Nhiều người like và chia sẻ lại ảnh giả cô gái 17 tuổi người Anh tố hai nghệ sĩ Việt tấn công tình dục ở đảo Majorca, Tây Ban Nha.
Cô gái 17 tuổi người Anh tố hai nghệ sĩ Việt tấn công tình dục ở đảo Majorca, Tây Ban Nha là sự kiện gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua.
Không ngạc nhiên khi rất nhiều người muốn biết mặt cô gái khiến diễn viên 37 tuổi và nhạc sĩ 42 tuổi có khả năng rơi vào vòng lao lý.
Vì lẽ đó mà một số kẻ đã tung ảnh giả cô gái 17 tuổi người Anh để câu view, like và follow. Điều đáng nói: Nhiều người tưởng đó là ảnh thật và không kiểm chứng thông tin nên vô tình phát tán ảnh giả khắp mạng xã hội.
Đầu tiên là ảnh nữ du khách mặc quần short tham quan Dinh Độc Lập (TP.HCM) bị gán ghép là cô gái 17 tuổi người Anh.
Hiếu PC đã lên tiếng về ảnh giả này: “Lùm xùm với 2 nghệ sĩ Việt bị bắt ở Tây Ban Nha. Mấy người hùa theo và làm giả hình ảnh của cô bé 17 tuổi để câu view, làm nhiều người tưởng thật. Theo kiểm chứng thì đây không phải là hình ảnh thật, mà đây là ảnh cô bé Tây nào đó được chụp hình ở Dinh Độc Lập hay Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) vì cái tủ xuất hiện trong ảnh được cho là nằm ở nơi này. Bởi vậy khi xem tin trên mạng xã hội, mọi người tuyệt đối cần phải luôn kiểm chứng và không nên vội tin, hãy luôn xem thông tin từ các kênh chính thống”.
Thứ hai là thiếu nữ tóc vàng có khuôn mặt khả ái chụp gần micro cũng bị gán ghép là cô gái 17 tuổi người Anh.
Theo tìm hiểu của PV Một Thế Giới, đây là hot girl Alina Kalenich (sinh năm 1998, đang sống tại thành phố Krasnodar, Nga).
Alina Kalenich rất yêu âm nhạc, thích hát và sáng tác các ca khúc. Ngoài ra, Alina Kalenich còn đam mê nhiếp ảnh, thích uống trà và ngắm mặt trời mọc hoặc lặn mỗi ngày.
Không chỉ đẹp và ăn mặc chất, Alina Kalenich còn sở hữu giọng hát cực bắt tai.
Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận thông tin hai công dân Việt Nam bị cáo buộc "xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên 17 tuổi" và "xâm phạm quyền riêng tư" tại Tây Ban Nha. Hai người này đang được tại ngoại.
Theo Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã triển khai bước đầu các biện pháp bảo hộ công dân, làm việc với cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin.
Đại sứ quán Việt Nam đề nghị phía Tây Ban Nha đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam cũng như kịp thời cung cấp thông tin về diễn biến tình hình xử lý cho Đại sứ quán.
Không có chuyện Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng đã về Việt Nam
Trên mạng xã hội xuất hiện thông tin nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng vừa đáp chuyến bay trở về nước và sẽ tổ chức họp báo.
Thông tin này xuất phát từ kênh TikTok có tên và hình ảnh Hồ Hoài Anh.
Kênh Tiktok này đăng tải gần chục clip ghi lại hình ảnh Hồ Hoài Anh rạng rỡ bên vợ con và nhạc sĩ thảnh thơi ngồi đàn hát...
Song, nhiều người nhanh chóng nhận đây là kênh TikTok giả mạo Hồ Hoài Anh. Kênh này mới được lập ra cách đây một ngày, đăng tải các clip cũ.Nhà hát Kịch Hà Nội, nơi Hồng Đăng đang công tác cho biết, nam diễn viên đi nước ngoài mà chưa được cơ quan chủ quản chấp thuận bằng văn bản chính thức. Hiện Nhà hát cũng chưa liên hệ được với Hồng Đăng.
Lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia, nơi Hồ Hoài Anh đang tham gia giảng dạy, nói nhạc sĩ đi nước ngoài không xin phép. Học viện Âm nhạc Quốc gia đã có quyết định tạm đình chỉ công tác với anh.
Cả nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng đã khóa trang Facebook cá nhân.
Theo Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam - Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), khi tiếp nhận thông tin, người dùng mạng xã hội cần kiểm chứng nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào. Nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng thì bạn cần cảnh giác.
Hiện các chuyên gia trong lĩnh vực này đã đưa ra một số cách thức giúp người đọc có thể phát hiện tin giả thông qua 6 bước:
Bước 1: Kiểm tra xem bài viết đến từ nguồn nào?
Bước 2: Đọc kỹ trang giới thiệu để biết rõ ai đang vận hành website đó và người ta có nói rằng đây là trang châm biếm hay cố tình đăng tin giả không?
Bước 3: Kiểm tra câu trích dẫn. Nếu bài viết trích dẫn lời một người nổi tiếng hoặc đến từ đại diện cơ quan chức năng như sĩ quan công an, hãy thử dán câu đó vào công cụ tìm kiếm.
Bước 4: Kiểm tra link bằng cách nhấp vào các link trong bài viết và kiểm tra xem link có hoạt động không hoặc có từ nguồn tin cậy không?
Bước 5: Tìm kiếm ảnh ngược với những hình ảnh và các sản phẩm khác trong bài viết.
Bước 6: Chậm lại. Nếu như câu chuyện quá hoàn hảo, quá hay tới mức khó tin hoặc khiến bạn có phản ứng xúc cảm mạnh mẽ thì hãy tỉnh trí lại một chút.
Khi phát hiện tin giả, bạn có thể thông báo về Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam qua website http://tingia.gov.vn hoặc email: online.abei@mic.gov.vn. Người dân cũng có thể gọi trực tiếp vào số điện thoại 18008108 để báo tin giả.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội (điều 101) như cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân...
Mức phạt tối đa là 20 triệu đồng với tổ chức. Với cá nhân thì mức phạt là 10 triệu đồng.
Những người tung tin đồn, tin giả với động cơ xấu, gây hậu quả có thể bị xem xét xử lý hình sự theo các tội danh tại Bộ luật hình sự 2015.