Trung Quốc giàu mạnh hơn, trang bị vũ khí hiện đại và sẽ không nhượng bộ Mỹ, tiếp sau thông tin Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi có thể đến thăm Đài Loan.
Theo hãng tin AP, hồi 25 năm trước, Bắc Kinh đành phải nuốt xuống sự khó chịu, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là ông Newt Gingrich thăm Đài Loan trong 3 ngày hồi năm 1997. Một tuần trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Al Gore thăm Bắc Kinh.
Lúc đó, Bắc Kinh đang có nhưng mối quan tâm khác, ví dụ chính phủ Trung Quốc dưới quyền lãnh đạo của ông Giang Trạch Dân đang chuẩn bị thu hồi Hồng Kông sau 150 năm làm nhượng địa của Anh.
Còn ông Gingrich là người thúc đẩy quan hệ thân cận hơn giữa Mỹ với Trung Quốc, đã giúp Trung Quốc thôi bị cô lập ngoại giao bằng cách gặp ông Giang Trạch Dân tại Bắc Kinh.
Từng là người chỉ trích Bắc Kinh quyết liệt nhất về vấn đề Đài Loan, ông Gingrich quay ra khen sự phát triển kinh tế của Trung Quốc dưới thời ông Giang Trạch Dân. Ông cũng đề cập những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc điều hành Hồng Kông sau khi thu hồi.
Ông Gingrich còn nói Quốc hội Mỹ ủng hộ Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ miễn là mục tiêu thống nhất được tiến hành một cách hòa bình.
Ông Gingrich đã hy vọng Trung Quốc-Đài Loan sẽ trở thành một quốc gia thống nhất, đồng thời cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rằng “chúng tôi sẽ bảo vệ Đài Loan”, nhưng họ đáp lại rằng Bắc Kinh không có ý định tấn công.
Thế lực Trung Quốc phát triển, giúp Bắc Kinh cứng rắn với Đài Loan
Từ đó, Trung Quốc tránh được một xung đột với Washington. Nhưng 25 năm sau, tình hình đã thay đổi hẳn, với Trung Quốc ngày nay giàu mạnh hơn đồng thời phát triển nguồn lực quân sự.
Trung Quốc đã vượt qua Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc cũng là số 2 sau Mỹ, với 293 tỉ USD vào năm 2021 tiếp sau chuỗi 27 năm tăng chi, theo Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm.
Trung Quốc đã chi hàng trăm tỉ USD để phát triển chiến đấu cơ, tàu ngầm, tàu sân bay cùng các vũ khí công nghệ cao. Trung Quốc còn đang nghiên cứu các tên lửa “sát thủ tàu sân bay” vốn được cho là có thể ngăn chặn hải quân Mỹ bảo vệ Đài Loan nếu xảy ra chiến tranh.
Nền kinh tế lớn và vai trò của Trung Quốc đối với thế giới cũng cho Bắc Kinh một công cụ ngoại giao để bày tỏ sự phẫn nộ đối với Washington.
Mỹ-Trung hiện đã bất đồng về các vấn đề thương mại, Hồng Kông cùng việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bối cảnh chính trị cũng thay đổi từ khi ông Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực trong 10 năm qua, và ông muốn phục hồi lịch sử quang vinh của Trung Quốc gồm tăng sức ép lên Đài Loan.
Thời gian gần đây, Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tăng số chiến đấu cơ và máy bay ném bom bay gần Đài Loan để dọa nạt.
Tiêm kích Trung Quốc sẽ cản trở máy bay chở bà Pelosi đến Đài Loan ?
Bắc Kinh đã tỏ quan điểm cứng rắn đối với Đài Loan, cảnh báo sẽ đánh chiếm Đài Loan nếu không đạt được tiến bộ trong đàm phán nhằm thống nhất Hoa lục với Đài Loan.
Bà Pelosi chưa xác nhận chuyến đi Đài Loan, và cho biết bà “không bao giờ thảo luận về kế hoạch đi lại của tôi. Đó là vấn đề an ninh”.
Dù vậy, Bắc Kinh cảnh báo sẽ sử dụng các “biện pháp mạnh mẽ” gồm hành động quân sự nếu bà đến Đài Loan.
Ngày 26.7, người phát ngôn Đàm Khắc Phi của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói Mỹ “không được thu xếp cho bà Pelosi thăm Đài Loan, vì nó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời gây tổn hại sâu sắc cho quan hệ Trung Quốc-Mỹ”.
Ông Đàm tuyên bố : “Nếu Mỹ kiên quyết thực hiện các hành động của mình, quân đội Trung Quốc sẽ không bao giờ để yên và chắc chắn sẽ có những hành động mạnh mẽ để ngăn chặn bất cứ sự can thiệp nào của thế lực bên ngoài”.
Ông còn nói bà Pelosi là “nhân vật số 3 trong chính phủ Mỹ”, tính theo vị trí của bà trong khả năng thừa nhiệm chức tổng thống. Điều này ngụ ý Bắc Kinh xem bà Pelosi là cấp dưới của Tổng thống Joe Biden, chứ không là lãnh đạo của một trong 3 nhánh độc của chính quyền Mỹ là lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Theo các nguồn tin của báo Financial Times cho biết ngày 23.7, các biện pháp quân sự của Trung Quốc có thể gồm ngăn máy bay chở bà Pelosi hạ cánh ở Đài Loan, hoặc điều máy bay tiêm kích áp sát, cản trở máy bay chở bà.
Các quan chức Mỹ nói chính phủ nghi ngờ khả năng Trung Quốc có phản ứng trực tiếp đối với bản thân bà Pelosi hoặc cố gắng phá hoại chuyến thăm của bà. Nhưng họ không loại trừ khả năng Trung Quốc leo thang căng thẳng bằng các chuyến bay quân sự trong và gần vùng tuần tra không-hải quân ở Eo biển Đài Loan nếu diễn ra chuyến thăm này.
Các quan chức Mỹ đã nói với AP rằng nếu bà Pelosi thực hiện chuyến thăm, thì quân đội Mỹ có thể dùng chiến đấu cơ, tàu chiến cùng các lực lượng khác để bảo vệ chuyến bay của bà.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói : “Nếu được yêu cầu, chúng tôi sẽ thực hiện các việc nhằm bảo đảm một chuyến thăm an toàn”.
Ngày 19.7, Tổng thống Biden cho biết “quân đội cho rằng chuyến thăm của bà Pelosi hiện không phải là một ý tưởng hay”, nhưng ông không nói bà không nên đi thăm Đài Loan.
Hiện chính phủ Mỹ muốn đạt được sự hợp tác của Trung Quốc ở các lĩnh vực chống thay đổi thời tiết, chống dịch bệnh COVID-19 cùng các thách thức cấp toàn cầu.
Ông Lưu Giang Vĩnh, Giáo sư khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) nói một chuyến thăm Đài Loan có thể sẽ gây tổn hại lâu dài cho quan hệ Trung- Mỹ: “Cho phép diễn ra một chuyến thăm sẽ tác động độ tin cậy trong các lời hứa mới đây của chính phủ Biden. Các cuộc đối thoại giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình về các vấn đề khác có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.