Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc, đang thu hẹp hoạt động ở Nga để tránh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Huawei thu hẹp hoạt động ở Nga vì sợ bị Mỹ trừng phạt

Sơn Vân | 13/04/2022, 17:11

Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc, đang thu hẹp hoạt động ở Nga để tránh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng mạng di động và sản xuất các thiết bị như smartphone, máy tính xách tay, thiết bị theo dõi hoạt động thể dục. Trang web Huawei cho thấy công ty này có một văn phòng ở thủ đô Moscow của Nga.

Kể từ cuối tháng 3, Huawei đã ngừng nhận các hợp đồng mới cung cấp thiết bị cho các nhà khai thác mạng của Nga, theo hãng tin Izvestia (Nga), trích nguồn tin ẩn danh từ các đối tác kinh doanh của công ty Trung Quốc.

Huawei sau đó đã yêu cầu nhân viên Nga nghỉ phép bắt buộc vào tháng 4, trong khi nhân viên Trung Quốc có thể tiếp tục làm việc tại các văn phòng của hãng ở Nga, theo Forbes Russia, trích dẫn nguồn tin giấu tên từ các công ty làm việc với Huawei.

Ngoài ra, Huawei cũng cho thôi việc một số nhân viên tiếp thị. Tuy nhiên, những kế hoạch thu hẹp quy mô hoạt động này có thể chỉ là tạm thời, vì Huawei muốn xem làm thế nào để có thể tiếp tục duy trì ở thị trường Nga trong khi tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ, hai hãng tin này lưu ý.

Huawei từ chối bình luận khi được trang Insider liên hệ.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng với Nga kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công Ukraine, khiến nhiều công ty quốc tế có sự hiện diện tại Nga phải rút lui.

Trong khi đó, Trung Quốc tránh tố cáo hành động tấn công Ukraine của Nga. Thay vào đó, Trung Quốc chỉ trích các nước phương Tây vì đã làm leo thang cuộc xung đột và lên án các lệnh trừng phạt. Kết quả là các công ty Trung Quốc đang ở lại Nga, một số hãng thậm chí còn cảm nhận được cơ hội mới khi các công ty phương Tây tháo chạy hàng loạt.

Đáp lại, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ đã đe dọa các công ty Trung Quốc bằng "lệnh cấm hoàn toàn" với cả thương mại và tài chính nếu họ bị phát hiện bỏ qua các lệnh trừng phạt với Nga, theo bản ghi ngày 29.3 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố.

Huawei đã trở thành mục tiêu một số lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ năm 2019 khi chính quyền Trump coi công ty Trung Quốc là nguy cơ với an ninh quốc gia. Các hạn chế đã ngăn Huawei tiếp cận các thành phần và dịch vụ công nghệ của Mỹ, đồng thời các lô hàng smartphone toàn cầu của Huawei đã giảm hơn 40% trong kỳ nghỉ lễ cuối năm 2020.

Do đó, Nga đã trở thành một thị trường thiết yếu với Huawei. Huawei đã giành được hợp đồng xây dựng mạng 4G và 5G ở Nga. Hiện tại, Huawei và một công ty Trung Quốc khác là ZTE chiếm khoảng 40% đến 60% thị trường thiết bị mạng không dây của Nga, theo tờ Financial Times.

Theo hãng tin Forbes Russia và Izvestia, các chuyên gia nói quyết định của Bộ Tài chính Mỹ tuần trước về việc dỡ bỏ các hạn chế cung cấp thiết bị viễn thông Mỹ cho các thực thể Nga có thể mang đến cơ hội cho Huawei.

Huawei có thể đang khám phá những cách khác để tiếp tục hoạt động ở Nga trong khi giảm khả năng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

"Có khả năng Huawei đang sửa đổi dòng sản phẩm của mình để cung cấp cho Nga những thiết bị không sử dụng công nghệ của Mỹ", một chuyên gia về hệ thống CNTT tại Nga nói với Forbes Russia.

huawei-thu-hep-hoat-dong-o-nga-vi-so-bi-my-trung-phat.jpg
Huawei đang thu hẹp hoạt động ở Nga để tránh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine - Ảnh: Internet

Trong số các đối thủ cạnh tranh của Huawei tại Nga, Ericsson (Thụy Điển) hôm 11.4 cho biết sẽ đình chỉ hoạt động kinh doanh ở nước này vô thời hạn. Nokia (Phần Lan) hôm 12.4 thông báo sẽ rút khỏi Nga.

Hàng trăm công ty nước ngoài đang cắt đứt quan hệ với Nga sau cuộc tấn công Ukraine vào ngày 24.2. Kể từ đó, nhiều nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt Nga.

Trong khi một số lĩnh vực, bao gồm cả viễn thông, đã được miễn một số lệnh trừng phạt vì lý do nhân đạo hoặc liên quan, Nokia cho biết đã quyết định rằng việc rời khỏi Nga là lựa chọn duy nhất.

Pekka Lundmark nói trong cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi chỉ đơn giản là không thấy bất kỳ khả năng nào để tiếp tục ở Nga trong hoàn cảnh hiện tại”.

Ông nói thêm Nokia sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng trong thời gian ngừng hoạt động và không thể tuyên bố ở giai đoạn này rằng sẽ rời đi bao lâu.

Nokia đang xin các giấy phép liên quan để hỗ trợ khách hàng tuân thủ các lệnh trừng phạt hiện hành, hãng cho biết.

Cả Nokia và Ericsson đều đạt tỷ lệ phần trăm doanh số thấp ở Nga, nơi các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE chiếm thị phần lớn hơn.

Nokia không kỳ vọng quyết định này sẽ ảnh hưởng đến triển vọng năm 2022 của hãng, nhưng cho biết sẽ phải cung cấp một khoản dự phòng trong quý đầu tiên khoảng 100 triệu euro (tương đương 109 triệu USD).

Nga cũng tỏ ra gay gắt với Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia quê hương của Nokia và Ericsson, về mối quan tâm của họ trong việc gia nhập liên minh quân sự NATO.

Nga cũng thúc đẩy các công ty bắt đầu xây dựng mạng lưới chỉ sử dụng thiết bị của Nga, tìm cách thuyết phục Nokia và Ericsson thành lập nhà máy tại nước này.

Pekka Lundmark nói Nokia sẽ không thực hiện kế hoạch thành lập liên doanh với YADRO của Nga để xây dựng các trạm gốc viễn thông 4G và 5G, từng được công bố vào tháng 11.2021.

Quyết định rời Nga của Nokia sẽ ảnh hưởng đến khoảng 2.000 nhân viên và một số trong đó có thể được mời làm việc ở những nơi khác trên thế giới, Pekka Lundmark cho biết. Nokia có khoảng 90.000 nhân viên trên toàn cầu.

Sẽ phải thay đổi rất nhiều trước khi có thể xem xét lại hoạt động kinh doanh ở Nga”, Pekka Lundmark nói.

Bài liên quan
Ukraine chịu hơn 3.000 vụ hack, thúc giục các hãng công nghệ lớn rời Nga sau sự kiện Bucha
Thứ trưởng Bộ Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine thúc giục các hãng công nghệ đa quốc gia ngừng kinh doanh ở Nga nhanh hơn sau khi xuất hiện hình ảnh thi thể nhiều dân thường ở thị trấn Bucha trên đường.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
4 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huawei thu hẹp hoạt động ở Nga vì sợ bị Mỹ trừng phạt