Việc phóng tên lửa này diễn ra ngay trước khi nối lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới.

Iran phóng tên lửa vào không gian, Mỹ phản đối

Bảo Vĩnh | 27/06/2022, 12:26

Việc phóng tên lửa này diễn ra ngay trước khi nối lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới.

Ngày 26.6, đài truyền hình nhà nước Iran IRINN đăng tải hình ảnh tên lửa mang vệ tinh Zuljanah được phóng vào không gian từ một địa điểm không được tiết lộ ở Iran.

Không rõ tên lửa sử dụng nhiên liệu này được phóng từ vị trí nào, nhưng các ảnh vệ tinh cho thấy có sự chuẩn bị ở Trung tâm không gian Imam Khomeini ở tỉnh nông nghiệp Semnan, nơi mà Iran nhiều lần thất bại trong nỗ lực đưa một vệ tinh vào quỹ đạo.

Trước đây, Iran từng xác nhận đã lên kế hoạch thử nghiệm thêm tên lửa mang vệ tinh Zuljanah. Tên lửa này từng được phóng lần đầu hồi tháng 2.2021.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Iran cho biết, tên lửa này dài 25,5 mét, có thể mang một vệ tinh 220 kg vào quỹ đạo trái đất để thu thập dữ liệu cũng như để quảng bá công nghiệp không gian Iran. Zuljanah được đặt theo tên của con ngựa của Imam Hussein, cháu trai của nhà tiên tri Muhammad.

Vụ phóng này khiến Mỹ phản đối, Nhà Trắng chỉ trích nó “vô ích và gây bất ổn”.

Vụ phóng tên lửa diễn ra chỉ một ngày sau chuyến đi Iran của Ủy viên đối ngoại EU Josep Borrell nhằm thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán liên quan chương trình hạt nhân của Iran. Các cuộc đàm phán đã kéo dài nhiều tháng, vẫn còn những điểm bất đồng, bao gồm việc Iran yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với vệ binh cách mạng Iran (Mỹ đã đưa lực lượng này vào danh sách khủng bố).

Ông Borrell nói hôm 25.6 rằng, các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân có thể nối lại tại một quốc gia Vùng Vịnh trong những ngày tới, và giới truyền thông Iran nói Qatar là nơi diễn ra các cuộc đàm phán này.

Năm 2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), do nước này cùng các cường quốc Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức đạt được với Iran hồi năm 2015. JCPOA có nội dung nếu Iran từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân thì đổi lại được quốc tế dỡ bỏ trừng phạt tài chính - kinh tế.

Ông Trump cũng nối lại các lệnh cấm vận Iran, và Tehran đáp lại bằng cách tăng tốc hoạt động hạt nhân và nay uranium đã làm giàu của Iran đã đạt sát gần cấp độ làm vũ khí.

Để gia tăng hạn chế khả năng giám sát của cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt nhân của mình, hồi tháng này Iran còn tháo bỏ hàng chục máy ghi hình của Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế (IAEA) khỏi các cơ sở hạt nhân.

Các vụ phóng tên lửa của Iran khiến Mỹ cảnh báo đó là sự thách thức các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vốn kêu gọi Iran ngưng mọi hoạt động liên quan tên lửa đạn đạo có thể phóng vũ khí hạt nhân.

Nhà Trắng hôm 26.6 tuyên bố sẽ tiếp tục áp cấm vận để ngăn chặn chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.

Dù Iran đã tăng cường chú trọng chương trình không gian - như năm 2013 đã đưa một con khỉ vào không gian-nhưng chương trình này gần đây xảy ra nhiều trục trặc, gồm 5 lần phóng liên tiếp tên lửa mang vệ tinh Simorgh đều thất bại, hoặc một vụ cháy ở Trung tâm không gian Imam Khomeini hồi tháng 2.2019 đã làm chết 3 nhà nghiên cứu.

Trong khi đó, Vệ binh cách mạng Iran hồi tháng 4.2020 đã công bố chương trình không gian bí mật sau khi phóng thành công một vệ tinh vào quỹ đạo.

Bài liên quan
Đám cưới cấp tốc thời chiến ở Ukraine: Chồng chia tay vợ ra trận sau hôn lễ
Khi thức dậy sau cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24.2, cặp đôi này mới hẹn hò chỉ hơn 1 năm. Nga đang tấn công Ukraine và Ihor Zakvatskyi biết không còn thời gian để mất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Iran phóng tên lửa vào không gian, Mỹ phản đối