Mối quan hệ giữa chính phủ New Zealand với Trung Quốc bị Mỹ đặt vào tầm ngắm, sau khi một cựu chuyên gia phân tích của CIA nói cần xét lại vị trí thành viên liên minh tình báo 5 Cặp Mắt (Five Eyes) của New Zealand.

Đảng cầm quyền New Zealand bị tố nhận tiền từ Trung Quốc

Trần Trí | 28/05/2018, 12:37

Mối quan hệ giữa chính phủ New Zealand với Trung Quốc bị Mỹ đặt vào tầm ngắm, sau khi một cựu chuyên gia phân tích của CIA nói cần xét lại vị trí thành viên liên minh tình báo 5 Cặp Mắt (Five Eyes) của New Zealand.

5 Cặp mắt là mạng lưới tình báo gồm Úc, New Zealand, Canada, Anh và Mỹ. Và hiện có những nghi ngờ Trung Quốc tung nỗ lực can thiệp vào chính trường các nước phương tây, gồm Úc đã phải cấm nhận tiền tặng quỹ chính trị, tiếp sau một tai tiếng liên quan những khoản tiền tặng của những doanh nhân Trung Quốc.

Trả lời điều trần trước Ủy ban giám sát an ninh-kinh tế Mỹ-Trung hôm 28.5, cựu chuyên gia CIA Peter Mattis nói, Công đảng cầm quyền ở New Zealand của nữ Thủ tướng Jacinda Ardern nhận tiền của những “mạnh thường quân” có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).

Ông Mattis nói: “Úc và New Zealand đều đối mặt với những vấn nạn, từ sự can thiệp của CPC. Trong cả hai trường hợp, CPC rất gần hoặc thậm chí luồn sâu vào đội ngũ chính trị cốt cán của cả hai nước này. Sự khác biệt lớn giữa hai nước này đơn giản là phản ứng của họ. Tại New Zealand, cựu Thủ tướng Bill English và đương kim Thủ tướng Jacinda Ardern đều phủ nhận rằng không hề có vấn đề gì”.

Vị cựu chuyên gia còn nói: “Tôi cho rằng từ vấn nạn Trung Quốc can thiệp vào chính trị cốt lõi của New Zealand, vài cấp độ lãnh đạo của 5 Cặp Mắt cần họp xét có nên tiếp tục giữ New Zealand là thành viên hay không”.

Thủ lĩnh Công đảng Nigel Haworth nói ông không biết ý ông Mattis muốn nói ai, vì mọi khoản tiền tặng cho Công đảng đều được công khai trên trang web của Ủy ban bầu cử quốc gia, tuân thủ Luật bầu cử của New Zealand.

Luật này cho phép các đảng phái nhận tiền tặng của nước ngoài, với điều kiện số tiền không được quá 1.500 đô-la New Zealand (1.045 USD).

Cựu chuyên gia CIA Mattis còn nói, cựu Thủ tướng Bill English thường gặp một nghị sĩ gốc Hoa cùng đảng Quốc gia từng làm việc tại một cơ quan đào tạo điệp viên Trung Quốc.

Nhưng thủ lĩnh đảng Quốc gia Simon Bridges nói thông tin cựu Thủ tướng English thường chia sẻvới nghị sĩ gốc Hoa Dương Kiện là “hoàn toàn thất thiệt”.

Trong một tuyên bố, ông Bridges nói: “Tôi không thấy bất kỳ điều gì gợi ý có sự tác động của Trung Quốc. New Zealand có quan hệ quốc tế mạnh, cùng những quytrình chặt chẽ bảo đảm mọi hoạt động chính trị hoàn toàn độc lập với bất kỳ quốc gia nào khác”.

Bà Anne Marie-Brady, chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Canterburry đã thường cảnh báo tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với New Zealand, và nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gần đây thăm nước này, cũng nói New Zealand cần cảnh giác tối đa trước sự can thiệp của CPC.

Bà Brady nói: “Nếu một nền dân chủ độc lập tự hào như New Zealand không thể xử lý vấn nạn Bắc Kinh can thiệp chính trị, thì đó là dấu hiệu rất xấu cho phần còn lại của thế giới về những điều đang xảy ra”.

Bà còn cho biết nhà riêng và văn phòng làm việc của bà từng bị trộm xâm nhập, chỉ để đặt “con rệp” điện tử để nắm thông tin về hoạt động của bà là nghiên cứu tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trước cuộc bầu cử Quốc hội New Zealand ngày 23.9.2017, nữ học giả Brady của Trung tâm Wilson (một tổ chức nghiên cứu do chính phủ New Zealand tài trợ) đã cáo buộc đảng Quốc gia có làm ăn với Trung Quốc.

Bà không đưa ra được chứng cứ nào, nhưng cáo buộc ông Dương Kiện của đảng Quốc gia và nghị sĩ Công đảng Raymond Huo là “điệp viên Trung Quốc”.

Nghị sĩ Dương Kiện (bìa trái) trong một chuyến thăm Trung Quốc - Ảnh: AP

Lúc đó, báo Financial Times đưa tin ông Dương Kiện bị tình báo New Zealand (SIS) điều tra, vì ông từng có 10 năm được đào tạo rồi dạy tiếng Anh ở những học viện quân sự cấp cao của Trung Quốc, gồm cả trường đào tạo sĩ quan tình báo.

Ông Dương Kiện từng sống ở Trung Quốc cho đến khi 32 tuổi thì định cư ở New Zealand, nay 55 tuổi. Ông được nhập quốc tịch New Zealand năm 2004, từng trúng cử Quốc hội New Zealand lần đầu tiên năm 2011 và đến tháng 9.2017 lại trúng cử. Ông cũng từng tháp tùng cựu Thủ tướng New Zealand John Key thực hiện các chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc năm 2013 và 2016.

Trong lý lịch chính thức của ông Dương Kiện ở New Zealand, hoặc ở phần giới thiệu được công bố khi ông là một giảng viên của trường Đại học Auckland, đều không có thông tin về quá trình học tập, giảng dạy của ông ở Trung Quốc, cũng không có thông tin nhân thân quân sự của ông.

Ngày 31.10.2017, ông English nói không quan tâm quá khứ làm việc cho tình báo của ông Dương Kiện, người thừa nhận từng là một “cán bộ dân sự” nhận lương của quân đội Trung Quốc, và ông có đào tạo những học viên sau này trở thànhsĩ quan tình báo Trung Quốc.

Nhưng trước cuộc bầu cử, ông Dương Kiện cũng nói những cáo buộc điệp viên Trung Quốc đào tạo ông, hoặc chính ông là điệp viên của Bắc Kinh, đều là “chiến dịch bôi nhọ của kẻ vô danh” nhằm làm ông và đảng Quốc gia bị mất uy tín.

Ông Dương Kiện nhấn mạnh với giới truyền thông New Zealand: ông không phải là “điệp viên của quân đội Trung Quốc”, và ông trung thành với New Zealand.

Bà Brady cũng kêu gọi SIS điều tra “tầm ảnh hưởng của Trung Quốc” đối với giới truyền thông, doanh nghiệp, các trường đại học và chính trị New Zealand.

Ngày 11.12.2017, báo Financial Times dẫn lời những nguồn tin giấu tên là “các chuyên gia an ninh”, nêu gần 200.000 Hoa kiều sống ở New Zealand có thể bị người của Bắc Kinh “gieo ảnh hưởng”.

Trung Trực (theo Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảng cầm quyền New Zealand bị tố nhận tiền từ Trung Quốc