Kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, phương Tây đã đặt ra mục tiêu làm giảm nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga.

Kế hoạch đặt giá trần với dầu khí Nga liệu có thành công?

Cẩm Bình | 07/09/2022, 10:25

Kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, phương Tây đã đặt ra mục tiêu làm giảm nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga.

Loạt trừng phạt phương Tây áp đặt dường như không mấy hiệu quả. Nguồn thu xuất khẩu năng lượng của Nga tăng lên nhờ giá khí đốt cao và lượng dầu xuất khẩu vượt dự kiến. Moscow ước tính xuất khẩu năng lượng năm 2022 tăng mạnh 38%. Đây là lý do tại sao nhóm G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ) vào cuối tuần trước nhất trí đặt giá trần với dầu Nga.

Kế hoạch đặt giá trần

Mỗi thành viên G7 đều đã hoàn thiện chi tiết quy trình cấm vận của riêng mình, sẵn sàng triển khai trong vài tháng tới. Vì vậy kế hoạch nhắm vào dịch vụ kho vận chính yếu do thành viên G7 kiểm soát, chẳng hạn vận chuyển hay bảo hiểm, mà các quốc gia khác cần để mua dầu Nga.

Kế hoạch đặt giá trần sẽ được triển khai đúng thời điểm trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Giá trần với dầu thô áp dụng từ ngày 5.12 lúc EU trừng phạt dầu thô nhập khẩu đường biển và đường ống. Ngày 5.2.2023 đến lượt sản phẩm từ dầu bị áp giá trần lẫn lệnh cấm nhập.

G7 tuyên bố mục đích của kế hoạch là ngăn công ty bảo hiểm và công ty vận chuyển tiếp tay đưa dầu thô cùng sản phẩm từ dầu của Nga ra ngoài khi chúng được bán với giá bằng hoặc thấp hơn mức trần.

Các nước G7 kiểm soát khoảng 90% thị trường bảo hiểm hàng hải toàn cầu. Nga cần rất nhiều tàu xuất khẩu dầu, nên nếu công ty bảo hiểm phương Tây từ chối bảo lãnh thì Moscow có thể khó lòng tìm đủ tàu.

keoil00.jpg
Đặt giá trần có thể làm giảm nguồn thu của Nga nhưng không cản được dầu khí Nga lưu thông trên thị trường - Ảnh: Reuters

G7 tỏ ý muốn mở rộng “liên minh” đặt giá trần ra ngoài nhóm, đặc biệt là quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn như Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên chưa quốc gia nào tuyên bố hưởng ứng.

Theo các bộ trưởng tài chính G7, giá trần sẽ dựa trên một loạt yếu tố kỹ thuật đầu vào.

Việc giữ cho dầu khí Nga vẫn được lưu thông nhưng ở mức giá thấp tạo điều kiện kiềm chế lạm phát, như vậy các quốc gia thu nhập thấp và trung bình chưa ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga vẫn có thể mua hàng. Tuy nhiên họ sẽ bị cấm sử dụng dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm nếu vượt qua giới hạn giá. G7 hy vọng việc giữ lại khả năng tiếp cận nguồn cung dầu khí Nga sẽ khuyến khích các quốc gia ngoài nhóm hưởng ứng đặt giá trần.

Phản ứng từ Điện Kremlin

Không lâu trước lúc G7 công bố nhất trí kế hoạch, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích đặt giá trần với dầu Nga là hành động vô lý sẽ làm thị trường toàn cầu rơi vào hỗn loạn. Ông ta cảnh báo Nga quyết không bán dầu cho bất cứ quốc gia nào hưởng ứng.

Đúng ngày G7 nhất trí kế hoạch, Nga thông báo ngừng cung cấp qua đường ống Nord Stream 1 vô thời hạn. Moscow đổ lỗi chính trừng phạt châu Âu áp đặt khiến nước này không thể tiến hành bảo dưỡng khẩn cấp.

Nguy cơ kế hoạch thất bại

Có khả năng những quốc gia ngoài G7 không hưởng ứng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từng bày tỏ lo ngại: “Bạn không thể hành động đơn phương mà chỉ có thể hợp tác chặt chẽ với nhiều nước khác. Nếu không thì kế hoạch chẳng đi tới đâu cả”.

Phương Tây hy vọng ngay cả khi các quốc gia không hưởng ứng, kế hoạch cũng khiến dầu Nga bị bán với giá thấp, qua đó ảnh hưởng nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga.

keoil01.jpg
Những quốc gia nhập khẩu nhiều dầu Nga nhất kể từ sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra - Ảnh: DW

Nhưng dầu Nga hiện đã rẻ hơn nhiều nguồn dầu khác. Có thể các quốc gia sẽ tiếp tục mua lượng hàng tương đương, thậm chí nhiều hơn.

Một kịch bản khác là Nga giảm lượng dầu xuất khẩu để đẩy giá dầu thế giới lên cao giống như từng làm với khí đốt cung cấp cho châu Âu. Làm vậy tự mang lại rủi ro cho Moscow, vì giảm sản lượng đáng kể gây hại cho nguồn dự trữ cũng như giảm năng lực sản xuất trong dài hạn.

Nội dung quan trọng nhất trong kế hoạch chính là cách thức thực thi, G7 chưa công bố chi tiết. Các công ty bảo hiểm lo ngại họ sẽ bị giao trách nhiệm kiểm tra giá dầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kế hoạch đặt giá trần với dầu khí Nga liệu có thành công?