Một con rắn nước keelback có thể đã chết nếu các bác sĩ thú y không kịp kéo cóc mía có độc ra khỏi bụng của nó.

Rắn nước suýt mất mạng vì nuốt cóc độc to quá khổ

Long Hải | 07/11/2020, 11:00

Một con rắn nước keelback có thể đã chết nếu các bác sĩ thú y không kịp kéo cóc mía có độc ra khỏi bụng của nó.

giai-cuu.jpg
Con rắn bị tổn thương bên trong vì con mồi to quá khổ

Stuart McKenzie, chuyên gia từ Sunshine Coast Snake Catchers 24/7 - một dịch vụ bắt rắn ở miền đông Australia, cho biết anh tìm thấy con rắn khi nó sắp chết. Con vật bị kẹt trong túi lưới ở một khu dân cư. Khi McKenzie gỡ con rắn ra, anh nhận thấy có điều không ổn với nó.

“Có vẻ như con rắn đang bị tổn thương bên trong và không thể ăn bất cứ thứ gì”, McKenzie viết.

Con rắn nước keelback được đưa đến Dịch vụ Cứu hộ động vật ở Tanawha, Queensland, để nhờ kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ thú y nhận thấy có “một vật thể rất cứng” trong bụng con rắn. Họ cho biết con vật trông “đờ đẫn và hôn mê” trong một bài viết trên Facebook.

“Kết quả ảnh chụp X-quang cho thấy con rắn nước đã ăn mồi và trở nên khó chịu vì không thể nuốt trôi. Chúng tôi đã nhẹ nhàng thực hiện các động tác sờ nắn để đưa vật thể ra khỏi dạ dày rắn và nhận ra đó là một con cóc mía khá lớn”.

Đoạn video quay cảnh giải cứu rắn nước keelback đã được Stuart McKenzie và các bác sĩ thú ý đăng tải lên Facebook sau đó. Theo cảnh quay trong video, con rắn được cứu ngẩng đầu lên ngay sau khi thoát khỏi cóc mía. McKenzie đã theo dõi nó một đêm và thả nó về tự nhiên vào hôm sau.

Video các bác sĩ thú y giải cứu cho rắn nước keelback

Rắn nước keelback là loài rắn bán thủy sinh không có nọc độc duy nhất của Australia. Chúng là động vật nhỏ, phát triển tới chiều dài tối đa khoảng 1 mét, nhưng phần lớn chỉ đạt một nửa kích thước này. Chúng có xu hướng sống gần các nguồn nước ngọt như lạch và đầm lầy, chuyên ăn các động vật có xương sống như ếch và thằn lằn. Không giống như hầu hết các loài rắn khác, rắn nước keelback ăn con mồi từ phía sau.

Trong khi đó, cóc mía là một loài xâm hại ở Australia. Chúng trở thành vật gây hại sau khi du nhập vào nước này để kiểm soát bọ cánh cứng trên những cánh đồng mía ở bang Queensland vào những năm 1930. Ngoài cạnh tranh với động vật bản xứ, chúng có nọc độc, có thể giết động vật săn mồi muốn ăn thịt chúng. Rắn nước keelback là một trong số ít động vật có thể chịu được nọc độc của cóc mía. Điều này làm cho chúng trở nên quan trọng đối với việc kiểm soát các loài xâm hại.

Chính quyền Queensland cho biết khả năng kháng độc cóc mía của rắn nước keelback có thể là do “đặc điểm sẵn có” của loài này, hơn là sự thích nghi. Các nhà khoa học cho rằng rắn nước keelback tiến hóa ở châu Á, nơi chúng có thể gặp các loài khác có độc tố tương tự như cóc mía.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rắn nước suýt mất mạng vì nuốt cóc độc to quá khổ