trên tất cả sản phẩm của Opera hay không, bao gồm trình duyệt cho máy tính để bàn, thiết bị di động chạy iOS và Android.

Tin tức được đưa ra khi Microsoft và Google vừa công bố kế hoạch kết hợp công nghệ chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) với công cụ tìm kiếm của riêng họ.

Được phát triển bởi công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) và Microsoft hậu thuẫn, ChatGPT đã trở nên phổ biến kể từ khi phát hành vào cuối tháng 11.2022.

Trình duyệt Google Chrome có thị phần lớn nhất trên toàn thế giới với 65,4%, trong khi Microsoft Edge có 4,5% thị phần, theo dữ liệu của trang Statcount cho tháng 1.2022. Dữ liệu cho thấy Opera đứng thứ 6 trên thị trường trình duyệt toàn cầu với 2,4% thị phần. Với việc tích hợp ChatGPT, Opera muốn chiếm một chút thị phần từ Google Chrome.

Cũng vận hành một trình duyệt dành riêng cho game thủ, Opera có trung bình 321 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến quý 3/2022. Công ty cho biết hoạt động kinh doanh trình duyệt cho game thủ (Opera GX) đã giúp tăng doanh thu trong quý 3/2022, với mức tăng trưởng 28% lên 85,3 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Kunlun Tech có trụ sở tại Bắc Kinh và niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến. Vào tháng 12.2022, Kunlun Tech đã thông báo đang làm việc với một loạt nội dung do AI tạo ra, chẳng hạn như âm nhạc và hình ảnh, sẽ là mã nguồn mở. Cổ phiếu Kunlun Tech đã tăng hơn 40% đến nay trong năm 2023. Cổ phiếu Opera (được niêm yết trên sàn Nasdaq) chỉ tăng hơn 10% trong khoảng thời gian đó.

opera-muon-ket-hop-voi-chatgpt.jpg
Opera đứng thứ 6 trên thị trường trình duyệt toàn cầu với 2,4% thị phần - Ảnh: Internet

Hôm 8.2, Google cho biết sẽ cải tiến kết quả tìm kiếm với các tính năng generative AI, trong động thái mới nhất chuẩn bị cho cuộc chiến với Bing của Microsoft.

Generative AI là hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo ra các nội dung mới như văn bản, hình ảnh, âm thanh dựa trên những mẫu đã học được từ dữ liệu sẵn có… Sức mạnh của generative AI thể hiện trước công chúng vào năm ngoái với ChatGPT.

Phản ứng giống như con người của ChatGPT với bất kỳ lời nhắc nào đã mang đến cho người dùng những cách nghĩ mới về khả năng tiếp thị, viết bài luận học kỳ, phổ biến tin tức hoặc thậm chí là cách truy vấn thông tin trực tuyến.

Microsoft đang hy vọng các tính năng mới với ChatGPT có thể hồi sinh Bing và đánh bại sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, vốn thúc đẩy hoạt động kinh doanh quảng cáo béo bở kiếm được doanh thu 100 tỉ USD vào năm ngoái.

Microsoft cho biết Bing phiên bản mới sẽ thay đổi cách mọi người tìm kiếm thông tin trên internet. Công cụ tìm kiếm do AI hỗ trợ sẽ có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng bằng ngôn ngữ đơn giản, tổng hợp những gì Bing tìm thấy trên web và trong kho dữ liệu của chính nó, thay vì chỉ đưa ra các liên kết đến các trang web. Hơn nữa, Microsoft quyết định cập nhật trình duyệt Edge với AI để tăng cường cạnh tranh với Google Chrome.

Trong khi Google cho biết việc thêm generative AI vào kết quả tìm kiếm sẽ tạo ra các phản hồi bằng văn bản hoặc hình ảnh cho các yêu cầu và cho phép người dùng tương tác với thông tin theo những cách hoàn toàn mới.

"Khi chúng tôi tiếp tục đưa các công nghệ generative AI vào các sản phẩm của mình, giới hạn duy nhất với tìm kiếm sẽ là trí tưởng tượng của bạn", Prabhakar Raghavan, Phó chủ tịch cấp cao của Google, cho biết tại một sự kiện ở Paris (thủ đô Pháp).

Theo Reuters, các nhà phân tích cho biết Google hy vọng nó có thể ngăn người dùng chuyển sang đối thủ Bing. Đó là thông báo thứ hai của Google trong tuần này.

Hôm 6.2, Google đã tiết lộ dịch vụ Bard, nhưng việc ra mắt chatbot này gặp phải trục trặc khi quảng cáo trực tuyến của chính công ty cho thấy nó đưa ra câu trả lời không chính xác. Lỗi truy vấn của Bard khiến vốn hóa thị trường Alphabet (công ty mẹ của Google) giảm khoảng 10%, tương đương 120 tỉ USD.

Trong một tweet quảng cáo Bard, Google đã chia sẻ một ảnh động mà chatbot này đang hoạt động. Bard đang trả lời các câu hỏi của người dùng, bao gồm cả câu hỏi về kính viễn vọng James Web Space Telescope.

Thế nhưng, một trong những câu trả lời của Bard không chính xác. Cụ thể hơn, Bard tuyên bố rằng James Web Space Telescope là kính viễn vọng đầu tiên tìm thấy một hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Sự thật thì đây là một thành tựu thuộc về ESO (Đài thiên văn phía nam của châu Âu), nơi phát hiện ra hành tinh đó cách nay gần 20 năm bằng kính viễn vọng VLT của mình.

Nhà vật lý thiên văn Grant Tremblay (Mỹ) là người chỉ ra lỗi kiến thức thiên văn của Bard. Theo Grant Tremblay, dù gây ấn tượng nhưng các chatbot AI "thường đưa ra câu trả lời sai một cách rất tự tin".

Đây được xem là một ví dụ điển hình về những sai sót có thể xảy ra với các chatbot dựa trên AI. Cụ thể, chúng có thể đưa ra các thông tin không chính xác nhưng giống như có căn cứ, dẫn đến việc nhiều người sẽ hiểu sai thông tin.

Ngay sau khi lỗi trên được phát hiện, Google nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sai sót, cho biết sẽ sử dụng phản hồi từ chương trình thử nghiệm mới kết hợp với các thông tin khác để đảm bảo "câu trả lời của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và dựa vào căn cứ thông tin trong thế giới thực".

Bất chấp điều đó, Alphabet phải trả giá đắt khi cổ phiếu giảm mạnh 10% không lâu sau đó. Sai lầm nêu trên kết hợp với việc Microsoft công bố Bing và Edge phiên bản mới tích hợp AI "sẽ tốt hơn ChatGPT" khiến các nhà đầu tư lo ngại.

ChatGPT và Bard có thể trả lời những câu hỏi mà người dùng đưa ra bằng ngôn ngữ tự nhiên, khiến nhiều người nghĩ rằng chúng như bách khoa toàn thư. Song các chatbot này về cơ bản thu thập thông tin và tập hợp lại thành phản hồi, với kết quả đúng hoặc sai tùy thuộc vào nội dung thu được. Đó có thể là một trong những lý do khiến Bard gặp lỗi ngay khi được Google giới thiệu.

Bài liên quan
Microsoft giúp các trường học, công ty tạo chatbot riêng tương tự ChatGPT
Microsoft có kế hoạch phát hành phần mềm để giúp các công ty lớn và trường học tạo chatbot của riêng họ tương tự ChatGPT, trang CNBC đã đưa tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Opera muốn kết hợp với ChatGPT để chiếm thị phần Google Chrome sau sự cố để đời của Bard