Chính phủ Trung Quốc năm 2017 ngỏ ý bỏ ra 100 triệu USD xây một khu vườn Trung Quốc bên trong Vườn ươm quốc gia Mỹ tại Washington D.C.
Dự án trên giấy trông rất tuyệt vời, khiến giới chức địa phương phấn khích và hy vọng đây sẽ là điểm đến thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi năm.
Tuy nhiên, đội ngũ tình báo Mỹ khi tìm hiểu chi tiết dự án đã phát hiện rất nhiều điểm đáng báo động. Ngôi chùa cao 21 mét thuộc dự án tọa lạc trên một trong những địa điểm cao nhất ở Washington D.C, chỉ cách Điện Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ) hơn 3 km – nơi hoàn hảo để thu thập dữ liệu tình báo, theo nhiều nguồn tin của CNN.
Đáng chú ý không kém là phía Trung Quốc muốn xây dựng ngôi chùa bằng vật liệu chuyển sang theo diện “túi ngoại giao”, nhân viên hải quan Mỹ không thể tiến hành kiểm tra. Kết quả là giới chức liên bang âm thầm hủy bỏ dự án trước lúc nó được khởi công.
Việc hủy bỏ dự án xây dựng khu vườn trên là một trong nhiều hoạt động phản gián mà FBI cùng một số cơ quan liên bang khác thực hiện nhằm đối phó hoạt động gián điệp ngày càng tăng của Trung Quốc trên đất Mỹ.
Kể từ năm 2017, giới chức liên bang đã bắt đầu điều tra hàng loạt thương vụ cá nhân/tổ chức Trung Quốc mua đất gần cơ sở hạ tầng quan trọng, đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, nơi được cho là mắt xích quan trọng trong mạng lưới gián điệp của Bắc Kinh, cũng như ngăn cản nỗ lực đặt thiết bị gián điệp gần căn cứ quân sự lẫn cơ quan nhà nước nhạy cảm.
Một trong những thứ đáng báo động mà FBI phát hiện là thiết bị Huawei lắp trên các tháp mạng di động đặt gần căn cứ quân sự Mỹ ở vùng Trung Tây. Nguồn tin cho biết FBI xác định thiết bị Huawei có khả năng thu thập hoặc làm gián đoạn liên lạc bí mật của Bộ Quốc phòng Mỹ gồm cả liên lạc từ Bộ Chỉ huy chiến lược (STRATCOM) phụ trách giám sát vũ khí hạt nhân.
Không rõ giới tình báo Mỹ có ghi nhận được bất cứ dữ liệu nào bị nghe lén và gửi sang Trung Quốc hay không. Nguồn tin cho biết về mặt kỹ thuật rất khó chứng minh dữ liệu bị lấy cắp chuyển ra nước ngoài.
Dù giới chức Trung Quốc lẫn Huawei liên tục phủ nhận, nhưng nhiều nguồn tin khẳng định thiết bị Huawei chắc chắn không chỉ chặn được dữ liệu di động dân sự mà còn cả liên lạc quân sự quan trọng – giúp Bắc Kinh nắm thông tin về kho vũ khí hạt nhân Mỹ.
Theo một cựu nhân viên FBI: “Điều này liên quan đến một số công việc nhạy cảm mà chúng tôi thực hiện. Nó có thể tác động đến năng lực chỉ huy và kiểm soát lực lượng hạt nhân. Sẽ rất tồi tệ nếu liên lạc bị gián đoạn”.
Phát hiện chấn động trên là một bước ngoặt. Mùa thu năm 2019, Ủy ban Viễn thông liên bang Mỹ (FCC) ra quy định cấm các hãng viễn thông nhỏ sử dụng thiết bị sản xuất bởi vài đơn vị Trung Quốc trong đó có Huawei.
Năm 2020, Quốc hội Mỹ thông qua gói tài chính 1,9 tỉ USD hỗ trợ loại bỏ công nghệ di động Huawei và ZTE tại nhiều vùng nông thôn. Nhưng 2 năm qua chưa có thiết bị nào bị loại bỏ trong lúc các hãng viễn thông hoạt động ở nông thôn vẫn đang chờ tiền bồi thường từ cơ quan liên bang. FCC nhận đơn yêu cầu loại bỏ khoảng 24.000 thiết bị liên lạc do Trung Quốc sản xuất, số tiền dùng cho việc bồi thường thiếu đến hơn 3 tỉ USD.
Không được Quốc hội Mỹ cấp thêm, FCC lên kế hoạch chỉ bồi thường 40% chi phí loại bỏ thiết bị Huawei. Chưa rõ thời gian giải ngân là lúc nào.
Sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra riêng để xác định xem có cần hành động khẩn cấp để loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng lưới viễn thông Mỹ hay không. Tiến độ điều tra khá chậm chạp.
Tùy thuộc vào những gì Bộ Thương mại Mỹ điều tra được, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có thể sẽ bị buộc phải nhanh chóng bỏ thiết bị Huawei hoặc bị phạt.
Thời gian gần đây giới tình báo Mỹ ưu tiên công khai mối đe dọa từ công nghệ Trung Quốc. Trung tâm Phản gián và An ninh quốc gia (NCSC) trong tháng qua cảnh báo doanh nghiệp, giới chức địa phương về nỗ lực thao túng và gây ảnh hưởng đến chính sách Mỹ mà Trung Quốc đang thực hiện.
Giám đốc FBI Christopher Wray kêu gọi chú ý đến mối đe dọa Trung Quốc. Ông nói với CNN rằng cơ quan này mở khoảng 2.000 cuộc điều về hoạt động gián điệp Trung Quốc, chưa tính điều tra về hành vi đánh cắp dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp Mỹ trên không gian mạng.
"Bài ngoại" quá mức?
Dù đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn, chính phủ Mỹ lại chẳng đưa ra bằng chứng gì cho thấy thiết bị Huawei đem lại rủi ro cho an ninh quốc gia, khiến không ít người phê bình Washington bài ngoại quá mức. Họ cũng cho rằng phạm vi điều tra quá rộng, nhắm vào cả tổ chức học thuật.
Gần đây, một thẩm phán liên bang tuyên trắng án một cựu giáo sư kỹ thuật Đại học Tennessee bị Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố với cáo buộc ông che giấu quan hệ với Trung Quốc lúc thực hiện dự án do NASA tài trợ có hợp tác với một đại học Trung Quốc.
Ngày 20.7, Bộ Tư pháp Mỹ bỏ cáo buộc che giấu quan hệ với Trung Quốc với một giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với lý do không thể chứng minh được việc này.
Công nghệ Trung Quốc tại vùng nông thôn
Suốt nhiều năm, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhỏ ở nông thôn lắp đặt bộ định tuyến và một số thiết bị Trung Quốc giá rẻ khác trên số tháp mạng di động dọc theo tuyến đường liên bang số 25 cùng nhiều nơi khác. Dùng sản phẩm Huawei rẻ nhưng chất lượng tốt là cách duy nhất để phủ sóng được gần như toàn bộ vùng phía tây nước Mỹ.
Cuối năm 2011, nhà mạng Viaero ký hợp đồng mua thiết bị Huawei để nâng cấp lên mạng 3G. Một thập kỷ sau công nghệ Huawei đã có mặt trên toàn bộ 1.000 tháp mạng di động Viaero trải rộng trên 5 tiểu bang.
Giới chức liên bang bắt đầu chú ý khi thiết bị Huawei xuất hiện gần căn cứ quân sự Mỹ. Điều đặc biệt đáng quan tâm là ở một số trường hợp Huawei dường như bán thiết bị không vì lợi ích kinh tế mà để tiếp cận cơ sở quân sự.
FBI qua điều tra xác định thiết bị Huawei có thể nhận ra và làm gián đoạn tần số liên lạc mà Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng.
Ngoài ra, còn một mối lo ngại khác. Năm 2014, Viaero bắt đầu lắp đặt camera độ phân giải cao trên hệ thống tháp mạng di động. Camera thu thập thông tin thời tiết và giao thông cung cấp cho các đơn vị truyền thông địa phương, nhưng cũng có thể vô tình ghi lại hoạt động của khí tài và quân nhân Mỹ.
Giám đốc điều hành Viaero Frank DiRico thừa nhận trong phạm vi nhà mạng phủ sóng có một số hầm tên lửa, nhưng ông chưa hề nhận được yêu cầu loại bỏ thiết bị nào cả. Ông biết về lo ngại xung quanh thiết bị Huawei qua báo chí chứ không phải từ FBI.
Cũng theo giám đốc DiRico, Viaero giám sát rất kỹ mạng di động của mình. Công ty tự thực hiện hỗ trợ và bảo trì mạng ngay sau khi Huawei lắp đặt thiết bị.
Khi điều tra về tháp mạng di động dọc tuyến đường liên bang số 25 được báo cáo cho Nhà Trắng vào năm 2019, giới tình báo Mỹ bắt đầu chú ý đến những nơi khác mà Trung Quốc có thể mua đất hoặc đề nghị phát triển bất động sản. Từng có thỏa thuận thương mại rủi ro cao, xây dựng gần cơ sở thử vũ khí nhạy cảm ở bang Utah bị ngăn chặn.
Cựu Giám đốc NCSC Bill Evanina cho biết đôi lúc rất khó phân biệt giữa hoạt động kinh doanh hợp pháp và hoạt động gián điệp, đôi lúc vì chúng diễn ra cùng thời điểm.
Cũng vào năm 2019, FCC ra lệnh các nhà mạng nhận trợ cấp liên bang cung cấp dịch vụ di động ở vùng xa như Viaero phải thay thế thiết bị Huawei và ZTE. Việc thực hiện gặp khó vì Quốc hội không cấp thêm kinh phí đền bù.
Giám đốc DiRico than phiền công tác thay thiết bị rất tốn kém, số tiền đền bù sẽ không thể bù đắp đủ nhưng Viaero sẽ bắt đầu thực hiện từ năm tới.
Một số cựu quan chức tình báo thấy thất vọng khi chính phủ Mỹ không hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp cùng giới chức địa phương biết cách cân nhắc đầu tư từ Trung Quốc. Họ tin rằng làm vậy không những giúp doanh nghiệp cùng giới chức địa phương hiểu được mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa trên, mà còn góp phần phản bác luận điệu Washington đang nhắm vào cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc chứ không phải hoạt động gián điệp Trung Quốc.