Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ gọi hiệu quả vắc xin COVID-19 của Pfizer được báo cáo là phi thường.
Theo CNN, tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Mỹ, cho biết thông tin về vắc xin coronavirus của hãng Pfizer bảo vệ mạnh mẽ con người chống lại sự lây nhiễm là một tín hiệu tốt trong nỗ lực phát triển các loại vắc xin nhằm chống lại đại dịch toàn cầu.
Ông Fauci nói rằng hiệu quả 90% được báo cáo của vắc xin Pfizer là "thật phi thường" và lưu ý rằng điều này sẽ "có tác động lớn đến mọi thứ chúng tôi làm liên quan đến COVID-19".
"Đó là một ngày thực sự tốt cho nghiên cứu y sinh và ứng dụng lâm sàng của nghiên cứu y sinh. Đây là một tin rất tốt cho tương lai", tiến sĩ Fauci nói.
Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Mỹ cho biết kết quả này có thể chỉ ra rằng một loại vắc xin khác được phát triển bởi công ty Moderna cũng có thể có kết quả tích cực vì nó cũng dựa trên nền tảng mRNA.
"Điều này cho thấy rằng nền tảng mRNA thực sự hoạt động. Và có một ứng cử viên vắc xin khác, Moderna, đang sử dụng cùng một nền tảng", ông nói và hy vọng Pfizer sẽ nộp đơn lên Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để được cấp phép sử dụng khẩn cấp trong vòng khoảng một tuần rưỡi nữa.
Tuyên bố của chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ được đưa ra sau khi hãng dược Pfizer khổng lồ của Mỹ hôm 9.11 cho biết vắc xin thử nghiệm của hãng có hiệu quả hơn 90% dựa trên phân tích dữ liệu ban đầu.
Vắc xin mà Pfizer hợp tác với công ty BioNTech của Đức bào chế đang được thử nghiệm giai đoạn cuối ở Mỹ và một số nước khác. Thử nghiệm được tiến hành với khoảng 44.000 tình nguyện viên, và đã xác nhận có 94 ca nhiễm COVID-19.
“Kết quả phân tích so sánh giữa người được tiêm vắc xin và người dùng giả dược cho thấy hiệu quả của vắc xin đạt hơn 90%. Không thấy có lo ngại nào nghiêm trọng về an toàn”, thông báo của Pfizer cho hay.
Pfizer lưu ý rằng tỉ lệ hiệu quả có thể thay đổi vì thử nghiệm vẫn đang tiếp tục. Pfizer dự kiến cung cấp tới 50 triệu liều vắc xin trong năm 2020 và tới 1,3 tỉ liều vào năm 2021. Hãng dự kiến nộp đơn lên FDA xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tuần thứ 3 của tháng 11.
Được biết, Mỹ vẫn đang là nước bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nặng nề nhất với hơn 10 triệu ca mắc và hơn 239.000 người đã chết. Giới chuyên gia y tế lo ngại sẽ xảy ra các đợt bùng dịch lớn tới đây khi người Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ cuối năm với những chuyến du lịch hoặc đoàn tụ cùng bạn bè, người thân.
Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu cũng đang trải qua làn sóng thứ hai của đại dịch. Theo dữ lệ thống kê của Worldometers, Pháp, Tây Ban Nha và Anh đều ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm. Cả ba nước này đều đã phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh.