Tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt mốc 2 triệu ở Indonesia, quốc gia đang vật lộn để kiềm chế làn sóng dịch thứ hai.

Indonesia lập kỷ lục ca COVID-19, vượt mốc 2 triệu do vắc xin Sinovac kém hiệu quả và 2 nguyên nhân chính

Nhân Hoàng | 21/06/2021, 17:35

Tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt mốc 2 triệu ở Indonesia, quốc gia đang vật lộn để kiềm chế làn sóng dịch thứ hai.

Indonesia đã công bố kỷ lục 14.536 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua vào hôm 21.6, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, với tổng số bệnh nhân đã vượt qua mốc 2 triệu.

Cột mốc nghiệt ngã xảy ra khi Indonesia phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng đại dịch COVID-19 thứ hai, với các bệnh viện trở nên quá tải trong bối cảnh lo ngại rằng biến thể Delta độc hại hơn (có nguồn gốc từ Ấn Độ) có thể đang âm thầm lây lan.

294 ca tử vong do COVID-19 cũng được báo cáo hôm 21.6, nâng tổng số người chết lên 54.956.

Trong 24 giờ qua, thủ đô Jakarta có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất (5.014), tiếp theo là Trung Java với 3.252 và Tây Java là 2.719.

Indonesia đang vật lộn với việc tiêm chủng cho dân số của mình, với chỉ 8,3% người dân đã tiêm ít nhất một mũi kể từ khi đợt tiêm chủng bắt đầu vào tháng 1.2021, theo dữ liệu của Our World in Data. Con số này tốt hơn so với Thái Lan, Philippines và Việt Nam,
các nước cùng khu vực Đông Nam Á bắt đầu chương trình tiêm chủng muộn hơn. Trong khi đó, Malaysia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng 12,2% dù chỉ mới bắt đầu vào cuối tháng 2.2021.

Số ca mắc COVID-19 ở Indonesia đã có xu hướng giảm kể từ cuối tháng 1.2021, nhưng con số bắt đầu tăng lên đáng báo động sau kỳ nghỉ Eid Al-Fitr (Bayram) của người Hồi giáo vào giữa tháng 5. Những hạn chế đi lại rộng rãi được áp dụng trước và sau kỳ nghỉ lễ đã áp dụng nhiều trong số hàng triệu người thường đi du lịch về quê hương và làng mạc của họ, nhưng không phải tất cả.

indonesia-lap-ky-luc-ca-mac-covid-19-vuot-moc-2-trieu.jpg
Công nhân khiêng quan tài của một nạn nhân COVID-19 tại khu chôn cất ở Jakarta vào ngày 21.6

Sự gia tăng các ca mắc COVID-19 đã khiến chính phủ Indonesia hôm 21.6 thông báo thắt chặt các hạn chế xã hội ở các "vùng đỏ" có nguy cơ cao từ ngày mai trong 2 tuần. Các văn phòng, nhà hàng, quán cà phê và trung tâm thương mại sẽ chỉ được phép hoạt động ở mức 25% công suất. Hiện có 29 khu vực màu đỏ trên khắp Indonesia, bao gồm cả một số vùng của Aceh, đảo Sumatra và Trung Java. Jakarta hiện được xếp vào vùng có nguy cơ trung bình (màu cam).

Airlangga Hartarto, Bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế, nói rằng chính phủ Indonesia sẽ xem xét để tăng số lượng tiêm chủng hàng ngày lên 1 triệu người kể từ tháng 7.

Mục tiêu của Indonesia là tiêm chủng cho 181,5 triệu người, khoảng 70% dân số, trong khoảng một năm, để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Budi Gunadi Sadikin trước đó đã nói rằng các ca bệnh có thể sẽ đạt đỉnh điểm từ 5 đến 7 tuần sau sau kỳ nghỉ Eid Al-Fitr, có nghĩa là vẫn có thể tăng lên vào đầu tháng 7.

Thế nhưng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về một mối nguy hiểm khác từ cái mà họ gọi là "các biến thể đáng lo ngại" trong bản cập nhật tình hình Indonesia mới nhất được công bố tuần trước.

Tuần trước, Bộ Y tế Indonesia cho biết đã phát hiện 107 ca mắc bệnh Delta (nguyên nhân gây ra làn sóng chết người ở Ấn Độ vào tháng 5) trong số 148 trường hợp từ ba biến thể được WHO liệt kê trong danh sách cần quan tâm. Đó là sự gia tăng đáng kể so với 32 ca mắc biến thể Delta được phát hiện vào tuần trước đó.

WHO kêu gọi Indonesia thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn. "Với sự gia tăng lây truyền do các biến thể đáng lo ngại, hành động khẩn cấp là cần thiết để ngăn chặn tình trạng này ở nhiều tỉnh. Tỷ lệ lấp đầy giường bệnh tăng mạnh... ở các tỉnh có nguy cơ cao là mối quan tâm lớn, đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp xã hội và y tế công cộng chặt chẽ hơn, bao gồm các hạn chế xã hội trên quy mô lớn", WHO nói.

Ngoài sự kiện Eid Al-Fitr và biến thể Delta lây lan mạnh, số ca bệnh cùng tử vong do COVID-19 ở Indonesia tăng cao do vắc xin CoronaVac của hãng Sinovac (Trung Quốc) kém hiệu quả. Đây là vắc xin được sử dụng chủ yếu ở Indonesia.

Hôm 17.6, Reuters đưa tin hơn 350 bác sĩ và nhân viên y tế ở Indonesia đã mắc COVID-19 dù được tiêm vắc xin CoronaVac và hàng chục người đã phải nhập viện. Xem chi tiết tại đây.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vắc xin của Sinovac trong tháng này, chỉ ra kết quả cho thấy nó ngăn ngừa bệnh có triệu chứng ở 51% người tiêm, ngăn ngừa COVID-19 nghiêm trọng và thời gian nằm viện ở tất cả những người được nghiên cứu.

Vắc xin Sinovac cũng là loại được sử dụng tiêm chủng chủ yếu ở Philippines và chiếm tới khoảng 90% số vắc xin mà nước này có được. Tương tự Indonesia, số ca mắc COVID-19 và tử vong hàng ngày ở quốc gia Đông Nam Á này vẫn tăng cao. Xem chi tiết tại đây.

Bài liên quan
Đã tiêm vắc xin Trung Quốc, hơn 350 bác sĩ và nhân viên y tế Indonesia vẫn mắc COVID-19, hàng chục người nhập viện
Hơn 350 bác sĩ và nhân viên y tế ở Indonesia đã mắc COVID-19 dù được tiêm vắc xin CoronaVac của Sinovac (Trung Quốc) và hàng chục người đã phải nhập viện, gây lo ngại về hiệu quả của vắc xin chống lại các biến thể lây nhiễm nhanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Indonesia lập kỷ lục ca COVID-19, vượt mốc 2 triệu do vắc xin Sinovac kém hiệu quả và 2 nguyên nhân chính