Hóa thạch đầu tiên của khủng long mỏ vịt đã được phát hiện ở châu Phi, cho thấy loài này đã vượt qua hàng trăm km đường biển để đến đó.

Hóa thạch đầu tiên của khủng long mỏ vịt được phát hiện ở châu Phi

Long Hải | 09/11/2020, 11:00

Hóa thạch đầu tiên của khủng long mỏ vịt đã được phát hiện ở châu Phi, cho thấy loài này đã vượt qua hàng trăm km đường biển để đến đó.

khung-long1.jpg
Hình ảnh mô phỏng khủng long mỏ vịt Ajnabia odysseus - Ảnh: Raul Martin

Các nhà khoa học đã phát hiện mảnh xương còn sót lại của loài khủng long mới - Ajnabia odysseus - trong một khu mỏ ở Maroc, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Creta Research. Hóa thạch khủng long này có niên đại vào cuối kỷ Phấn trắng cách đây 66 triệu năm.

Nghiên cứu những chiếc răng và xương hàm đặc biệt của Ajnabia cho thấy nó thuộc phân họ của khủng long mỏ vịt, loài ăn thực vật đa dạng dài tới 15 mét với xương đầu phức tạp. Tuy nhiên, con khủng long mới phát hiện rất nhỏ so với họ hàng của nó - chỉ dài 3 mét - lớn bằng một con ngựa.

khung-long2.png
Hình ảnh so sánh kích thước của Ajnabia với các loài khủng long trong giai đoạn Maastrichtian của kỷ Phấn trắng - Ảnh: Nick Longrich

Khủng long mỏ vịt có nguồn gốc ở Bắc Mỹ, sau đó mở rộng môi trường sống sang Nam Mỹ, châu Á và châu Âu thông qua những cây cầu cạn nối liền các châu lục. Tuy nhiên, châu Phi là một lục địa đảo trong kỷ Phấn trắng muộn, bị cô lập bởi các đại dương sâu nên loài khủng long này dường như không thể đến được đó.

Tiến sĩ Nicholas Longrich thuộc Trung tâm Tiến hóa Milner tại Đại học Bath, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: “Việc phát hiện ra hóa thạch mới trong một khu mỏ cách Casablanca vài giờ là điều cuối cùng trên thế giới mà chúng tôi mong đợi. Nó cũng giống như việc tìm thấy một con chuột túi ở Scotland. Châu Phi hoàn toàn bị cô lập bởi nước, vậy làm thế nào chúng đến được đó?”.

Theo các nhà khoa học, có thể Ajnabia odysseus đã vượt hàng trăm km đường biển bằng cách bơi lội hoặc bám trên các bè nổi trôi dạt từ thảm thực vật. Phân tích cho thấy khủng long mỏ vịt có lẽ là những “vận động viên” bơi lội cừ khôi với chiếc đuôi lớn và đôi chân khỏe. Hóa thạch của chúng cũng chủ yếu được tìm thấy trong các trầm tích sông và đá biển.

“Sherlock Holmes đã nói, một khi bạn loại bỏ những điều không thể, thì bất cứ điều gì còn lại dù khó tin thế nào, cũng phải là sự thật. Khủng long mỏ vịt không thể đi bộ đến châu Phi. Chúng đã tiến hóa rất lâu sau sự kiện trôi dạt lục địa và chúng ta không có bằng chứng về những cây cầu trên đất liền. Lịch sử địa chất cho chúng ta biết châu Phi bị cô lập bởi các đại dương. Nếu vậy, cách duy nhất để đến đó là bằng đường biển”, tiến sĩ Longrich nhận định.

khung-long3.png
Bản đồ hiển thị vị trí của khủng long mỏ vịt trong kỷ Phấn trắng muộn - Ảnh: Nick Longrich

Việc động vật băng qua đại dương là rất hiếm gặp và khó xảy ra, nhưng đã được quan sát thấy trong thời gian qua. Ví dụ như việc cự đà xanh di chuyển giữa các hòn đảo Caribe trong một trận cuồng phong, hay một con rùa từ Seychelles đã trôi hàng trăm km qua Ấn Độ Dương để dạt vào châu Phi.

Longrich nói: “Giả thuyết động vật băng qua đại dương bằng bè nổi có thể giải thích cách vượn cáo và hà mã đến Madagascar, hay cách khỉ và một số loài gặm nhấm vượt biển từ châu Phi đến Nam Mỹ”.

Thực tế là khủng long mỏ vịt và các loài khủng long khác đã mở rộng môi trường sống giữa các lục địa, cho thấy khủng long cũng đã vượt qua các đại dương.

Tiến sĩ Nour-Eddine Jalil, đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên thuộc Đại học Sorbonne (Pháp), cho biết: “Sự xuất hiện liên tiếp của các sự kiện không thể xảy ra (khủng long vượt qua đại dương, hóa thạch động vật trên cạn trong môi trường biển) làm nổi bật tầm quan trọng trong phát hiện của chúng tôi. Ajnabia cho chúng ta thấy rằng những con khủng long bạo chúa đã đặt chân đến vùng đất châu Phi, chứng minh đại dương không phải là trở ngại không thể vượt qua”.

Bài liên quan
Cấu trúc đốt sống đặc biệt giúp khủng long nâng đỡ trọng lượng cơ thể
Trong công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Ameghinian, nhà cổ sinh học chuyên nghiên cứu về các loài động vật có xương sống John Fronimos ở Đại học Michigan (Mỹ) đã giới thiệu về việc ông phát hiện ra đặc điểm cấu trúc độc đáo của các đốt sống ở các con khủng long lớn Sauropod (một nhánh của khủng long hông thằn lằn).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hóa thạch đầu tiên của khủng long mỏ vịt được phát hiện ở châu Phi