Theo ông Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Chương trình hỗ trợ liên minh vận động chính sách, Tổ chức Oxfam, nếu không cho các hội nhận tài trợ thì sẽ đi ngược với xu thế hội nhập mà Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai trong vòng 30 năm nay. Hơn nữa, bỏ bao cấp mà không cho liên kết với nước ngoài thì khác gì "cắt đường sống" của các hội.
Sáng 25.10, trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Hội. Tại đây, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn đối với quy định tại Khoản 5 Điều 8 rằng: Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), quy định này nên được bỏ hẳn. Bởi vì hiện nay có rất nhiều hội phải có sự liên kết, ví dụ như Hội Chữ thập đỏ, vai trò của các tổ chức nước ngoài đã thể hiện rất rõ trong hoạt động của Hội này.
“Chúng ta hoàn toàn yên tâm ở chỗ trong điều cấm đã nêu rất rõ những trường hợp bị cấm, những cái gì xấu, lo lắng đã cấm rồi. Nên tôi đề nghị bỏ là hợp lý" – ông Phương nói.
Đồng tình với điều này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, quy định này là khiên cưỡng bởi có rất nhiều hội cần phải liên kết. Ví dụ như trường hợp liên kết của Hội Chữ thập đỏ, những viện trợ từ các tổ chứcnước ngoài nhất làvề thuốc men rất cần thiết.
Bên cạnh đó, ông Trí cũng cho rằng, quy định này cũng sẽ ảnh hưởng, khó khăn cho các nhà khoa học hiện nay đang được giúp đỡ để dự hội nghị, nghiên cứu ở nước ngoài.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) cũng bày tỏ rằng, việc quy định không cho phép nhận tài trợ của nước ngoài với các tổ chức hội là quá cứng nhắc. Nên chăng, chỉ áp dụng việc không nhận tài trợ gây phương hại đến an ninh chính trị, ảnh hưởng đến xã hội. Còn đối với các tài trợ đúng với tôn chỉ, hoạt động mục đích của hội nên cho phép.
Còn theo đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ), việc nhận tài trợ nước ngoài là câu chuyện rất nhạy cảm, tuy nhiên, quy định này cần phải mềm dẻo hơn.
“Hội Luật gia chúng tôi đã là thành viên hiệp Hội luật gia của thế giới, cũng nhận tài trợ của một số tổ chức, nhưng đó là để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, chứ không phải để bảo vệ quyền lợi của hội viên. Ví dụ vấn đề biển đảo vừa rồi, chúng tôi tranh thủ sự ủng hộ của luật sư thế giới. Thiết nghĩ, cần quy định mềm dẻo hơn, để vừa quản lý được, vừa mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế." – Đại biểu Cần Thơ cho hay.
Do đó, ông Quyền nhấn mạnh, trong khoản 5, Điều 8, tôi nghĩ, nên quy định mềm dẻo hơn để chúng ta có thể vừa quản lý được các hoạt động này. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chủ trương mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Phạm Quang Tú, Trưởng nhóm Chương trình hỗ trợ liên minh vận động chính sách, Tổ chứcOxfam cho rằng, quy định ở Khoản 5 Điều 8, đi ngược lại với những quy định trước của chúng ta.
Theo ông Tú, tất cả các quy định từ Hiến pháp trở đi đều nói rằng Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các nước, huy động mọi nguồn lực để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Nếu không cho các hội nhận tài trợ thì sẽ đi ngược với xu thế hội nhập mà Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai trong vòng 30 năm nay.
Hơn nữa, theo ông Tú, quy định này cũng mâu thuẫn với một số quy định trong chính dự thảo Luật về Hội, điển hình là quy định hội phải tự trang trải kinh phí.
Ông Tú cho biết, tại rất nhiều hội thảo, cơ quan quản lý nhà nước vẫn luôn nói rằng cần phải giảm bao cấp cho các hội. Các địa phương cũng rất lo lắng là cứ mỗi hội thành lập thì lại xin kinh phí, xin biên chế. Thế nên quy định hội phải tự trang trải kinh phí hoạt động là hoàn toàn phù hợp.
“Thế nhưng, tại điều 8 lại quy định hội không được nhận tiền của các tổ chức nước ngoài thì hóa ra một mặt Nhà nước cắt giảm kinh phí, một mặt không cho họ huy động kinh phí từ bên ngoài thì rõ ràng chúng ta đang cắt đi đường sống của hội. Do đó, hội có thành lập nên cũng không có nhiều kinh phí để hoạt động, sống cũng như chết” – ông Tú nhấn mạnh.
Do vậy, ông Tú cho rằng cần phải bỏ quy định này để thông thoáng hơn cho việc hoạt động của các hội.
Trí Lâm