Theo báo cáo của TechInsights, HarmonyOS dự kiến sẽ vượt qua iOS để trở thành hệ điều hành smartphone lớn thứ hai ở Trung Quốc trong năm nay sau sự trở lại của Huawei với dòng Mate 60.
Theo một báo cáo được công bố hôm 3.1, công ty nghiên cứu TechInsights (Canada) cho biết, trong khi Android của Google và iOS của Apple sẽ tiếp tục thống trị lĩnh vực hệ điều hành smartphone toàn cầu, HarmonyOS do Huawei tự phát triển sẽ chiếm ưu thế ở Trung Quốc so với hai gã khổng lồ của Mỹ.
Việc áp dụng HarmonyOS ngày càng tăng được thúc đẩy bởi sự quay trở lại của Huawei với phân khúc smartphone 5G, bắt đầu bằng sự ra mắt bất ngờ Mate 60 Pro vào cuối tháng 8. Đây là chiếc smartphone được trang bị chip Kirin 9000s 5G tiên tiến của Huawei do SMIC sản xuất bất chấp các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ nhằm chặn quyền truy cập đến công nghệ như vậy. SMIC là hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc.
Theo báo cáo, TechInsights cũng cho rằng Huawei sẽ phục hồi vững chắc vào năm 2024.
Tất cả smartphone của Huawei đều được cài sẵn HarmonyOS, giải pháp thay thế Android, do công ty Trung Quốc tự phát triển và ra mắt vào tháng 8.2019. Động thái này diễn ra ba tháng sau khi Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể (danh sách đen thương mại). Theo đó, Huawei bị cấm mua phần mềm, chip và các công nghệ khác có nguồn gốc từ Mỹ từ các nhà cung cấp mà không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.
Khi ra mắt, Mate 60 Pro đã truyền cảm hứng cho một làn sóng yêu nước nhiệt thành của người tiêu dùng Trung Quốc và công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung khi phải nỗ lực tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu.
TechInsights cho rằng thách thức về nguồn cung của Huawei, do tình trạng thiếu chipset Kirin 9000s, sẽ giảm bớt trong vài tháng tới. Danh mục sản phẩm của Huawei đã được mở rộng hơn nữa vào tuần trước khi hãng này tung ra các mẫu smartphone mới thuộc dòng Nova tầm trung.
HarmonyOS cũng được dự đoán sẽ đạt được cột mốc quan trọng vào năm 2024 với việc Huawei ra mắt phiên bản HarmonyOS Next, sẽ không hỗ trợ các ứng dụng dựa trên Android.
Huawei dự kiến sẽ ra mắt phiên bản xem trước của HarmonyOS Next dành cho nhà phát triển vào quý 1/2024 và đang hợp tác với các công ty lớn Trung Quốc để phát triển các ứng dụng gốc dựa trên hệ thống.
Tháng trước, gã khổng lồ công nghệ tài chính Ant Group, chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba, cho biết đang xây dựng phiên bản mới của ứng dụng thanh toán di động Alipay dựa trên HarmonyOS, sau khi Alibaba bắt đầu phát triển phiên bản mới DingTalk. ứng dụng cộng tác tại nơi làm việc dành cho nền tảng này.
Các công ty internet lớn khác của Trung Quốc, gồm cả gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com, hãng game đình đám NetEase và công ty dẫn đầu thị trường giao đồ ăn Meituan, vào tháng 11 đã bắt đầu tuyển dụng các nhà phát triển để xây dựng ứng dụng gốc cho HarmonyOS.
McDonald’s Trung Quốc, với mạng lưới hơn 5.500 nhà hàng và hơn 200.000 nhân viên phục vụ hơn 1 tỉ khách hàng mỗi năm, đã trở thành một trong những công ty thực phẩm đa quốc gia đầu tiên ở Trung Quốc áp dụng HarmonyOS Next.
TechInsights cho biết vẫn còn phải xem liệu những nỗ lực này có tạo ra hiệu ứng lan tỏa với các nhà sản xuất smartphone khác và biến HarmonyOS trở thành hệ điều hành mặc định không chỉ cho điện thoại mà còn cho cả máy tính xách tay và ô tô ở Trung Quốc hay không.
Richard Yu Chengdong, Giám đốc điều hành nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei, phát biểu tại hội nghị nhà phát triển thường niên của công ty vào tháng 8.2023 rằng hơn 700 triệu thiết bị đang chạy trên HarmonyOS, với hơn 2,2 triệu nhà phát triển bên thứ ba tạo ứng dụng cho nền tảng này.
Apple thống trị thị trường smartphone cao cấp toàn cầu năm 2023, Huawei giành được chỗ đứng
Apple tiếp tục dẫn đầu phân khúc cao cấp của ngành smartphone vào năm 2023 nhưng thị phần trên toàn thế giới sụt giảm chủ yếu do Huawei tái xuất mạnh mẽ của với dòng Mate 60.
Theo báo cáo ngành mới nhất do hãng nghiên cứu Counterpoint Research công bố, trong thị trường smartphone cao cấp toàn cầu, nơi các thiết bị có giá từ 600 USD, Apple vẫn là “hãng dẫn đầu không thể tranh cãi” vào năm 2023 với thị phần vượt trội 71%.
Tuy nhiên, thị phần của Apple đã giảm từ 75% vào năm 2022 trong bối cảnh Huawei hồi sinh khi phát hành smartphone 5G mới đầu tiên kể từ tháng 10.2020, cũng như những thành tựu mà Samsung Electronics có được từ dòng Galaxy S23 của và những chiếc điện thoại màn hình gập mới nhất của hãng.
Samsung Electronics vẫn giữ vị trí số 2 toàn cầu trong phân khúc cao cấp với thị phần 17%, so với 16% vào năm 2022. Đứng thứ 3, Huawei đã chiếm được nhiều thị phần mới hơn so với cùng kỳ năm ngoái với 5%, tăng từ 3% vào năm 2022, theo báo cáo của Counterpoint Research.
Năm 2023, Xiaomi và Oppo chiếm vị trí thứ 4 và thứ 5 trong phân khúc smartphone cao cấp với thị phần lần lượt là 2% và 1%.
Dữ liệu thị trường mới nhất cho thấy khả năng phục hồi ở phân khúc cao cấp, bất chấp sự sụt giảm dự kiến của thị trường smartphone toàn cầu nói chung vào năm 2023. Doanh số smartphone toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ đạt mức thấp nhất trong gần một thập kỷ với mức giảm 5%, theo một báo cáo trước đó. Trong khi đó, phân khúc cao cấp dự kiến sẽ chiếm gần 1/4 doanh số thị trường smartphone toàn cầu và 60% doanh thu của ngành vào năm 2023.
Dữ liệu của Counterpoint Research cho thấy phân khúc siêu cao cấp, nơi smartphone có giá cao hơn 1.000 USD, chiếm 1/3 tổng doanh số bán điện thoại cao cấp năm 2023.
Trong vài năm qua, phân khúc cao cấp đã nổi lên như một lĩnh vực tăng trưởng trong thị trường smartphone toàn cầu. Counterpoint Research dự kiến thị phần doanh số phân khúc smartphone cao cấp sẽ tăng gấp ba lần lên 24% vào năm 2023, so với 6% hồi 2016.
Nhà phân tích cấp cao Varun Mishra của Counterpoint Research cho biết trong báo cáo phân khúc cao cấp: “Đã có sự thay đổi trong mô hình mua hàng của người tiêu dùng trên thị trường smartphone. Xét đến tầm quan trọng của smartphone, người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để có được một thiết bị chất lượng cao mà họ có thể sử dụng trong thời gian dài hơn”.
Theo Counterpoint Research, phần lớn sự tăng trưởng của phân khúc smartphone cao cấp toàn cầu trong năm 2023 là do Trung Quốc, Tây Âu, Ấn Độ và các khu vực Trung Đông và châu Phi thúc đẩy.
Báo cáo của Counterpoint Research cho biết Ấn Độ hiện là thị trường smartphone cao cấp tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Apple đã mở hai cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 4.2023, nhấn mạnh sự tập trung ngày càng tăng của gã khổng lồ công nghệ Mỹ vào quốc gia Nam Á này như một thị trường bán hàng trọng điểm và trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc.
Varun Mishra cho biết: “Việc sở hữu những chiếc smartphone cao cấp mới nhất và tốt nhất cũng đã trở thành một biểu tượng đẳng cấp với nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, nơi họ đang chuyển thẳng từ phân khúc giá trung bình sang phân khúc cao cấp. Hơn nữa, những thiết bị này ngày càng có giá cả phải chăng hơn do các mùa khuyến mãi và các lựa chọn tài chính”.