Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng đối với việc bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại KDL Hồ Mây giống hay không giống với Quan Vân Trường thì phải nghiên cứu kỹ từ nhiều nguồn tư liệu mới có thể khẳng định.

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói gì về tượng Hưng Đạo Vương giống Quan Vân Trường?

Hồ Đông | 16/04/2022, 16:40

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng đối với việc bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại KDL Hồ Mây giống hay không giống với Quan Vân Trường thì phải nghiên cứu kỹ từ nhiều nguồn tư liệu mới có thể khẳng định.

Việc tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cưỡi ngựa, cầm trường đao trên Hồ Mây Park (TP. Vũng Tàu) khá giống Quan Vân Trường (nhân vật lịch sử của Trung Quốc) vẫn thu hút được sự quan tâm của mọi người.

Trước sự việc trên, ông Nguyễn Quang Phi, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã trả lời thắc mắc của dư luận trên báo địa phương. Theo ông Phi, đối với việc bức tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại KDL Hồ Mây giống hay không giống với Quan Vân Trường thì phải nghiên cứu kỹ từ nhiều nguồn tư liệu mới có thể khẳng định. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là trong quản lý Nhà nước về văn hóa, việc xây dựng một tượng đài lịch sử phải lập một hội đồng xem xét, tư vấn, phản biện để đi đến thống nhất và nhất thiết phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép. Do đó, không thể làm xong rồi, Nhà nước mới vào cuộc, đó là quy trình ngược.

Đồng thời, ông Phi cho biết thêm: "Trước đây, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh từng được UBND tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) mời thẩm định và tham gia Hội đồng xem xét, tư vấn, phản biện các công trình tượng đài trên địa bàn tỉnh như: Tượng đài Chiến thắng Bình Giã, Bia Tưởng niệm cầu Cỏ May, Bia Tưởng niệm Đoàn tàu không số, Bia tưởng niệm Trung đoàn 445. Riêng đối với tượng Trần Hưng Đạo tại KDL Hồ Mây, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh chưa được mời tham gia thẩm định công trình này".

Còn ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc Hồ Mây Park cho biết, bức tượng trên nằm trong quần thể tượng các danh nhân của Việt Nam gồm: Hai Bà Trưng, đại tướng Võ Nguyên Giáp... đã được thi công hoàn thiện từ năm 2018. Doanh nghiệp cũng được phê duyệt quy hoạch đầy đủ khi triển khai xây dựng. Việc thi công, thiết kế bức tượng do nghệ nhân thuê từ miền Trung vào thực hiện. 

Theo ông Đậu Thế Anh, việc chọn tạo hình bước tượng Hưng Đạo Vương cưỡi ngựa cầm trường đao chỉ là mang ý nghĩa cách tân, đổi khác so với tượng Hưng Đạo Vương chỉ tay hướng sông Bạch Đằng đã quá quen thuộc, chứ không mang ẩn ý nào khác. 

Ông Thế Anh cũng cho rằng bức tượng có nhiều chi tiết khác không thể gây nhầm lẫn với tượng Quan Vân Trường như: trang phục, gương mặt, hàm râu… Ngoài ra, đơn vị cũng không biết có quy định nào về tượng Hưng Đạo Vương cưỡi ngựa hay cưỡi voi hoặc đứng và cả việc cầm vũ khí ra sao.

Về phía Sở Văn hóa Thể thao (VH-TT) tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Giám đốc Nguyễn Đình Trung cho biết, ngày 13.4, Sở đã thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành xác minh việc dựng, đặt tượng tại KDL Hồ Mây.

Qua kiểm tra thực tế ban đầu và làm việc với Công ty CP Du lịch Cáp treo Vũng Tàu (chủ đầu tư công trình trên), đồng thời đối chiếu tượng các bức ảnh trên website, Đoàn kiểm tra bước đầu thấy có sự khác biệt giữa tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Quan Vân Trường. Các chi tiết như: gươm, thanh long đao, hình dáng ngựa và bộ áo giáp cũng đã được nhóm nghệ nhân trình bày chi tiết trong bản thuyết minh và dựa trên các dữ liệu trên các trang mạng để sáng tác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói gì về tượng Hưng Đạo Vương giống Quan Vân Trường?