Tính đến hết tháng 4, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Hàng Việt bị 24 nước điều tra phòng vệ thương mại

Tuyết Nhung 18:28 07/05/2024

Tính đến hết tháng 4, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường.

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo về tình hình thương mại 4 tháng đầu năm 2024. Theo đó, tính đến hết tháng 4.2024, Việt Nam đã tiến hành điều tra tổng cộng 18 vụ việc chống bán phá giá (CBPG), 1 vụ việc chống trợ cấp (CTC), 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (CLT).

Bộ Công Thương tiếp nhận và xử lý 5 hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp CBPG của ngành sản xuất trong nước, trong đó đã ban hành quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp CBPG với 2 vụ việc. Bộ cũng đã tiến hành 12 vụ việc rà soát các biện pháp CBPG, CTC và CLT đang được áp dụng theo quy định để đảm bảo các biện pháp được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ và đúng điều kiện, trong đó có 4 vụ việc rà soát nhà xuất khẩu mới, 5 vụ việc rà soát hàng năm và 3 vụ việc rà soát cuối kỳ.

Biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng từ tháng 7.2016 của Bộ Công Thương và đã được gia hạn một lần kéo dài đến tháng 3.2023.

Sau quá trình rà soát, thu thập thông tin và đánh giá tác động toàn diện của vụ việc, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép dài nhập khẩu. Theo đó, sản phẩm thép dài nhập khẩu được gia hạn mức thuế tự vệ 6,3% từ ngày 22.3.2023 đến 21.3.2024; 6,2% từ ngày 22.3.2024 đến 21.3.2025 và 6,1% từ ngày 22.3.2025 đến 21.3.2026 và 0% từ ngày 22.3.2016 trở đi.

Tính đến hết tháng 4, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) từ 24 thị trường.

Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra-basa, máy xịt rửa áp lực cao... đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong... Ngoài ra, cơ quan điều tra nước ngoài cũng thường xuyên rà soát các vụ việc PVTM với quy trình và các yêu cầu điều tra có mức độ phức tạp tương tự các vụ việc điều tra mới.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các nước gia tăng điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây là do Việt Nam vẫn tiếp tục tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn nhiều so với dự báo. Sự gia tăng về lượng và quy mô này đã tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Do đó, các nước nhập khẩu nhận được nhiều yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất nội địa.

Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và xu hướng chung của thế giới.

Hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Việt Nam đã dần phát triển nhằm tự chủ một số nền công nghiệp nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Do đó, vô hình trung hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và biện pháp PVTM, trở thành một trong số ít các công cụ còn lại mà nước nhập khẩu có thể sử dụng với mục đích hạn chế nhập khẩu.

Việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực cũng khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với một số nước khác như Trung Quốc, Indonesia... là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra PVTM hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế PVTM đối với các nước này. Trong năm 2023, Việt Nam phải ứng phó với nhiều vụ việc chống lẩn tránh thuế đến từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt EU đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế với thép của Việt Nam sau một thời gian dài không tiến hành các vụ việc trực tiếp nhằm vào Việt Nam.

Một số nước có xu hướng lạm dụng biện pháp PVTM để bảo hộ ngành sản xuất trong nước quá mức cần thiết. Các nước này sử dụng nhiều biện pháp, kỹ thuật điều tra chưa phù hợp với WTO và thông lệ quốc tế; tạo ra nhiều gánh nặng cho chính phủ và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình tham gia hợp tác.

Không những vậy, nhận thức của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực PVTM còn hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực có hạn; vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong các vụ điều tra PVTM còn mờ nhạt, chưa phát huy được sức mạnh tập thể của doanh nghiệp.

Bài liên quan
Đồng euro mất giá, hàng Việt Nam khó vào châu Âu
Việc đồng euro mất giá sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế, bao gồm cả ngành đánh bắt và chế biến cá ngừ của các nước châu Âu (EU).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư: Mục tiêu cao nhất của dân vận giai đoạn cách mạng mới là vì dân
5 giờ trước Sự kiện
Tổng Bí thư biểu dương những kết quả nổi bật mà Ban Dân vận Trung ương đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời nêu rõ, căn cơ nhất của công tác dân vận tạo ra thế trận lòng dân vững chắc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng Việt bị 24 nước điều tra phòng vệ thương mại