Vào đầu tháng 7, tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) có hiện tượng kỳ lạ.
Một cây xăng trên địa bàn thành phố Lâm Nghi (tỉnh Sơn Đông) dán biển thông báo: “Xăng giá 6,78 nhân dân tệ (1 USD) một lít, giá thấp nhất Trung Quốc. Rửa xe cũng miễn phí”. Vậy nên hàng dài xe xếp hàng chờ đổ xăng.
Giá trên thấp hơn giá chính thức thời điểm đó (9,05 tệ/lít) đến 20%. Nhân viên văn phòng Meng Jun chạy xe hết chặng đường 1.800km từ Quảng Tây đến Sơn Đông công tác đã quyết định đổ đầy bình vì giá xăng ở đây quá rẻ.
Nhiều đơn vị khác cũng bán xăng với giá khoảng 7 tệ/lít. Một người giải thích rằng “Họ mua rất nhiều dầu Nga giá rẻ trong khi Mỹ không để ý”.
Mặc dù là quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn thứ 4 thế giới nhưng Trung Quốc lại luôn trong cảnh “khát” tài nguyên. Khoảng 70% lượng dầu thô nước này sử dụng là hàng nhập khẩu. Nếu nhập khẩu dầu thô đình trệ thì cuộc sống hiện đại của hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng.
Khi nền kinh tế tiếp tục phát triển mặc dù có phần chậm lại vì chính sách chống dịch COVID-19, giới chức Trung Quốc phải gấp rút tìm cách giữ ổn định nguồn cung.
Phản ứng với cuộc chiến Nga tiến hành tại Ukraine, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ tẩy chay dầu thô Nga. Trung Quốc không làm vậy. Dữ liệu cho thấy trong tháng 7 có 46 tàu lớn đi từ vùng viễn đông Nga đến hải cảng ở Thanh Đảo và Đổng Gia Khẩu, gấp gần 2 lần so với tháng 1. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu Sơn Đông đang âm thầm nhập hàng, lượng dầu thô mua vào tháng 7 gần như gấp đôi tháng 5.
Thanh toán là vấn đề khó. Các ngân hàng lớn của Nga đều bị đưa ra khỏi Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT). Vậy phía Trung Quốc thanh toán như thế nào?
Ngày 29.6, một máy bay chở đầy điện thoại thông minh Xiaomia cùng nhiều thiết bị công nghệ thông tin Trung Quốc khác cất cánh từ thành phố Tây An đi St.Petersburg.
Một nguồn thạo tin tiết lộ đây là chuyến bay đổi hàng: Trung Quốc mua dầu Nga bằng đồng nhân dân tệ, Nga dùng số tiền này mua thiết bị công nghệ thông tin Trung Quốc. Giao dịch dường như nhận được hậu thuẫn từ ngân hàng Côn Lôn – đơn vị có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ do làm ăn với Iran.
Cho dù các nước phương Tây dần siết chặt vòng vây trừng phạt, Trung Quốc không bị ảnh hưởng mấy. Giám đốc điều hành một doanh nghiệp quốc doanh lớn của nước này hạ lệnh tăng lượng hàng Nga nhập về thêm 1/3.
46% lượng khí đốt Trung Quốc sử dụng là hàng nhập khẩu, trong đó khí đốt Nga chiếm 10%. Các công ty Trung Quốc đang có kế hoạch tăng dần lượng hàng nhập, khí đốt tạo ra ít phát thải nên phù hợp với mục tiêu giảm phát thải mà Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố với thế giới.
Sức mua của Trung Quốc sẽ còn tăng. Dù dân số sắp bị Ấn Độ vượt qua vào năm 2023, nhưng thu nhập bình quân đầu người Trung Quốc vẫn cao hơn, mức sống người dân nước này cũng vậy. Nếu người dân tiếp tục tiêu dùng mạnh tay thì giới chức Trung Quốc chịu sức ép rất lớn.
Nhiều rủi ro
Nga hứng chịu hàng loạt sự trừng phạt do gây ra cuộc chiến tại Ukraine. Trung Quốc từ vị thế chỗ dựa suy yếu trở thành hậu thuẫn hàng đầu cho Moscow.
Thế nhưng làm hậu thuẫn hàng đầu thì ẩn chứa nhiều rủi ro.
Trên một cánh đồng ngô ở thành phố Bàn Cẩm (tỉnh Liêu Ninh) đặt cột cảnh báo màu vàng: “Có đường ống khí đốt. Nghiêm cấm khai quật”.
Chủ đồng ngô Wang Hongsheng cho biết bên dưới chôn đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga. Đây là đường ống khí đốt Nga - Trung đầu tiên, tính riêng đoạn bên Trung Quốc đã dài đến 3.300km.
Một đoạn đường ống nối Đông Siberia với tỉnh Cát Lâm được thông tuyến vào tháng 12.2019, 1 năm sau kéo dài qua Liêu Ninh đi đến Hà Bắc, dự kiến đến năm 2025 vươn tới Thượng Hải. Hoạt động xây dựng vẫn đang diễn ra dù Nga hiện hứng chịu trừng phạt.
Giới chức Trung Quốc dùng đến biện pháp cưỡng chế như thu hồi đất, di dời dân một số địa điểm để triển khai dự án. Khoảng 10% diện tích đất nông nghiệp của ông Wang có đường ống ngầm, suốt hơn 1 năm xây dựng bắt đầu từ năm 2020 ông không thể trồng trọt gì cả. Chính quyền chỉ bồi thường hơn 3.000 tệ (445 USD) chút ít.
Ôntg Wang có thể trồng trọt trở lại sau khi hoạt động xây dựng hoàn thành, nhưng sản lượng giảm 10% do đất bạc màu. Ông chỉ đành chấp nhận vì đây là dự án quan trọng tầm quốc gia.
Vì Trung Quốc luôn phải nhập khẩu tài nguyên, giá cả nhiều mặt hàng đặc biệt là năng lượng tăng vọt làm gia tăng áp lực suy thoái lên nền kinh tế. Do hứng chịu trừng phạt nên Nga bán năng lượng với giá rẻ đầy hấp dẫn.
Giám đốc điều hành một công ty lọc dầu Sơn Đông cho biết: “Chúng tôi muốn giảm lỗ bằng cách dùng sản phẩm giá rẻ từ Nga”. Kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp quyết định làm vậy.
Cuối tháng 6, Bộ Thương mại Trung Quốc lần thứ 2 trong năm thông báo tăng hạn ngạch nhập dầu thô cho đối tượng công ty tư nhân lên 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái - động thái nhằm mục đích tăng mua dầu Nga. Công ty tư nhân ít có nguy cơ bị trừng phạt hơn 3 doanh nghiệp dầu khí lớn.
Mỹ nhiều lần cảnh báo áp đặt trừng phạt thứ cấp nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga về quân sự hoặc kinh tế, tăng mua năng lượng Nga có thể khiến Trung Quốc bị cô lập tương tự Moscow.