Làn sóng lạc quan về TSMC (Đài Loan) ngày càng mạnh mẽ hơn với đợt tăng giá cổ phiếu đưa vốn hóa thị trường của hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới đến gần cột mốc 1.000 tỉ USD.
Thế giới số

Hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới sắp đạt mốc 1.000 tỉ USD khi nhà đầu tư lạc quan về AI

Sơn Vân 19/06/2024 23:05

Làn sóng lạc quan về TSMC (Đài Loan) ngày càng mạnh mẽ hơn với đợt tăng giá cổ phiếu đưa vốn hóa thị trường của hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới đến gần cột mốc 1.000 tỉ USD.

Hàng loạt công ty môi giới Phố Wall đã nâng mục tiêu giá cổ phiếu TSMC trong tuần này, trích dẫn nhu cầu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) tăng vọt và khả năng tăng giá chip vào năm 2025 để thúc đẩy lợi nhuận.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs Group là công ty lạc quan nhất, nâng mục tiêu giá của mình cho cổ phiếu TSMC lên 19% khi thấy giá sản xuất chip 3 và 5 nanomet tăng lên “một tỷ lệ phần trăm nhỏ”.

Tập đoàn dịch vụ tài chính JPMorgan Chase & Co cho biết TSMC có thể “nâng dự báo doanh thu năm 2024 và khả năng tăng mức đầu tư vốn lên phạm vi cao hơn”, đồng thời dự kiến AI sẽ đóng góp 35% tổng doanh thu công ty Đài Loan vào năm 2028.

Hãng dịch vụ tài chính Citigroup và Morgan Stanley cũng nâng mục tiêu giá cổ phiếu TSMC dựa trên triển vọng lợi nhuận mạnh hơn của công ty này.

Dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng, TSMC đã nổi lên như hãng hưởng lợi chính từ việc áp dụng AI ngày càng rộng rãi, với công nghệ tiên tiến và định giá khiến họ trở thành lựa chọn yêu thích của các nhà đầu tư toàn cầu.

TSMC cũng được hưởng lợi từ việc trở thành nhà cung cấp chip tiên tiến chính cho Nvidia. Nvidia vừa vượt qua Microsoft để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.

TSMC đã vượt qua Berkshire Hathaway vào tuần trước để trở thành công ty lớn thứ 8 trên thế giới về vốn hóa thị trường, dựa trên chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR) của công ty. ADR này đã tăng 73% trong năm nay, nâng giá trị thị trường của TSMC lên 932 tỉ USD, gần chạm ngưỡng 1.000 tỉ USD.

ADR (American Depository Receipt) là một loại chứng chỉ đại diện cho cổ phiếu của công ty nước ngoài được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ.

“Chúng tôi hiện thấy tỷ lệ rủi ro - phần thưởng của TSMC hấp dẫn hơn (tiềm năng phần thưởng cao hơn so với rủi ro) trong bối cảnh tình cảm tích cực ngày càng gia tăng về AI. Với sự lan rộng liên tục của AI, chúng tôi thấy TSMC là một trong những hãng hưởng lợi chính”, các nhà phân tích của Goldman Sachs Group viết trong một ghi chú hôm 18.6.

tsmc-tam-dung-mot-so-may-san-xuat-chip-va-so-tan-nhan-vien-sau-tran-dat-dong-lon-nhat-dai-loan-25-nam.jpg
Làn sóng lạc quan về TSMC ngày càng mạnh mẽ hơn với đợt tăng giá cổ phiếu đưa vốn hóa thị trường của hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới đến gần cột mốc 1.000 tỉ USD - Ảnh: Internet

Nvidia kiếm được bộn tiền nhờ bán chip AI tiên tiến cho nhiều hãng công nghệ lớn nhỏ. Giờ đây, nhà cung cấp chính của Nvidia là TSMC định tính giá sản xuất chip cao hơn cho họ.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào bùng nổ AI biến Nvidia thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới và gia tăng tài sản ròng cho Giám đốc điều hành Jensen Huang lên 119 tỉ USD.

Giờ đây, TSMC dường như muốn tận dụng sự cường điệu về AI này.

"Tôi đã phàn nàn với Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang - 'người 3.000 tỉ USD' - rằng các sản phẩm của ông ấy quá đắt", C.C. Wei (Giám đốc điều hành TSMC) cho biết gần đây, theo trang Nikkei.

C.C. Wei đề cập đến vốn hóa thị trường Nvidia, đã vượt quá 3.000 tỉ USD. Nvidia đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh bùng nổ khác vào tháng trước, với doanh thu và thu nhập quý 1/2024 đều vượt qua ước tính của các nhà phân tích ở Phố Wall.

Cụ thể hơn, doanh thu quý 1/2024 của Nvidia tăng vọt 262% so với cùng kỳ năm ngoái lên 26,04 tỉ USD, vượt ước tính 24,65 tỉ USD từ các nhà phân tích. Trong khi thu nhập ròng quý 1/2024 của Nvidia tăng vọt 628% lên mức 14,88 tỉ USD.

C.C. Wei nói thêm rằng các sản phẩm Nvidia "chắc chắn là rất có giá trị" nhưng ông đang nghĩ đến việc "thể hiện giá trị của chúng tôi".

Bình luận của C.C. Wei đã làm dấy lên suy đoán rằng TSMC đang cân nhắc tăng giá. Theo một số ước tính, TSMC sản xuất 90% chip xử lý tiên tiến nhất thế giới.

TSMC đã cố gắng giảm bớt suy đoán của thị trường vào tuần trước, nói với các phương tiện truyền thông Đài Loan rằng giá cả của công ty luôn "theo định hướng chiến lược hơn là theo cơ hội".

Hồi tháng 4, một nhà phân tích đã hỏi liệu TSMC có đang gặt hái những lợi ích từ sự bùng nổ của AI và cách C.C. Wei suy nghĩ về giá cả.

"Chúng tôi vui mừng vì khách hàng của mình đang phát triển tốt. Nếu khách hàng làm tốt thì TSMC cũng phát triển tốt", C.C. Wei trả lời.

Jensen Huang dường như không bận tâm đến việc TSMC tăng giá sản xuất chip. Ông nói với các phóng viên ở Đài Loan rằng đóng góp của TSMC cho ngành là "thực sự tuyệt vời".

"Tôi nghĩ nâng giá là phù hợp với giá trị mà TSMC mang lại. Vì vậy, tôi rất vui khi thấy họ thành công", tỷ phú 63 tuổi người Mỹ gốc Đài Loan nói.

Các nhà phân tích từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley viết trong lưu ý tuần trước rằng ban quản lý Nvidia có thể đã nhận ra sự đáng tin cậy của TSMC.

"Chúng tôi tin rằng nếu Nvidia chấp nhận việc TSMC tăng giá, các khách hàng bán dẫn AI quan trọng khác của họ có thể đồng ý việc này", các nhà phân tích Morgan Stanley viết. Họ ước tính rằng Nvidia sẽ chiếm 10% doanh thu năm 2024 của TSMC.

Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay TSMC báo hiệu việc tăng giá.

Vào tháng 4, C.C. Wei cho biết Nvidia có kế hoạch tính phí cao hơn cho khách hàng nếu họ muốn sản xuất chip bên ngoài Đài Loan.

"Nếu khách hàng của tôi yêu cầu ở một khu vực nhất định nào đó, thì chắc chắn TSMC và khách hàng phải chia sẻ chi phí gia tăng. Trong môi trường toàn cầu hóa bị phân mảnh ngày nay, chi phí sẽ cao hơn cho tất cả mọi người, bao gồm TSMC, khách hàng của chúng tôi, các đối thủ cạnh tranh và toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn", C.C. Wei cho biết trong cuộc họp bàn về kết quả kinh doanh quý 1/2024 của TSMC.

Môi trường toàn cầu hóa bị phân mảnh là thuật ngữ mô tả tình trạng hệ thống kinh tế toàn cầu đang trở nên phân chia thành nhiều khu vực và khối thị trường riêng biệt, thay vì tiếp tục hội nhập và kết nối như trước đây.

Đài Loan đã tăng giá điện cho các người dùng công nghiệp lớn vào tháng 4, điều này sẽ gây sức ép lên lợi nhuận ròng của TSMC. C.C. Wei cho biết lạm phát và điện lực đang dẫn đến chi phí cao hơn.

"Chúng tôi mong đợi khách hàng của chúng tôi chia sẻ một phần chi phí cao hơn với TSMC và đã bắt đầu thảo luận với khách hàng của mình", ông nói, từ chối nêu chi tiết về chiến lược giá.

Chip được sử dụng trong mọi thứ, từ trung tâm dữ liệu đến smartphone. Đáp lại việc sản xuất chip phụ thuộc quá nhiều vào Đài Loan, TSMC đang đa dạng hóa sản xuất bằng việc xây dựng các nhà máy mới ở bang Arizona (Mỹ), Nhật Bản và Đức.

C.C. Wei cho biết TSMC đã thảo luận về việc di dời một số nhà máy chip ra khỏi Đài Loan nhưng không thể di chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất khỏi đảo này.

Bài liên quan
Đơn vị sản xuất chip của Intel lỗ 7 tỉ USD do mắc sai lầm lớn, khó theo kịp TSMC
Intel hôm 2.4 tiết lộ khoản lỗ ngày càng tăng với hoạt động kinh doanh sản xuất chip của mình, một đòn giáng mạnh vào công ty Mỹ khi đang cố gắng giành lại vị trí dẫn đầu đã mất những năm gần đây vào tay TSMC (Đài Loan).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị
7 giờ trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới sắp đạt mốc 1.000 tỉ USD khi nhà đầu tư lạc quan về AI