Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ hai đã thông qua một học thuyết chính sách đối ngoại mới dựa trên khái niệm "Thế giới Nga".
"Chính sách nhân đạo" dài 31 trang, được phát hành hơn sáu tháng sau cuộc chiến ở Ukraine, nói rằng Nga nên "bảo vệ, gìn giữ và thúc đẩy các truyền thống và lý tưởng của Thế giới Nga".
Mặc dù được trình bày như một loại chiến lược quyền lực mềm, nhưng nó chứa đựng những ý tưởng chính sách chính thức xung quanh chính trị và tôn giáo của Nga mà một số người theo đường lối cứng rắn đã sử dụng để biện minh cho việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine và ủng hộ các thực thể ly khai thân Nga.
Chính sách nêu: "Liên bang Nga hỗ trợ đồng bào của mình sống ở nước ngoài trong việc thực hiện các quyền của họ, để đảm bảo bảo vệ lợi ích của họ và bảo tồn bản sắc văn hóa Nga của họ".
Chính sách khẳng định rằng mối quan hệ của Nga với đồng bào của mình ở nước ngoài cho phép nước này "củng cố hình ảnh trên trường quốc tế như một quốc gia dân chủ đang phấn đấu tạo ra một thế giới đa cực".
Trong nhiều năm, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh điều mà ông coi là số phận bi thảm của khoảng 25 triệu người dân tộc Nga, những người sống bên ngoài nước Nga tại các quốc gia mới độc lập khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, một sự kiện mà ông gọi là một thảm họa địa chính trị.
Chính sách mới nói rằng Nga nên tăng cường hợp tác với các quốc gia Slavic, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời tăng cường hơn nữa quan hệ với Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Phi.
Chính sách cho biết Moscow nên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Abkhazia và Ossetia, hai khu vực của Gruzia được Moscow công nhận là độc lập sau cuộc chiến chống lại Gruzia năm 2008, cũng như hai thực thể ly khai ở miền đông Ukraine, Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng.
Từ học thuyết này, phương Tây cho rằng Nga tiếp tục coi không gian của Liên Xô trước đây, từ Baltics đến Trung Á, là phạm vi ảnh hưởng hợp pháp của mình. Đây là quan điểm bị nhiều nước phương Tây phản đối quyết liệt.