Hiện rất cần đặt ra vấn đề nguy cơ của việc sử dụng thủy điện và chuyển nước sông Mê Kông tới đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng thời, việc chia sẻ thông tin và lợi ích giữa các nước liên quan đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết.

Hiểm họa cho ĐBSCL từ dự án thủy điện, chuyển nước sông Mê Kông

20/07/2016, 15:33

Hiện rất cần đặt ra vấn đề nguy cơ của việc sử dụng thủy điện và chuyển nước sông Mê Kông tới đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng thời, việc chia sẻ thông tin và lợi ích giữa các nước liên quan đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết.

Sông Mê Kông (Nguồn: Internet)

Đầu năm 2016, Thái Lan khởi động việc bơm nước tại các tỉnh Nong Khai và Loei. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các trạm bơm nhỏ trong những kế hoạch chuyển nước quy mô lớn của nhiều dự án sẽ được triển khai thời gian tới. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Thái Lan đang khởi động lại việc xem xét các dự án quy mô lớn về chuyển nước sông Mê Kông sang lưu vực khác.

Nằm ở cuối nguồn lưu vực sông Mê Kông, ĐBSCL của Việt Nam trong mùa khô 2015- 2016 đã phải đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng. Ngoài tác động của El Nino cực đoan thì những tác động của các dự án phát triển như thủy điện, chuyển nước, lấy nước… ở vùng thượng lưu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới toàn bộ khu vực ĐBSCL.

Trước vấn đề cấp thiết này, ngày 20.7, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã tổ chức buổi tọa đàm “Rủi ro tiềm ẩn từ các dự án chuyển nước sông Mê Kông tới ĐBSCL” diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành. Đây cũng là dịp tổng kết lại chuyến đi khảo sát thực tế tại Campuchia và một số tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan của nhóm chuyên gia.

Ông Nguyễn Nhân Quảng – Chuyên gia quản lý lưu vực sông phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Nhân Quảng – Chuyên gia quản lý lưu vực sông cho biết Thái Lan đang là nước có nhiều công trình tưới tiêu nhất (hơn 6.000 công trình) và Thái Lan còn định có hơn 900 dự án nữa ở vùng Đông Bắc phục vụ chủ yếu trong việc chuyển, bơm nước từ sông Mê Kông.

Ông Quảng nhận xét, việc các nước ở khu vực thượng lưu sông Mê Kông xây dựng các dự án lấy, chuyển nước là rất đáng quan ngại cho ĐBSCL. Nếu các dự án này chỉ lấy nước mùa mưa thì cùng với điều tiết của các đập thủy điện (cả dòng chính và dòng nhánh) sẽ còn đâu “lũ đẹp” cho đồng bằng.

Cũng theo nhiều chuyên gia trong buổi tọa đàm, việc lấy nước chỉ trong mùa mưa hay cả trong mùa khô, trong thời kỳ chuyển tiếp phải là vấn đề cần được làm rõ bởi nó liên quan tới tính pháp lý trong tuân thủ Hiệp định Mê Kông, trong quy định đối với dòng chính và dòng nhánh…

Ông Nguyễn Hồng Toàn – Chuyên gia Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam phân tích: “Vấn đề chuyển nước tại lưu vực sông Mê Kông không còn là vấn đề mới mẻ nhưng đó là vấn đề thực sự nguy hiểm và có sự rủi ro cao với Việt Nam. Việt Nam đang ở trong tình thế bất lợi khi 95% lượng nước từ sông Mê Kông đổ vào là từ bên ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm 50%. Vì thế, rất cần đặt ra bài toán tổng hợp giữa việc sử dụng thủy điện với việc chuyển nước hiện nay. Đồng thời, việc chia sẻ thông tin, chia sẻ lợi ích giữa các nước liên quan đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết”.

Ông Nguyễn Hồng Toàn – Chuyên gia Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam nói về những bất lợi cho Việt Nam khi nhiều nước triển khai dự án khai thác sông Mê Kông

Xung đột quyền lợi giữa các nước khi sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông là khó tránh khỏi. Các dự án phát triển thủy điện, chuyển nước, lấy nước ở vùng thượng lưu sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến vùng hạ lưu nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng.

Theo bà Đặng Thị Hà Giang – Chuyên gia Viện Nước, tưới tiêu và môi trường, kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật tài nguyên nước trên những lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia… cho thấy dòng chảy về mùa kiệt là nguyên nhân gây ra hạn hán, xâm nhập mặn ở hạ du, đồng thời gây ra rủi ro tiềm ẩn, thiệt hại môi trường.

Thực tiễn diễn biến tác động dòng chảy kiệt trong năm 2015 cho thấy hạn, mặn đã diễn biến ngày càng khốc liệt, làm thay đổi sinh kế của người dân ĐBSCL. Tuy nhiên, theo bà Giang, việc xây dựng các giải pháp ứng phó là rất khó khăn khi chưa có chính sách chung giữa các quốc gia. Như vậy sẽ không đánh giá được mức độ thiệt hại môi trường để những nước gây ra thiệt hại phải bằng lòng chi trả “phí môi trường” cho các nước bị ảnh hưởng với mục tiêu tái tạo môi trường, trong đó phải chú trọng đến sinh kế phát triển bền vững cho người dân vùng hạ lưu sông bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia đầu ngành tại buổi tọa đàm

Các chuyên gia đồng tình cho rằng cần đề xuất với các cơ quan chức năng, thông qua cơ chế hợp tác Mê Kông yêu cầu các nước tuân thủ Hiệp định Mê Kông và các thỏa thuận liên quan. Đồng thời, bản thân Việt Nam cũng cần nghiên cứu thêm giống cây trồng, bố trí thời vụ, thiết lập cơ chế hợp tác mới vừa thúc đẩy hợp tác các bên cùng cơ lợi, vừa cùng chịu trách nhiệm trong sử dụng nước.

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiểm họa cho ĐBSCL từ dự án thủy điện, chuyển nước sông Mê Kông