Cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ rộng rãi các mẹo về cách sử dụng ChatGPT, chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) gây bão internet được công ty khởi nghiệp OpenAI ra mắt tháng 11.2022.
Người dân Trung Quốc đua nhau tạo nội dung riêng nhờ ChatGPT, từ phân tích chứng khoán đến đánh giá smartphone.
Trong bối cảnh sự cường điệu ngày càng tăng xung quanh công nghệ của OpenAI (Mỹ), các nhà đầu tư đã đổ tiền vào bất kỳ công ty nào liên quan với các dịch vụ giống ChatGPT.
Hanwang Technology, công ty được niêm yết tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) phát triển “lập trình ngôn ngữ tư duy”, đã chứng kiến giá cổ phiếu của mình tăng gấp đôi trong 8 ngày giao dịch vừa qua. Cổ phiếu Zhihu (được niêm yết tại Hồng Kông) - nền tảng hỏi đáp được cộng đồng người sử dụng tạo lập, trả lời và biên tập giống như Quora, đã tăng 40% hôm 8.2 dựa trên suy đoán rằng dữ liệu của nó có thể kích hoạt một dịch vụ như ChatGPT.
Các ứng dụng của bên thứ ba trên các nền tảng khác nhau ở Trung Quốc đã giúp một số người truy cập được ChatGPT vì OpenAI chặn số điện thoại và địa chỉ IP của nước này để tạo tài khoản. Các chuyên gia nói riêng cũng như công chúng nói chung đã chia sẻ tràn ngập câu trả lời do ChatGPT tạo ra để kiểm tra trí tuệ của chatbot này.
Các nhà phân tích tại công ty Caitong Securities đã công bố một báo cáo về ngành phẫu thuật thẩm mỹ do ChatGPT viết trong 1 giờ. Bài phân tích dài 6.500 từ đã đề cập đến định nghĩa, lịch sử, giá trị thị trường và các quy định của ngành. Nhà phân tích Liu Yang cho biết ChatGPT “tương đối tốt trong việc diễn đạt văn bản và viết tiêu đề nhưng mắc lỗi rõ ràng về dấu câu và thuật ngữ”.
Tech Xinyi, tài khoản đánh giá tiện ích với hơn 6 triệu người theo dõi trên Weibo, cho biết anh bị sốc bởi ChatGPT và lo sợ rằng “những người có sức ảnh hưởng đến công nghệ có thể bị thay thế”.
Tech Xinyi đưa ra nhận xét sau khi hỏi ChatGPT xem smartphone Huawei hay Xiaomi tốt hơn. ChatGPT đã liệt kê những ưu điểm của từng thương hiệu, chẳng hạn như camera và thời lượng pin của smartphone Huawei và giá thiết bị Xiaomi. Tuy nhiên, ChatGPT nhấn mạnh rằng smarphone nào tốt hơn phụ thuộc vào nhu cầu, mục đích sử dụng của người dùng.
Kênh truyền thông Hongxing Xinwen (Trung Quốc) hôm 7.3 đã sử dụng ChatGPT để tự phỏng vấn. Chatbot này đã được đề nghị: "Vui lòng liệt kê 5 câu hỏi để phỏng vấn một công ty AI" và sau đó tiếp tục với phần Hỏi & Đáp.
Cuộc phỏng vấn gồm phần giới thiệu công ty AI, một cuộc thảo luận về công nghệ và thành tựu chính của nó, nhưng "khá thông thường và không đủ sâu, thiếu những phản ánh về công nghệ của hãng này”, theo Hongxing Xinwen.
Hongxing Xinwen cũng hỏi ChatGPT liệu AI có thay thế các nhà báo hay không và nhận được câu trả lời rằng “không có khả năng”.
“AI không có khả năng hiểu và nắm bắt các câu chuyện của con người, trong khi các nhà báo cần sử dụng khả năng phán đoán, sự sáng tạo và thấu hiểu cảm xúc của con người để nắm bắt được điểm nhấn và ý nghĩa của một câu chuyện tin tức”, ChatGPT viết.
Ngày càng có nhiều cuộc tranh luận về việc công nghệ AI mạnh mẽ có thể phá vỡ độ an toàn trong công việc như thế nào, một chủ đề đã nóng lên sau khi ChatGPT vượt qua bài phỏng vấn để tuyển dụng cho vị trí kỹ sư phần mềm cấp 3 tại Google (tương đương với mức lương khoảng 183.000 USD/năm) và bài kiểm tra thạc sĩ quản trị kinh doanh do một giáo sư từ Trường Wharton của Đại học Pennsylvania (Mỹ). ChatGPT cũng giúp soạn một bài phát biểu cho Tổng thống Israel - Isaac Herzog vào tuần trước.
Matthew Pike, trợ lý giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Nottingham Ningbo Trung Quốc, cho biết: “Với khả năng hiện tại, tôi tin rằng ChatGPT sẽ không thay thế công việc của con người. Dù công nghệ tiên tiến nhưng nó vẫn yêu cầu các chuyên gia xác minh và xác thực thông tin được trình bày. Điều này có nghĩa là khả năng phán đoán và ra quyết định của con người vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các ngành nghề khác nhau”.
Khi được hãng thông tấn China News Service hỏi liệu AI có thay thế công việc của con người hay không, ChatGPT trả lời rằng: “Dù nó có thể thực hiện một số công việc nhất định như ghi dữ liệu và tiếp thị qua điện thoại, nhưng con người vẫn đang tạo ra những công việc, nhu cầu mới và công nghệ cũng sẽ tạo ra những công việc mới. Do đó, con người và AI sẽ có thể cùng tồn tại và hợp tác chứ không thay thế lẫn nhau”.
Các công ty Trung Quốc đang tìm cách tạo ra chatbot kiểu ChatGPT. Gã khổng lồ tìm kiếm Baidu cho biết chatbot AI của họ, được gọi là Ernie Bot, hoàn thành thử nghiệm nội bộ vào tháng 3.
Ernie (Enhanced Representation through Knowledge Integration) là một mô hình ngôn ngữ lớn do AI cung cấp, được giới thiệu vào năm 2019. Ernie đã dần phát triển để có thể thực hiện các nhiệm vụ bao gồm hiểu ngôn ngữ, tạo ngôn ngữ và chuyển văn bản thành hình ảnh.
Alibaba hôm 8.2 thông báo đang phát triển một AI kiểu ChatGPT và trong quá trình thử nghiệm nội bộ. Công cụ cộng tác doanh nghiệp DingTalk của Alibaba đã xuất bản hướng dẫn sử dụng để thêm ChatGPT vào các cuộc trò chuyện nhóm thông qua mã thông báo hợp lệ được tạo bởi dịch vụ.
Tuy vậy, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo chống lại việc thổi phồng công nghệ này.
Trong bài viết đăng hôm 8.2, Nhật báo Chứng khoán viết rằng các nhà đầu tư không nên chạy theo xu hướng một cách mù quáng khi giá cổ phiếu liên quan tăng vọt.
Nhật báo Kinh tế viết hôm 4.2 rằng vẫn còn một chặng đường dài để nội dung do AI tạo ra được áp dụng thương mại trên quy mô lớn và thị trường không nên để đầu cơ can thiệp vào công nghệ.