Nam diễn viên Hollywood nổi tiếng với loạt phim Kẻ hủy diệt và là cựu Thống đốc California, Arnold Schwarzenegger đã so sánh vụ bạo loạn do những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump gây ra ở tòa nhà Quốc hội với bạo lực của Đức Quốc xã với người Do Thái trong một video cá nhân được đăng trên Twitter.
Arnold Schwarzenegger, thành viên Đảng Cộng hòa và là nhà phê bình lâu năm với Trump, đã ví cuộc bao vây tại tòa nhà Quốc hội hôm 6.1 giống Kristallnacht (hay Đêm thủy tinh vỡ) khi các cơ sở và doanh nghiệp thuộc sở hữu của người Do Thái bị Đức quốc xã phá hủy năm 1938 và hàng chục người đã thiệt mạng.
“Họ không chỉ phá những cánh cửa của tòa nhà là nơi đặt nền dân chủ Mỹ. Họ đã chà đạp chính những nguyên tắc mà đất nước chúng ta được thành lập”, ông Arnold Schwarzenegger nói trong video được đăng trên tài khoản Twitter chính thức của mình hôm 10.1.
Rút ra từ những kinh nghiệm thời thơ ấu của mình ở Áo thời hậu chiến, Arnold Schwarzenegger cảnh báo về những mối đe dọa với nền dân chủ từ sự dối trá và không khoan dung, đồng thời thận trọng chống lại sự đồng lõa chính thống.
“Tôi lớn lên trong đống đổ nát của một đất nước bị mất nền dân chủ... Khi lớn lên, tôi bị vây quanh bởi những người đàn ông tàn tật uống rượu vì mặc cảm do họ đã tham gia vào chế độ xấu xa nhất trong lịch sử. Không phải tất cả họ đều là những người bài Do Thái hay Đức quốc xã. Nhiều người chỉ đi cùng, từng bước, xuống đường. Họ là những người hàng xóm", Arnold Schwarzenegger kể.
Năm nay 73 tuổi, Arnold Schwarzenegger khởi nghiệp là vận động viên thể hình trước khi nổi tiếng khắp thế giới thông qua các vai diễn trong các bộ phim như Running Man (Trốn chạy tử thần), Predator (Kẻ săn mồi) và The Terminator (Kẻ hủy diệt), tiết lộ rằng ông bị bạo lực gia đình dưới bàn tay của cha mình.
“Tôi chưa bao giờ chia sẻ điều này công khai vì đó là một kỷ niệm đau buồn. Nhưng bố tôi về nhà trong tình trạng say xỉn, một hoặc hai lần một tuần, ông ấy la hét và đánh chúng tôi và làm mẹ tôi sợ hãi. Tôi không bắt ông ấy phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vì hàng xóm cũng làm điều tương tự với gia đình họ và người hàng xóm kế bên cũng vậy. Tôi được nghe tận tai và thấy tận mắt”, cựu Thống đốc California kể thêm.
Schwarzenegger nói Trump sẽ được nhớ đến như tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ, đã “tìm cuộc đảo chính bằng cách đánh lừa mọi người qua những lời nói dối”.
Nam diễn viên kỳ cựu kêu gọi người Mỹ gác lại niềm tin chính trị và cùng nhau hàn gắn.
Trước đó, Chủ tịch Hạ viện - Nancy Pelosi và các đảng viên Dân chủ lo Trump dùng vũ khí hạt nhân, còn 10 cựu Bộ trưởng Quốc phòng sợ có đảo chính.
Hôm 8.1, Chủ tịch Hạ viện - Nancy Pelosi cho hay rằng bà đã nói chuyện với Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - sĩ quan quân đội cấp cao nhất của quốc gia, để "thảo luận về các biện pháp phòng ngừa có sẵn ngăn chặn một tổng thống không ổn định bắt đầu các hành động thù địch quân sự hoặc truy cập các mã khởi động và ra lệnh tấn công hạt nhân".
Trong cuộc gọi hội nghị, Nancy Pelosi nói với các đảng viên Dân chủ ở Hạ viện rằng bà "đảm bảo rằng có các biện pháp bảo vệ tại chỗ”.
Trong một lá thư riêng gửi Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ed Markey và Hạ nghị sĩ Mỹ Jim McGovern đã yêu cầu "cam kết không thực hiện bất kỳ mệnh lệnh nào do Tổng thống Donald Trump đưa ra về việc sử dụng vũ khí hạt nhân".
Với tư cách là tổng thống, Trump có quyền duy nhất về việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ, vốn có trong vai trò tổng tư lệnh theo hiến pháp của ông.
Trong khi các thành viên quân đội chỉ có nghĩa vụ thực hiện các mệnh lệnh hợp pháp từ tổng thống, "các câu hỏi về tính hợp pháp của mệnh lệnh... có nhiều khả năng dẫn đến tham vấn và thay đổi mệnh lệnh của tổng thống hơn là việc quân đội từ chối thực hiện”, một báo cáo vào tháng 12 của tổ chức tư vấn nội bộ Quốc hội cho biết.
Tổng thống Mỹ có thể tìm kiếm lời khuyên từ các cố vấn quân sự của mình nhưng không cần sự đồng tình.
“Thủ tục được thiết kế cho sự nhanh chóng và dứt khoát. Nó không được thiết kế để tranh luận về quyết định", Tướng Michael Hayden, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia, lưu ý vào năm 2016.
Quân đội Mỹ, trong đó Trump vẫn là tổng tư lệnh bất chấp những lời kêu gọi loại bỏ ông, đã bị đặt vào một vị trí bấp bênh ngay cả trước khi tình trạng hỗn loạn diễn ra vào ngày 6.1 ở Washington khi Quốc hội xác nhận chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử.
Trump nhiều lần tuyên bố rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp khỏi ông dù không thể chứng minh sự gian lận như vậy trước tòa.
Lời hùng biện của Tổng thống Trump cũng như việc cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Christopher Miller tạm thời thay thế, đã gây ra những lo lắng về một cuộc đảo chính, đủ nghiêm trọng để tất cả 10 cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn sống công bố ý kiến trong tờ Washington Post, cảnh báo rằng "liên quan đến quân đội trong các cuộc tranh chấp bầu cử sẽ dẫn đến mối nguy hiểm cho lãnh thổ".
Các cựu quan chức, bao gồm cả những người từng phục vụ trực tiếp dưới quyền Trump, đã kêu gọi Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller và cấp dưới của ông "kiềm chế, tránh bất kỳ hành động chính trị nào làm suy yếu kết quả bầu cử hoặc cản trở thành công của đội ngũ mới".