Ngày 16.9, Reuters đưa tin Bộ trưởng Y tế Indonesia cho biết nước này đang đàm phán với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như 6 công ty dược phẩm để trở thành trung tâm sản xuất vắc xin toàn cầu.
Lần đầu tiên trình bày về chiến lược đầy tham vọng, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết Indonesia sẽ khởi động sáng kiến này bằng cách ưu tiên mua vắc xin COVID-19 từ các công ty chia sẻ công nghệ và thiết lập cơ sở ở Indonesia.
“Chúng tôi đang làm việc với WHO để trở thành một trong những trung tâm sản xuất vắc xin mRNA toàn cầu”, Budi Gunadi Sadikin cho biết và nhấn mạnh rằng ông đã trực tiếp vận động Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một chuyến đi đầu tháng này đến châu Âu.
“WHO đã chỉ ra Nam Phi là địa điểm đầu tiên và tôi đã nói rằng về mặt logic thì Indonesia nên là địa điểm thứ hai”, ông Budi Gunadi Sadikin chia sẻ.
Các “trung tâm chuyển giao công nghệ” mới là một phần trong chiến lược của WHO nhằm phân phối rộng rãi hơn việc sản xuất vắc xin trên toàn cầu và xây dựng năng lực sản xuất vắc xin thế hệ mới ở các nước đang phát triển như vắc xin mRNA dựa trên axit nucleic của Moderna và Pfizer.
Một quan chức cấp cao của WHO nói với Reuters rằng nỗ lực phát triển cơ sở vắc xin COVID-19 ở Nam Phi sẽ tập trung vào việc cố gắng tái tạo vắc xin của Moderna, nhưng việc đàm phán với công ty công nghệ sinh học Mỹ chưa tiến triển nên dự án sẽ mất thêm nhiều thời gian.
Ông Budi Gunadi Sadikin cho biết Indonesia rất muốn xây dựng chuyên môn về vắc xin mRNA cũng như vắc xin vector virus như của AstraZeneca sản xuất.
Người phát ngôn của WHO cho biết Indonesia là một trong 25 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng một trung tâm vắc xin nhưng người này từ chối cho biết đây có phải là ứng cử viên hàng đầu hay không.
Ông Budi Gunadi Sadikin cho biết Indonesia có vị trí thuận lợi để xuất khẩu vắc xin ra khắp thế giới, đặc biệt vì nước này là quốc gia đa số theo đạo Hồi đông dân nhất thế giới và có thể đảm bảo rằng các vắc xin của họ là hợp pháp (hoặc được phép theo Hồi giáo).
Indonesia phải vật lộn với một trong những đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất châu Á và đã ghi nhận hơn 4,1 triệu ca bệnh với 139.000 người chết. Các quan chức y tế công cộng cho biết con số thực còn có thể cao hơn nhiều lần.
Tỷ lệ ca mắc COVID-19 và tử vong tại Indonesia đã giảm mạnh trong những tuần gần đây nhưng hiện nay nước này mới chỉ có 25% dân số được tiêm vắc xin đầy đủ. Indonesia vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh kế hoạch tiêm chủng, đặc biệt là khi nước này có thể sẽ phải triển khai tiêm mũi tiêm tăng cường.
Ông Budi Gunadi Sadikin cho biết các công ty dược phẩm Indonesia đang thảo luận với nhà sản xuất và phát triển vắc xin như Anhui Walvax, Sinovac, Genexine, Arcturus Therapeutics và Novavax. Các cuộc đàm phán này tập trung vào việc sản xuất thượng nguồn, nghiên cứu và phát triển.
“Chúng tôi cũng mở ra những cơ hội tương tự với AstraZeneca. Hiện tại chúng tôi làm việc với đối tác Pfizer. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho tất cả các đối tác”, ông Budi Gunadi Sadikin chia sẻ.
Bambang Heriyanto, thư ký của Bio Farma, công ty dược phẩm quốc doanh lớn nhất Indonesia, xác nhận các cuộc đàm phán đã được tiến hành và bước đầu tiên là hợp tác chuyển giao công nghệ. Ông nói sẽ mất hai hoặc ba năm để xây dựng một cơ sở sản xuất hoạt động hoàn chỉnh.
Ông Budi Gunadi Sadikin cho biết Indonesia sẽ sử dụng vai trò lãnh đạo của G20 (Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Mexico, Nga, Ả rập Xê Út, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh Quốc, Mỹ và EU) bắt đầu từ tháng 12 để thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu và chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo có thể xảy ra .
“Không ai có thể đảm bảo rằng SARS-CoV-3 hay 4 sẽ không xuất hiện”, Bộ trưởng Y tế Indonesia nói.