155 bức ảnh được nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong ghi lại trong thời gian Sài Gòn bị cách ly phong tỏa bởi đại dịch COVID-19. Đó cũng là hành trình đi qua khoảng thời gian đau thương nhất của thành phố này.
Năm 2020, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong ra mắt sách ảnh Sài Gòn COVID-19 và mở triển lãm ảnh cùng tên tại Đường sách TP.HCM. Những bức ảnh do anh thực hiện trong thời gian Sài Gòn khốn khó bởi đại dịch COVID-19 đã làm lay động trái tim biết bao người bởi sự chân thật gần gũi. Ảnh của Trần Thế Phong không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn rất thời sự, phản ảnh nhiều góc cạnh của cuộc sống dưới góc nhìn đầy nhân văn của người nghệ sĩ.
Năm 2021, làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ 4 tiếp tục càn quét Sài Gòn. Bất chấp hiểm nguy, Trần Thế Phong lại vác máy đi khắp hang cùng ngõ hẻm, bệnh viện, khu cách ly... để ghi lại những khoảnh khắc đau thương nhưng vẫn kiên cường của người dân Sài Gòn trong những ngày tháng ảm đạm ấy.
“Tôi đã lặng người bởi trong đời mình chưa bao giờ thấy và chứng kiến những hình ảnh đau thương, mất mát đến chạnh lòng như thế. Có nhiều người trong trong những giờ phút cuối đời đã ra đi lặng lẽ, không gia đình, bạn bè, người thân bên cạnh. Có những em bé mới chào đời, không được nằm trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời...
Chưa bao giờ Sài Gòn lạ như thế! Chưa bao giờ Sài Gòn được yêu thương nhiều đến vậy! Sài Gòn sẽ sớm ổn thôi, cho dù đau thương, gian nan đến mấy, cũng phải lạc quan, để cùng nhau bước qua những ngày tháng nghịch cảnh, biến cố”, Trần Thế Phong chia sẻ.
Cuốn sách ảnh Sài Gòn COVID-19 (năm 2021) gồm 155 tác phẩm ảnh được chọn lọc từ hơn 6.000 bức ảnh chụp trong vòng 5 tháng từ tháng 6 đến tháng 11.2021. Đó cũng chính là thời gian sự đi lại ở Sài Gòn vô cùng khó khăn bởi các quy định chống dịch của chính quyền sở tại, chưa kể việc phải đối diện với những nguy hiểm do sự lây lan của dịch bệnh. Để có một tấm “thẻ đi đường” cũng là một quá trình gian nan với biết bao nhiêu thủ tục giấy tờ nhiêu khê. Nhưng với sự quyết tâm và lòng nhiệt thành yêu nghề, tôn trọng sự thật, Trần Thế Phong đã vượt qua những trở ngại đó để ghi lại nhiều hình ảnh về cuộc sống, con người Sài Gòn trong những ngày khốn khó, thấm đẫm tình người.
Ảnh của Trần Thế Phong cho người xem thấy một Sài Gòn vắng vẻ, những chiếc xe cứu thương chạy trên đường vắng, ánh mắt sâu thẳm của một người phụ nữ sau rào kẽm gai, gương mặt căng thẳng của đội ngũ y bác sĩ khi chiến đấu giành lại sự sống cho bệnh nhân. Ở một góc khác, Trần Thế Phong cũng cho chúng ta thấy được sự bao dung che chở bảo bọc nhau của người Sài Gòn khi họ cho nhau từng bó rau cân gạo hộp cơm...
“Tôi muốn chạm vào cảm xúc của người xem một cách vừa đủ, nghĩa là từng bức ảnh vẫn cho thấy đau thương thật nhưng chúng không quá nặng nề đến mức gây ám ảnh. Dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát và đây là thời điểm gần tròn một năm Sài Gòn trải qua năm tháng khốn cùng của đau thương nhưng lấp lánh tình thương. Đây là dịp để mọi người nhìn lại một lần nữa những gì đã trải qua, để nguyện cầu cho những người không may rời cõi tạm được thanh thản, để người còn sống nén nỗi đau mà bước tiếp hành trình của mình. Thành phố và lòng người đang dần hồi sinh, đó là điều may mắn”, nhiếp ảnh gia Thế Phong bộc bạch.
Sách ảnh Sài Gòn COVID-19 (2021) không đơn thuần tập hợp hình ảnh, tái hiện hành trình tác nghiệp đặc biệt của nhiếp ảnh gia Thế Phong mà đây là thành quả tâm huyết được trưng bày đẹp mắt với dụng ý nghệ thuật về sắp đặt, bố cục. Trong 155 bức ảnh, nhiều tác phẩm được đưa về màu đen trắng, ở một số nhóm chủ đề cần độ lắng về cảm xúc. Anh để ra nhiều khoảng trắng như khoảng nghỉ của thị giác để tiếp sau đó, người xem đi đến nhiều cung bậc của suy tư hơn.
Đây cũng là cuốn sách ảnh “nhiều chữ nhất” của nhiếp ảnh gia Thế Phong bởi trong đó anh đưa vào những chia sẻ thật tâm của các cá nhân đang công tác tại ngành nghề, họ có những trải nghiệm khác nhau trong cao điểm dịch tại Sài Gòn, từ bác sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia, cô con gái không may có ba mẹ qua đời vì COVID-19...
Triển lãm Sài Gòn COVID-19 của Trần Thế Phong khai mạc lúc 18 giờ ngày 15.4, kéo dài đến ngày 20.4 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97 Phó Đức Chính, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1). Tại buổi khai mạc, Ban Tổ chức sẽ thực hiện chương trình tưởng niệm các nạn nhân qua đời do COVID-19.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Tính luôn tập sách và triển lãm ảnh Sài Gòn COVID-19, đến nay anh đã tổ chức 17 triển lãm và ra mắt 11 cuốn sách ảnh.
Một số triển lãm ảnh trong nước và quốc tế đáng chú ý như: Hướng về miền Trung (tháng 11.2020); Sài Gòn COVID-19 (tháng 10.2020); Nhịp sống Sài Gòn (9.2019); Chân dung (6.2018); Mưu sinh (6.2017); 45 ngày tại Thụy Sĩ (7.2016); Ánh sáng cuộc sống (8.2015); Vượt qua bóng tối (4.2014); Gánh (2.2011)...
Những tập sách ảnh đã xuất bản: Sài Gòn COVID-19 (10.2020); Nhịp sống Sài Gòn (8.2019); Chân dung (6.2018); Mưu sinh (5.2017); 45 ngày tại Thụy Sĩ (7.2016); Ánh sáng cuộc sống (8.2015); Vượt qua bóng tối (4.2014); Những nẻo đường tuổi thơ (5.2012); Gánh (5.2011).
Trần Thế Phong sở hữu trên 200 giải thưởng về ảnh nghệ thuật và báo chí trong và ngoài nước. 13 lần giải thưởng ảnh báo chí thành phố và quốc gia, 12 lần giải thưởng xuất sắc quốc gia (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN) Giải thưởng lớn-Grand-Prix (Nhật Bản), 3 huy chương vàng Trierenberg Super Circuit (Áo), 5 huy chương Asahi Shimbun (Nhật Bản).