Viêm sinh dục được chẩn đoán khi có hiện tượng viêm nhiễm trên bất kỳ bộ phận nào của cơ quan sinh dục và được chia làm 2 nhóm viêm sinh dục trên bao gồm phần trên cổ tử cung (tử cung, vòi trứng và buồng trứng) và viêm sinh dục dưới bao gồm cổ tử cung, âm đạo và âm hộ.
Viêm sinh dục dưới, ngược lại là một tình trạng nhẹ nhàng hơn, thường ít để lại di chứng, bệnh dễ chữa nhưng cũng dễ bị nhiễm và dễ bị tái phát. Thường gặp nhất là viêm âm đạo do các tác nhân như nấm, vi trùng, trùng roi. Ngoại trừ bệnh nhiễm trùng roi xảy ra do lây qua quan hệ tình dục, các trường hợp còn lại đều có thể xảy ra trên người độc thân hay đã kết hôn, có hay không có quan hệ tình dục.
Đa số các trường hợp viêm âm đạo sẽ có tình trạng huyết trắng gia tăng, có mùi và màu bất thường, gây khó chịu (ngứa, rát, nóng bỏng); có thể đi kèm với tình trạng nhiễm trùng đường tiểu dưới (tiểu gắt buốt, tiểu nhiều lần hay khó tiểu, tiểu đục, nước tiểu có mùi hôi hay lợn cợn). Có thể dùng các loại thuốc đặt âm đạo có kèm hay không kèm thuốc uống để điều trị. Vệ sinh phụ nữ thường ngày và trong giai đọan kinh nguyệt sẽ giúp ngăn ngừa tốt viêm sinh dục dưới.
Vùng da quanh âm hộ và hậu môn cũng có thể bị viêm nhiễm do cùng tác nhân với viêm âm hộ, âm đạo, hay là do các tác nhân nhiễm trùng trên da. Có thể gặp các trường hợp nhiễm trùng mụn mủ, nhiễm trùng nang lông, hắc lào hay nấm da. Tùy bệnh lý có thể dùng thuốc bôi tại chỗ có kèm thuốc uống hay không.
Có 2 bệnh lý khá đặc biệt: Herpes sinh dục biểu hiện bởi bóng nước xuất hiện trên vùng sinh dục, bóng nước vỡ và rất đau, lây lan rất nhanh, có thể kèm nóng sốt; Mồng gà âm hộ (có thể xuất hiện trên âm đạo và cổ tử cung) biểu hiện bởi các nốt sùi, phát triển nhanh và gây ngứa rát. Đây là bệnh lây qua đường tình dục. Viêm cổ tử cung, ở vùng cổ ngoài có thể xếp là viêm sinh dục dưới, ngược lại nếu xảy ra ở vùng cổ trong, có liên đới với niêm mạc lòng tử cung và có thể lây lan ngược dòng lên trên, do đó, được xem là viêm sinh dục trên. Vòng tránh thai, không gây ra tình trạng viêm nhiễm sinh dục, tuy nhiên khi nghi ngờ có viêm nhiễm sinh dục trên, nếu đang sử dụng vòng thì nên lấy vòng ra ngay và có điều trị tích cực kịp thời.
Tình trạng cổ tử cung lộ tuyến, không được xem là viêm nhiễm cổ tử cung. Tuy nhiên vùng lộ tuyến thường có nhiều tế bào non, yếu ớt trước những tác nhân gây bệnh qua đường tình dục, cũng như tình trạng tăng tiết dịch cổ tử cung khi có lộ tuyến sẽ làm gia tăng khả năng viêm âm đạo (do thay đổi môi trường âm đạo) cũng như làm người phụ nữ khó chịu.
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây viêm nhiễm sinh dục, thường là viêm đường sinh dục trên (có thể kết hợp viêm sinh dục dưới), như bệnh lậu, giang mai, bệnh hạ cam mềm – hột xoài, hạch sinh dục, nhiễm trùng roi (Trichomonas), u nhú sinh dục … Trong trường hợp này cần điều trị kết hợp cả người chồng/bạn tình để tránh lây nhiễm ngược lại.
Tóm lại không nên chủ quan với tình trạng viêm nhiễm sinh dục do khả năng để lại hậu quả trên khả năng sinh sản của tình trạng viêm sinh dục trên hay khả năng dễ tái phát, tái nhiễm của bệnh lý viêm sinh dục dưới.
ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh, BS.CKII Lê Kim Bá Liêm – Bv Hùng Vương