Một nghiên cứu của Trung Quốc phát hiện kháng thể vốn mang nhiệm vụ chống mầm bệnh như SARS-CoV-2 xâm nhập có thể khiến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
Nhóm nghiên cứu thuộc đại học Phúc Đán (Thượng Hải) ghi nhận một vài người trong số 222 bệnh nhân mà họ theo dõi có loại kháng thể đặc hiệu giúp vi rút xâm nhập tế bào miễn dịch. Kháng thể này được gọi bằng tên 7F3, xuất hiện ở 8% số ca triệu chứng nhẹ và 76% ca nặng đã bình phục.
Đây chính là hội chứng tăng phụ thuộc kháng thể (ADE) - kháng thể tạo ra thay vì vô hiệu hóa vi rút thì lại gắn kết rồi hỗ trợ chúng dễ dàng xâm nhập tế bào hơn - từng xuất hiện ở người mắc Zika, sốt xuất huyết hay SARS trước đây.
ADE có xu hướng xảy ra khi lượng kháng thể trong máu tương đối thấp. Với bệnh nhân sở hữu lượng kháng thể lớn thì kháng thể làm đúng nhiệm vụ.
Theo giáo sư Hoàng Cạnh Hà đứng đầu nhóm nghiên cứu đại học Phúc Đán: “Nguy cơ xảy ra ADE đem lại lo ngại cho việc sử dụng huyết tương hoặc kháng thể điều trị COVID-19”.
Dựa vào phát hiện trên, nhóm nghiên cứu kêu gọi các nhà phát triển vắc xin ngừa COVID-19 nên đánh giá xem sản phẩm của họ có kích thích hệ miễn dịch tạo ra 7F3 hay bất cứ loại kháng thể nào gây ADE hay không.
Liệu pháp huyết tương - truyền máu từ người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh (chứa kháng thể) cho người đang mắc bệnh nhằm đẩy nhanh tốc độ hồi phục - được đánh giá là phương pháp điều trị triển vọng. Song song đó, kháng thể đơn dòng điều chế bằng công nghệ sinh học cũng là một liệu pháp hứa hẹn khác.
Tuy nhiên vai trò của kháng thể khá phức tạp. Trước đó giới khoa học đã phát hiện kháng thể Immunoglobulin G (IgG) làm co sập đại thực bào dẫn đến phản ứng miễn dịch quá mức.
Mới đây, hãng dược Eli Lilly & Co thông báo tạm ngừng thử nghiệm lâm sàng kháng thể đơn dòng chữa COVID-19 do lo ngại về độ an toàn.