Thị trường đang chứng kiến một diễn biến đáng chú ý khi các ngân hàng "đua nhau" giảm lãi suất huy động để kích thích nhu cầu vay vốn tín dụng.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Ngân hàng 'đua nhau' giảm lãi suất cuối năm

Tuyết Nhung 18/12/2023 14:45

Thị trường đang chứng kiến một diễn biến đáng chú ý khi các ngân hàng "đua nhau" giảm lãi suất huy động để kích thích nhu cầu vay vốn tín dụng.

Ngày 18.12, ngân hàng BIDV trong nhóm Big 4 lần thứ 3 công bố giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng. Hiện lãi suất ngân hàng này ở mức thấp chưa từng có. Cụ thể, BIDV sẽ giảm tiếp 0,1%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 1-11 tháng. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1-2 tháng còn 2,6%/năm, 3-5 tháng còn 3%/năm, 6-11 tháng là 4%/năm. BIDV giữ nguyên kỳ hạn 12-18 tháng (5%/năm) và 24-36 tháng (5,3%/năm).

lai-suat.jpg
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cuối năm - Ảnh: minh họa

Trước đó, trong hai ngày 11 và 13.12, BIDV hai lần giảm lãi suất huy động. Hiện biểu lãi suất của BIDV không khác so với VietinBank. Dù giảm tiếp nhưng lãi suất huy động tại BIDV vẫn chưa phải là thấp nhất nếu so với Vietcombank và SCB.

Cũng trong sáng nay, ngân hàng Techcombank đã công bố áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân. So sánh với biểu lãi suất hồi đầu tháng 12, lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn của Techcombank đã giảm đáng kể.

Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của Techcombank chỉ còn 4,35-4,6%/năm, giảm 0,2 điểm % so với khảo sát hồi đầu tháng. Trong đó, lãi suất 4,6%/năm áp dụng cho khách hàng Private gửi tiền từ 3 tỉ đồng trở lên. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng cũng giảm 0,2 điểm % xuống còn 3,35-3,5%/năm, thấp hơn nhiều so với mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước (4,75%/năm).

Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên không thay đổi, vẫn được niêm yết là 4,75-5%/năm. Trong đó, khách hàng thường được áp dụng lãi suất 4,75-4,85%/năm; khách hàng Insipre được áp dụng lãi suất 4,8-4,9%/năm; khách hàng Priority có lãi suất 4,85-4,95%/năm; khách hàng Private có lãi suất cao nhất 4,9-5%/năm. Đối với mỗi nhóm khách hàng, người gửi tiền từ 3 tỉ đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất cao nhất đối với nhóm đó.

Ngân hàng PVCombank cũng vừa có thông tin giảm lãi suất với các kỳ hạn từ 1-36 tháng, với mức giảm 0,3%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng chỉ còn 3,35%/năm, 6-11 tháng còn 5,3%/năm và 12 tháng giảm còn 5,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 18-36 tháng chính thức xuống dưới ngưỡng 6% sau khi giảm còn 5,7%/năm.

Như vậy, kể từ đầu tháng đến nay đã có hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động là: ABBank, BIDV, Eximbank, HDBank, Kiên Long Bank, Nam Á Bank, MBBank, MSB, PGBank, PVCombank, Techcombank, TPBank, VIB, Vietcombank và VPBank.

Trong tháng 12, xu hướng giảm lãi suất huy động vẫn tiếp diễn tại cả các ngân hàng quốc doanh và tư nhân. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,8%/năm của ngân hàng Vietcombank thấp nhất hệ thống và thấp hơn đáng kể so với các ngân hàng còn lại trong nhóm Big 4 (BIDV, VietinBank, Agribank đều đang áp dụng mức lãi suất 5,3%/năm).

Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu về mốc trước dịch COVID-19 và còn ít dư địa để giảm thêm. Tuy nhiên, trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ được ưu tiên. Đồng thời, việc duy trì lãi suất huy động thấp trong thời gian đủ lâu cũng là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.

Theo dữ liệu của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tính đến đầu tháng 12.2023, bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã xuống tới mức 5,13%/năm, giảm khoảng 3 điểm phần trăm so với cuối năm 2022, thấp hơn cả giai đoạn COVID-19. Một số đơn vị nghiên cứu khác trước đó cũng dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ về 5% vào cuối năm 2023. Nhu cầu vay vốn thấp của doanh nghiệp và người dân khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa là nguyên nhân chính khiến lãi suất tiền gửi liên tục giảm sâu.

Công ty chứng khoán VNDIRECT nhận định, với định hướng của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện và đạt trên 10% so với đầu năm nhờ vào việc nhu cầu tiêu dùng trong nước và trên thế giới tăng trở lại trong dịp lễ tết cuối năm.

Theo các chuyên gia, để kích cầu tín dụng cuối năm, bên cạnh giảm lãi suất các ngân hàng đang tích cực tìm kiếm khách hàng tốt ở những phân khúc triển vọng để cho vay. Những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế như đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu trở lại, sức cầu tiêu dùng thường tăng dịp cuối năm, khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản dần được tháo gỡ... cũng sẽ góp phần kích thích nhu cầu vay vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nội bộ và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Các ngân hàng có điều kiện thuận lợi thì giảm lãi suất đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu. Đồng thời, ngân hàng thương mại cần tích cực triển khai các gói tín dụng phù hợp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Bài liên quan
Lãi suất giảm kỷ lục, mức thấp nhất hiện bao nhiêu?
Hiện lãi suất huy động phổ biến cho kỳ hạn 12 tháng từ 5 - 6%, giảm mạnh so với mức 9 - 10% hồi đầu năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo xung lực mới cho đà phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Singapore và Nhật Bản
9 giờ trước Sự kiện
Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Singapore và Nhật Bản (từ ngày 1 - 7.12) đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả thực chất, toàn diện trên các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân, tạo ra xung lực mới cho đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng 'đua nhau' giảm lãi suất cuối năm