Lâu nay, chúng ta biết và nói nhiều tới chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ), chứ ít khi nghe và nói tới chỉ số vượt khó (AQ). Vậy mà, đây là một chỉ số rất quan trọng nhằm đánh giá mức độ thành công của một con người trong cuộc sống.
Người Do Thái, được coi là “dân tộc thông minh nhất thế giới”, thì đối với họ, chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) và AQ (chỉ số vượt khó) chiếm đến 80% sự đánh giá về mức độ thành công của một đứa trẻ. Chính vì thế, ngay từ nhỏ, ba mẹ Do Thái thường dạy cho con mình làm việc nhà, tự ăn uống, chứ không phải làm thay chúng hay chạy theo để đút từng muỗng cơm.
Dĩ nhiên với một đứa trẻ, biết tự ăn hay tự chơi, là bắt đầu biết sống độc lập. Đó cũng được coi là một thành công. Còn với người đã trưởng thành, thì “chỉ số vượt khó” đặt ra và nói lên điều gì với họ ? Theo Paul Sloltz (người tìm ra chỉ số này), chỉ số AQ có thể đo mức độ hoài bão, nỗ lực, sự sáng tạo, năng lượng, sức khoẻ lý tính, xúc cảm và hạnh phúc của một người. Với những người trẻ bắt đầu khởi nghiệp thì, có thể nói, chỉ số AQ là vô cùng quan trọng đối với họ. Phải dám đối diện với khó khăn, thách thức, thì mới mong tìm được giải pháp để khắc phục, để vượt lên. Còn biết xoay chuyển cục diện, biến khó khăn thành thuận lợi thì khó hơn, nhưng nếu làm được điều này, những người khởi nghiệp sẽ tự tin vào bản thân mình, và biết chắt chiu những cơ hội, dù rất nhỏ, để “xoay chuyển cục diện”.
Còn “vượt lên nghịch cảnh” thì nói thật, không ai muốn có nghịch cảnh để vượt qua cả, nhưng ở đời, nào ai nói trước được điều gì. Sự sẵn sàng để vượt qua những rào cản luôn là điều mà người trẻ cần tự trang bị cho mình. Bản lĩnh cũng là ở đây, mà thành công cũng có thể đến từ đó. Còn “tìm được lối ra” là khi ta phải ở vào hoàn cảnh khó khăn nhất, thử thách nhất, nhưng ta giữ được sự bình tĩnh cao nhất, và tìm được lối thoát tốt nhất cho mình. Trong công việc cũng như trong cuộc sống đều có những lúc ta phải tự mình tìm lối ra như vậy. Những điều mà chỉ số AQ nói với ta, dĩ nhiên là hoàn toàn lý thuyết. Nhưng làm sao biến lý thuyết ấy thành thực tế, đó mới là vấn đề.
Tôi cũng đã để ý theo dõi một số bạn trẻ, và tôi nhận thấy, những người thành công trong số đó đều là những người chăm chỉ, sống có nghị lực, có ước mơ, và họ quyết biến những mơ ước của mình thành hiện thực. Một số người trong đó do hoàn cảnh đã không được học nhiều. Nhưng họ đã biết học ngay trong công việc, học ngay trong cuộc sống, và đó đều là những bài học đáng giá, thậm chí, những bài học sáng giá. Sự kiên nhẫn để tự trang bị kỹ năng và làm tốt công việc cũng là nguyên nhân đưa tới thành công cho những người trẻ khởi nghiệp. Tôi có quen một thợ điện lạnh còn trẻ, thỉnh thoảng anh tới bảo trì máy điều hòa nhà tôi. Chỉ là một công nhân tự do, phải tự lo tất cả cho mình, nhưng anh đã làm việc với sự tỉ mỉ và chu đáo đáng khâm phục. Những người kêu anh “làm giúp” thảy đều hài lòng về anh, nhiều người còn “bo” thêm cho anh, ngoài tiền công anh được nhận. Không được học nhiều, có xuất phát thấp, nhưng nhờ sự cố gắng không mệt mỏi của bản thân, người thợ điện lạnh ấy đã vươn lên tự khẳng định mình trong cuộc sống. Anh chính là một ví dụ sinh động về “chỉ số vượt khó”, một chỉ số mà ta có thể gọi là “chỉ số thoát nghèo”.
Dĩ nhiên, với những người đạt tới sự thành công lớn, chỉ số này vẫn hết sức cần thiết. Nếu với sự thông minh bẩm sinh, mà người ta còn biết vượt khó, thì thành công là điều dễ hiểu. Còn với những người bình thường, “chỉ số vượt khó” khuyến khích họ vươn lên trong cuộc sống vốn đầy những khó khăn thách thức với họ, để đạt tới những thành quả bình dị mà có khi họ “chưa bao giờ nằm mơ thấy”. Với người Việt Nam mình, tôi nghĩ, cần đưa “chỉ số vượt khó” này lên hàng đầu, trên cả “chỉ số thông minh”. Vì không phải ai cũng thông minh, nhưng ai cũng có thể vượt khó.
Thanh Thảo
Ảnh: Một người thợ điện lạnh