Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh hôm 5.9 đã thông báo, Ngoại trưởng Liz Truss được bầu làm lãnh đạo mới của đảng này, đồng nghĩa với việc bà là thủ tướng tiếp theo của Anh, người kế nhiệm ông Boris Johnson.

Nữ Thủ tướng mới của Anh liệu có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc?

Hoàng Vũ | 06/09/2022, 18:30

Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh hôm 5.9 đã thông báo, Ngoại trưởng Liz Truss được bầu làm lãnh đạo mới của đảng này, đồng nghĩa với việc bà là thủ tướng tiếp theo của Anh, người kế nhiệm ông Boris Johnson.

Bà Liz Truss đã giành được 81.326 phiếu bầu (57,4%), đánh bại đối thủ là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak với số phiếu 60.399 (42,6%). Sau khi được Nữ hoàng Anh Elizabeth II chính thức bổ nhiệm vào ngày 6.9, bà Truss sẽ trở thành nữ thủ tướng thứ ba trong lịch sử nước này, sau bà Margaret Thatcher và bà Theresa May.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Truss đã đưa ra lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc - phản ánh sự đồng thuận mới trong chính sách đối ngoại của đảng Bảo thủ. Nữ thủ tướng Anh thứ ba nổi tiếng là người nói chuyện cứng rắn - thậm chí đôi khi còn "lớn tiếng" với các đồng minh như Pháp - với tư cách là người ủng hộ cho lý tưởng "Nước Anh toàn cầu" mạnh mẽ và hướng ngoại.

hepta-6243336.jpg
Tân Thủ tướng Anh Liz Truss - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định rằng các vấn đề đối nội sẽ cần bà Truss ưu tiên giải quyết vì đất nước của bà đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Giá năng lượng đang tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine và tỷ lệ lạm phát của Anh đang ở mức cao nhất trong 40 năm - hơn 10% tính đến tháng 7 năm nay. Ngân hàng Trung ương Anh, dự báo tỷ lệ này có thể lên tới 13% trong năm nay.

Anand Menon, giáo sư về chính trị và đối ngoại châu Âu tại Đại học Nhà vua London - một trường đại học nghiên cứu công lập tại Anh – cho biết: "Bất kỳ thủ tướng nào cũng phải nhận thức được sự cần thiết phải cân bằng giữa vẻ ngoài cứng rắn với nhu cầu thương mại. Có một cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt. Bà Truss sẽ phải cần làm những gì có thể để giữ cho nền kinh tế hoạt động. Cắt đứt thương mại với Trung Quốc không phải là cách tốt để làm điều đó”.

Khi tham gia tranh cử, bà Truss được cho là đã hứa với quốc hội Anh rằng bà sẽ công khai chỉ trích Trung Quốc về những cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương.

Bà Truss cũng sẽ tuyên bố, Trung Quốc là một "mối đe dọa" và đặt các lo ngại từ Bắc Kinh ngang hàng với Nga. Hiện tại, Trung Quốc mới chỉ được coi là "đối thủ cạnh tranh có hệ thống" với Anh, theo đánh giá tổng hợp về chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước này.

Niềm tin của London vào Bắc Kinh đã giảm sút kể từ phong trào biểu tình ở Hồng Kông vào năm 2019-2020, cùng đại dịch COVID-19 và sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các hoạt động quân sự của Nga.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện được công chúng Anh coi là mối đe dọa an ninh nổi bật thứ ba, sau biến đổi khí hậu và chủ nghĩa khủng bố, theo một cuộc khảo sát hàng năm của nhóm chính sách đối ngoại Anh thực hiện trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukriane. Vào thời điểm đó, gần một nửa số người tham gia khảo sát ở Anh đều coi Nga và Trung Quốc là những đối thủ nguy hiểm ngang nhau.

Trước khi nhậm chức, tân Thủ tướng Anh Liz Truss cho biết, bà sẽ cập nhật các chính sách quốc phòng, an ninh, thương mại và đối ngoại của Anh đã được xem xét vào năm ngoái. Động thái này được cho là sẽ giúp Anh tăng cường tham gia và hợp tác với các đồng minh ở châu Á, đồng thời có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại Nga và Trung Quốc. Bà cũng đã kêu gọi một "mạng lưới tự do" để tăng cường hợp tác với "các quốc gia cùng chí hướng" chống lại các quốc gia thù địch, và muốn phát triển các mối quan hệ kinh tế trên khắp Khối thịnh vượng chung Anh.

Tuy nhiên, với tình hình chiến sự căng thẳng ở Ukraine, chuyên gia Frances Burwell của tổ chức tư vấn Atlantic (Mỹ) cho rằng, vấn đề Trung Quốc và các vấn đề châu Á liên quan khó có thể được liệt kê trong danh sách chính sách đối ngoại ưu tiên của chính quyền bà Truss.

"Tôi cho rằng cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới”, ông Burwell nói

Một nhóm các nhà lập pháp bảo thủ Anh đã thúc đẩy lập trường mạnh mẽ hơn về công nghệ Trung Quốc cũng như vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, có khả năng sẽ đưa vấn đề Bắc Kinh trong chương trình nghị sự của thủ tướng. Họ đã vận động thành công việc loại Huawei ra khỏi các hệ thống viễn thông của Anh, đồng thời hy vọng sẽ cấm các công nghệ giám sát như Hikvision và Dahua, cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn liên quan tới các sự kiện tại Hồng Kông và Tân Cương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ Thủ tướng mới của Anh liệu có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc?