Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, trong đó có 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn, 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

'Ì ạch' giải ngân từ trung ương đến địa phương vì giá vật liệu tăng cao

Tuyết Nhung | 04/06/2021, 18:09

Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, trong đó có 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn, 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 4 tháng và ước thực hiện 5 tháng năm 2021 cho biết, đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 của 50/50 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, tính từ đầu năm đến ngày 27.5 vừa qua, tổng số vốn đầu tư đã được phân bổ là 406.463,67 tỉ đồng, đạt 88,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Bộ Tài chính cũng cho biết, trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2021, có 34 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được giao. Kế hoạch vốn còn lại chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai phân bổ là 54.836,33 tỉ đồng, chiếm 11,89% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Về kết quả giải ngân vốn kế hoạch năm 2021, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân kế hoạch vốn 5 tháng đầu năm 2021 đạt 102.029,24 tỉ đồng, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%), trong đó vốn trong nước đạt 24,53%, vốn nước ngoài đạt 2,97%.

Trong đó có 7 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25% kế hoạch. Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, trong đó có 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn, 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Bộ Tài chính lý giải tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chậm, chưa có nhiều chuyển biến trong tháng 5 là do một số nguyên nhân như dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương khiến tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng tiếp theo, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả còn thiếu vốn để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, ngành chủ trì trong xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 phối hợp với các đơn vị có liên quan để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đề xuất phương án bố trí vốn năm 2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ vốn cho các địa phương thực hiện.

Bài liên quan
TP.HCM tiếp tục ‘kêu cứu’ Trung ương giải ngân vốn ODA
Nhằm tạo thuận lợi cho công tác giải ngân vốn ODA, UBND TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương thức giao kế hoạch vốn ODA.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Ì ạch' giải ngân từ trung ương đến địa phương vì giá vật liệu tăng cao