Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hàng trăm cơ sở y tế tại Afghanistan có nguy cơ phải đóng cửa vì các nhà tài trợ phương Tây bị cấm giao dịch với chính phủ Taliban.
Giám đốc khẩn cấp khu vực của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, Rick Brennan nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng khoảng 90% trong số 2.300 cơ sở y tế trên khắp Afghanistan có thể phải đóng cửa ngay trong tuần này.
Ông cho biết có thể các nhà tài trợ phương Tây đã gặp phải những quy định ngăn cản họ giao dịch với Taliban.“Chúng tôi sẽ phải tạm dừng hoạt động ở một phần lớn các cơ sở y tế. Theo ước tính có thể lên đến 90% các cơ sở y tế sẽ ngừng hoạt động vào cuối tuần này và điều đó sẽ liên quan đến sự gia tăng của bệnh tật và tử vong”, Brennan nói.
Ông Brennan nói WHO đang cố gắng cung cấp vật tư, thiết bị và tài chính cho 500 trung tâm y tế. Cơ quan này cũng đang liên lạc với Qatar để vận chuyển y tế đến bằng đường máy bay. “Chúng tôi hy vọng sẽ có tới hai hoặc ba máy bay chở hàng tiếp tế từ chính phủ Qatar tới Kabul ngay trong tuần tới”, Brennan chia sẻ.
Các đợt giao hàng tiếp theo sẽ bao gồm các xét nghiệm COVID-19 và nguồn cung cấp để điều trị các bệnh mãn tính.
Cùng với các cơ quan cứu trợ khác, WHO đã phải vật lộn để mang đến nguồn cung cấp y tế bao gồm cả bộ dụng cụ sơ cứu chấn thương vì tình trạng hỗn loạn tại sân bay Kabul.
Ông Brennan nhấn mạnh nguồn cung cấp y tế tiếp tục được vận chuyển qua thành phố phía bắc Mazar-i-Sharif và WHO cũng đang tìm ra các con đường vận chuyển từ đường bộ thông qua xe tải từ Pakistan.
Kể từ khi lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul ngày 15.8, tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 và xét nghiệm tại Afghanistan đã giảm mạnh. Theo đại diện của WHO, kế hoạch tăng cường nguồn cung cấp oxy và phòng chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện cũng bị hoãn lại.
Người phát ngôn của UNICEF còn cảnh báo rằng 2 triệu liều vaccine COVID-19 tại Afghanistan dự kiến hết hạn sử dụng trong những tháng tới.
Trước khi Taliban giành quyền kiểm soát, chính phủ Afghanistan đã gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch COVID-19, phần lớn do sự nghi ngại của người dân với hệ thống y tế yếu ớt do tác động của chiến tranh.