Là dự án chiến lược quy mô lớn nhất từ trước tới nay, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại KKT Dung Quất do Tập đoàn Hòa Phát làm chủ đầu tư đang được triển khai theo đúng tiến độ.
Tính đến tháng 10.2017, Công ty cổ phầnThép Hòa Phát Dung Quất đã chốt xong tất cả các hạng mục chính với các đối tác hàng đầu thế giới về cung cấp: khí công nghiệp (Messer, Đức); lò cao (Danieli Corus – Ý), nhà máy luyện thép (Tập đoàn SMS Group – Đức), nhà máy cán thép, máy đúc phôi, dây chuyền thép dẹt cán nóng (Danieli - Ý)...
Theo kế hoạch đẩy mạnh thị trường phía nam, Tập đoàn Hòa Phát sẽ ưu tiên đưa hạng mục nhà máy cán thép dài vào vận hành trước. Đối tác Danieli đảm bảo dây chuyền cán thép đầu tiên của dự án sẽ hoàn thành và chạy thử vào tháng 6.2018 và dây chuyền cán thép thứ 2dự kiến được hoàn thành sau đó 6 tháng.
Thực tế trên cho thấy, Tập đoàn Hòa Phát đã thể hiện rõ quyết tâm thực hiện dự án như đã cam kết với tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ trong vòng nửa năm, dự án vốn bị Tập đoàn Quảng Liên Đài Loan (TQ) làm đình trệ hơn 10 năm trước đã tiến triển nhanh chóng kể từ khi được chuyển giao cho Hòa Phát.
Lò đốtoxy tiên tiến của châu Âu giúp thép Hòa Phát luôn có chất lượng cao nhất
Dự kiến toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019 và khi đi vào hoạt động ổn định sẽ đem lại doanh thu khoảng 2 tỉ USD, tạo công ăn việc làm cho 8.000 lao động. Dự án sẽ góp phần tăng đáng kể sản lượng công nghiệp, dịch vụ, đóng góp cho ngân sách 4.000 tỉ đồng mỗi năm sau khi hoạt động hết công suất. Quan trọng hơn, dự án sẽ tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương phát triển, tích cực đồng hành cùng tỉnh Quảng Ngãi trong lộ trình tăng tốc và cán đích mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, ôngTrần Tuấn Dương cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Mặc dù Hòa Phát mới bắt tay triển khai dự án tại Quảng Ngãi nhưng luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền của tỉnh, giúp dự án được thực hiện đúng tiến độ đề ra”.
Được chia làm 2 giai đoạn, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52.000 tỉ đồng, công suất 4 triệu tấn/năm với các sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và thép cuộn cán nóng; sử dụng công nghệ lò cao khép kín theo mô hình Hòa Phát đã triển khai thành công tại tỉnh Hải Dương, nhưng trình độ vượt trội hơn, thiết bị hiện đại hơn được nhập khẩu từ các nước G7. Theo tập đoàn Hòa Phát, đây là công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, thân thiện với môi trường. Sản xuất than cốc sử dụng công nghệ dập cốckhô, thu hồi hoàn toàn nhiệt và khí thải, triệt tiêu sản phẩm phụ để phát điện, phục vụ trở lại sản xuất. Toàn bộ nguồn nước sản xuất cũng được sử dụng tuần hoàn, không xả ra môi trường.
Mẻ thép cuộn ở Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương ra lò
Ngoài ra, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu chuyên dùng cho phép tàu trọng tải đến 150.000 tấn cập bến, giúp Hòa Phát dễ dàng vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra đi các thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, với sản phẩm thép cuộn cán nóng, Hòa Phát sẽ trở thành doanh nghiệp thép đầu tiên của Việt Nam sản xuất được loại thép này.
Nằm ở vị trí trung điểm của Việt Nam, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, KKT Dung Quất có tổng diện tích trên 45.000 ha, là KKT tổng hợp, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển các tổ hợp công nghiệp nặng, các dự án quy mô lớn… gắn với khai thác và phát triển cảng biển nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai.
Với hệ thống hạ tầng đã được đầu tư cơ bản, gồm: các tuyến giao thông trục chính trong đô thị Vạn Tường và các khu công nghiệp; hệ thống cảng biển (3 cảng tổng hợp, 4 cảng chuyên dùng); hệ thống thoát nước mưa và thu gom xử lý nước thải; khu xử lý chất thải rắn; hệ thống cấp điện, cấp nước, bưu chính viễn thông, phòng cháy chữa cháy; trường cao đẳng kỹ nghệ; bệnh viện; trung tâm truyền hình, văn hóa, thể thao, lâm viên Vạn Tường và các khu tái định cư,… Đến nay KKT Dung Quất đã thu hút hơn 10,2 tỉUSD vốn đăng ký đầu tư; trong đó vốn thực hiện đạt khoảng 6 tỉUSD.
Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có các KCN như Tịnh Phong, Quảng Phú, Phổ Phong với tổng diện tích trên 540ha. Các KCNQuảng Ngãi đã thu hút được 99 dự án đầu tư với vốn đăng ký trên 6.877 tỉđồng.
Vượt lên những khó khăn, thách thức, đến nay KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đạt được kết quả khả quan, khẳng định vai trò hạt nhân tăng trưởng đối với nền kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ngãi khi đóng góp khoảng 90% sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh. Đây chính là động lực để KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị – công nghiệp – dịch vụ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước.
Hiện nay, với sự xuất hiện của nhiều nhân tố mới, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có quymô lớn như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu công nghiệp đô thị Dung Quất, Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầuDung Quất; các dự án thuộc lĩnh vực điện – khí,… cùng với việc môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mở ra cơ hội để KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi tiếp tục phát triển.
Để tạo động lực cho KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi phát triển, bên cạnh các cơ chế chính sách được áp dụng ở mức cao nhất (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, đất đai,…), tỉnh Quảng Ngãi ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư (đào tạo nghề, xúc tiến đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật).
Trong hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên kêu gọi đầu tư vào hàng chục dự án có quy mô tại KKT Dung Quất như: Nhà máy điện khí (từ mỏ khí Cá Voi Xanh); các dự án hóa dầu, hóa chất; các dự án công nghiệp phụ trợ; các nhà máy cơ khí chế tạo thiết bị siêu trường,siêu trọng; sản xuất kim loại và gia công thép; các dự án sản xuất linh kiện điện tử; các dự án hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất; nhà máy sản xuất vật tư, hóa chất xúc tác phục vụ nhà máy lọc dầu Dung Quất…
Ngoài ra, hàng chục dự án khác cũng được kêu gọi đầu tư giai đoạn 2017-2020 ở nhiều lĩnh vực như: Xây dựng - công nghiệp nhẹ - điện tử - may mặc - chế biến; lĩnh vực đô thị - du lịch - dịch vụ; lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; lĩnh vực thương mại - dịch vụ - khu đô thị, khu dân cư; lĩnh vực du lịch…