Mỗi thời mỗi khác. Do vậy, khi nhìn học sinh bây giờ hôn nhau trong sân trường thì cũng chẳng có gì đáng gọi là ghê gớm cả. Nhưng nỗi lo vẫn còn đó.
Người viết bài này thuộc thế hệ đầu 8X ở Hà Nội. Đọc báo mạng, nhìn cảnh hai học sinh đeo phù hiệu trường trung học (tôi học hồi xưa) hôn nhau trong ngày bế giảng ở đúng cái sân trường xưa thì không khỏi bâng khuâng. Một phần bồi hồi vì thấy thời gian trôi qua thật nhanh. Những kỷ niệm ngày bế giảng của hơn 20 năm trước lại ùa về như ngày hôm nào, cảm xúc bịn rịn, lưu luyến của ngày đó tưởng như vẫn chỉ mới đây. Một phần bâng khuâng vì thấy mình có vẻ trở thành người “tối cổ” khi thế hệ sau mình hiện giờ bày tỏ tình cảm rất... thoáng, khác hẳn mình trước đây.
Ngày đó, học sinh cuối cấp có tình cảm để ý nhau là chuyện bình thường. Các cặp đôi hẹn nhau cũng có thể tách đi chơi đâu đó là việc của riêng họ. Nhưng nếu xuất hiện nơi có độ công khai cao như ngoài cổng trường, trong sân trường thì cùng lắm chỉ là cái nắm tay cũng được coi là bạo dạn lắm rồi.
Nhưng đi ngược lại thời gian trước thì thế hệ cha mẹ chúng tôi lại chẳng dám nắm tay giữa chốn đông người. Thời của thế hệ cha mẹ chúng tôi, thì học sinh năm cuối cấp chỉ dám bắn tín hiệu cho nhau là nụ cười hay ánh mắt là cùng.
Mỗi thời mỗi khác. Do vậy, khi nhìn học sinh bây giờ hôn nhau trong sân trường thì cũng chẳng có gì đáng gọi là ghê gớm cả. Thế hệ trẻ hiện giờ được tiếp xúc với thế giới nhiều hơn trước nhờ sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Xem truyền hình thì các em được xem các bộ phim tình cảm Hàn Quốc hay phương Tây vốn coi nụ hôn học đường là bình thường. Lên mạng xem Youtube hay Facebook thì những clip tương tự còn nhan nhản.
Nhưng điều đáng lo (chứ không phải đáng trách) cho các em ở đây là tình cảm của cuối cấp đang có sự tiến hóa quá nhanh. Từ chỗ thế hệ trước chỉ biết trao nhau ánh mắt hay cùng lắm là cái nắm tay chỗ đông người thì giờ các em đã mạnh dạn... hôn nhau. Vậy sau này, khi chuyện hôn nhau ở sân trường trở thành bình thường thì tình cảm học đường sẽ tiến hóa đến đâu nữa? Đó là điều thật tình không dám nghĩ tới.
Cách thể hiện tình cảm của học sinh phần nào nói lên nhân sinh quan của các em hiện nay. Các em có khuynh hướng muốn bộc lộ thật cảm xúc, khát khao trong con người mình chứ không cần kìm nén như thế hệ trước. Nếu thừa nhận tư duy của các em tiến theo thời cuộc thì phải buồn lòng thấy rằng giáo dục của nước ta không theo kịp sự tiến hóa đó.
Thời trước, giáo dục giới tính ở trường gần ở mức con số không. Tình hình bây giờ cũng không khả quan lắm. Trong bài viết cách đây 1 tháng, tôi đã đưa thông tin: “Trong nhiều thập niên, Việt Nam thực thi chính sách mỗi gia đình có từ một đến hai con nhưng có ít thông tin toàn diện về sức khỏe sinh sản cho người chưa lập gia đình. Điều đó dẫn đến Việt Nam là một trong những nơi có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, theo tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe tình dục của Viện Alan Guttmacher”.
Đáng lẽ các học sinh là đối tượng cần được cung cấp thông tin nhất nhưng theo AFP, một báo cáo hồi tháng 2 cho biết các chương tình và thực tiễn giáo dục giới tính của Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế và hầu như không đề cập các vấn đề về đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới. Năm 2019, tỷ lệ phá thai ở Việt Nam là 12 so với 100 ca sinh thành công. Nhưng UNFPA - Quỹ dân số LHQ cho biết con số thực tế có thể cao hơn do một phần tư các vụ phá thai được thực hiện trong cơ sở tư nhân.
Vậy đó, tư duy của các em về cách thể hiện tình cảm, tình yêu và có lẽ là cả tình dục đã thay đổi rất nhanh nhưng giáo dục hiện nay lại “lạc hậu” (lạc hậu theo nghĩa tụt lại phía sau), không thích nghi kịp với thời cuộc và nhu cầu của học sinh.
Anh Tú