Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nếu xảy ra lần này sẽ khác với các cuộc khủng hoảng trước đây. Vì sao như vậy? Nhà phân tích Edward Alden trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy, sau đó đăng lại trên website của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, cho rằng do lần này thế giới bị chia rẽ, thiếu sự hợp tác.
Một trong những đặc điểm của trật tự kinh tế toàn cầu sau Thế chiến 2 là sự linh hoạt của các chính phủ trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Từ lạm phát-đình đốn và sự sụp đổ của chế độ tiền tệ Bretton Woods những năm 1970 (*) đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990 đến khủng hoảng tài chính toàn cầu trong thế kỷ 21 này, các nền kinh tế lớn trên toàn cầu đã chứng tỏ khả năng đáng kinh ngạc trong việc tìm ra những cách thức hợp tác để đối phó với các thách thức nghiêm trọng.
Nhưng lần này, chuỗi dài may mắn đó có thể bị đứt đoạn. Chuỗi vấn đề hiện tại – cuộc chiến Nga-Ukraine, lạm phát, thiếu hụt lương thực và năng lượng toàn cầu, bong bóng tài sản đang trải ra ở Mỹ, khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển, tác động kéo dài của tình trạng phong tỏa do đại dịch COVID-19 và những nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng – có thể là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong tất cả các khủng hoảng ấy, huống hồ các ngân hàng trung ương không thể in ra lúa mì và xăng để dùng. Tuy thế, ít có dấu hiệu của sự đối phó tập thể vốn cần thiết để đáp ứng các thách thức nói trên. Sự hợp tác toàn cầu chưa bao giờ cấp bách hơn nhưng lại ít có khả năng hơn trong lúc này.
Mỉa mai thay, sự thiếu hợp tác lại chủ yếu là hậu quả của những thành công trong quá khứ. Khả năng trước đây của thế giới trong việc xử lý khủng hoảng, vượt qua các đứt gãy và phục hồi tăng trưởng toàn cầu có nghĩa là thêm nhiều nước ngày nay đã trở nên đủ giàu để gây ảnh hưởng và đòi hỏi phải xem xét đến lợi ích của họ. Những nước khác thì đang theo đuổi mục tiêu giành lãnh thổ hoặc ý thức hệ mà họ xem là cấp bách hơn những ưu tiên kinh tế trước mắt. Kết quả là gần như không thể tìm được sự đồng thuận.
Kết quả cuối cùng là trong cuộc khủng hoảng này thế giới bị buộc phải chấp nhận một loạt những ứng phó nhỏ lẻ và cạnh tranh lẫn nhau thay vì một lần nữa tìm được cách cùng hợp tác để đối phó với thách thức.
Cuộc gặp của các bộ trưởng thương mại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva tuần này, lúc đầu được dự định cho năm 2020 nhưng phải dời lại do đại dịch COVID-19 là một ví dụ liên quan. Với 164 thành viên và nguyên tắc mọi thỏa thuận đều phải được sự đồng thuận của tất cả, WTO bị trói tay. Chẳng hạn, các quốc gia thành viên vẫn đang phải vật lộn để thông qua việc hoãn áp dụng quy định về bản quyền đối với vaccine COVID-19, hơn một năm sau khi thỏa thuận này nếu đạt được có thể giúp ích thực sự cho việc chống dịch.
Tương tự, họ đã thương lượng trong hơn hai thập niên về việc cắt giảm trợ cấp cho nghề đánh cá vốn dẫn đến việc đánh bắt đến mức hủy diệt ở các đại dương trên thế giới. Từng là tổ chức đề ra những quy tắc thương mại và giải quyết tranh chấp mang tính đột phá, nay tổ chức này lại hầu như không đóng vai trò gì trong việc giải quyết các thách thức về chuỗi cung ứng. Nó cũng khó có khả năng ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu khi hơn hai chục quốc gia đã quyết định hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo dự trữ lương thực trong nước khi xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và Nga sụp đổ.
Tất nhiên, không có thiết chế nào là không thể thiếu và trong quá khứ các chính phủ đã tìm ra những phương cách mới và sáng tạo để hợp tác khi các thiết chế cũ đã tỏ ra không còn đủ hiệu quả. Đó là trường hợp trong những năm 1970 khi thế giới đối mặt với tình hình gần giống nhất với thách thức hôm nay.
Một cơn bão hoàn hảo gồm lạm phát phi mã, chiến tranh Việt Nam và Trung Đông, một cartel dầu hỏa đẩy giá năng lượng toàn cầu lên, sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ dựa trên bản vị vàng theo Bretton Woods, và scandal chính trị Watergate tại Mỹ đã dẫn đến một thời kỳ bất ổn và tăng trưởng yếu trên toàn cầu. Ban đầu các chính phủ đã không đủ khả năng hợp tác để đối phó với các thách thức trên. Lúc bấy giờ xuất hiện một nền văn học về “sự khủng hoảng tính chính danh” của chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Nhưng rồi các bộ trưởng tài chính của các nền kinh tế hàng đầu phương Tây đã họp lại để tìm cách xây dựng một hệ thống tiền tệ mới sau khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon bấy giờ chấm dứt việc chuyển đổi đồng đô la – vàng vào năm 1971. Những nỗ lực ấy trực tiếp dẫn đến hội nghị thượng đỉnh nhóm G-6 đầu tiên ở Pháp năm 1975, nơi các nhà lãnh đầu các quốc gia công nghiệp hàng đầu tự đề ra nhiệm vụ cùng nhau tìm cách hồi sinh các nền kinh tế đang ốm yếu củ họ. Nhóm này, về sau trở thành nhóm G7 (rồi G8 khi thêm Nga để rồi lại loại bỏ nước này sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine) tiếp tục cung cấp một cơ cấu phối hợp lỏng lẻo cho các nền kinh tế hàng đầu phương Tây hiện nay.
Sau hơn hai thập niên tương đối ít biến cố, nhóm G20 ra đời sau một loạt những cuộc khủng hoảng tài chính gây bất ổn, bao gồm cuộc khủng hoảng đồng peso Mexico năm 1994-1995, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, và sự sụp đổ của đồng tiền Nga năm 1998. Vào thời điểm đó, đã xuất hiện những cường quốc kinh tế mới quan trọng và việc hình thành G20 phản ánh thực tế thay đổi đó. Nhóm này bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga, Mexico và Indonesia cũng như nhiều nước khác, mở rộng câu lạc bộ các nước giàu thành một tổ chức mang tính đại diện tốt hơn cho nền kinh tế những năm 1990.
Cũng như nhóm G7, nhóm G20 khởi đầu như một cuộc gặp định kỳ các bộ trưởng tài chính rồi được nâng cấp lên thành hội nghị thượng đỉnh hàng năm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Giữa cuộc khủng hoảng và sau đó, G20 trở thành tiêu điểm của các nỗ lực toàn cầu nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế, giúp nền kinh tế toàn cầu nhảy vọt trở lại thông qua các biện pháp kích thích có phối hợp, nỗ lực tăng cường các quy định về tài chính, và mở rộng khả năng cho vay của Qũy Tiền tệ quốc tế.
Một trong những thành tựu chủ yếu của G20 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là đạt được sự hứa hẹn mạnh mẽ của các quốc gia thành viên rằng sẽ tránh các biện pháp bảo hộ vốn chỉ có thể làm cho cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu tệ hơn mà thôi, và phần lớn họ đã giữ lời. Ngay cả những thành tựu khiêm tốn như vậy cũng còn tốt hơn là việc mỗi quốc gia tự lo cho mình một cách trái ngược nhau và làm hại lợi ích kinh tế của nhau.
Vậy nếu WTO bị trói tay vì nguyên tắc đồng thuận và nếu nhóm G7 và G20 thiếu uy quyền thì nhóm nào hoặc cơ quan nào sẽ nhảy ra giải cứu lần này? Chỉ riêng việc đặt câu hỏi này đã cho thấy sự phối hợp toàn cầu để đối phó với loạt khủng hoảng hiện tại là khó khăn tới mức nào. Mỹ và các đồng minh đang tích cực đánh vào nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt rộng lớn chưa từng có và Nga thì đáp trả bằng cách phong tỏa việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua các cảng trên Biển Đen.
Điều này khiến G20 chia rẽ và bất lực. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi trục xuất Nga khỏi nhóm và đe dọa tẩy chay các cuộc họp nếu có Nga tham dự. Cùng với các bộ trưởng tài chính và đại diện các ngân hàng trung ương nhiều nước, bà đã bỏ ra khỏi cuộc họp của nhóm G20 tại Washington khi đại diện Nga đang phát biểu. Cuộc họp đã kết thúc mà không đưa ra thông cáo chung như thường lệ. Nhưng việc loại Nga khỏi nhóm là khó có khả năng xảy ra khi chỉ có Canada, Úc cùng với Mỹ đưa ra yêu cầu này. Chủ nhà hội nghị thượng đỉnh năm nay là Indonesia đã mời Nga dự cuộc họp dự kiến vào tháng 11 (Ukraine, không phải là thành viên của nhóm, cũng được mời dự họp một lần). Trung Quốc thì từ chối cắt đứt quan hệ với Nga và tập trung vào việc củng cố nội lực để bảo vệ nền kinh tế khỏi những đòn trừng phạt mà các nước phương Tây có thể áp dụng như đối với Nga.
Các nền kinh tế phương Tây, thông qua G7 và các diễn đàn khác, tỏ ra đoàn kết hơn so với nhiều năm qua dù vẫn còn những quan điểm khác biệt về việc các đòn trừng phạt kinh tế Nga nên đi xa đến đâu. Một thành tựu không nhỏ: các nền kinh tế G7 vẫn còn chiếm gần một nửa nền kinh tế toàn cầu và dẫn đầu trong những công nghệ tiên tiến nhất. Nhưng quy mô của các thách thức hiện tại vượt quá những gì mà các nước G7 có thể tự mình đáp ứng. Chẳng hạn, nhóm G7 đã đề ra một kế hoạch mạnh mẽ, được sự ủng hộ của hơn 50 nước nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực bằng cách mở rộng sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, đổi lại việc các nước đồng ý không cấm xuất khẩu lương thực và không áp dụngnhững biện pháp khác làm méo mó thị trường lương thực toàn cầu. Nhưng Ấn Độ, nước đã cấm xuất khẩu lúa mì vào tháng trước, cho tới nay vẫn ngăn cản sáng kiến này.
Chính quyền Biden đã tỏ ra sáng tạo trong việc cố gắng tìm ra những cách khắc phục và xây dựng những liên minh giữa các quốc gia cùng chí hướng. Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU đã và đang phối hợp các biện pháp đáp ứng việc kiểm soát xuất khẩu, chia sẻ dữ liệu, phục hồi các công nghệ then chốt.
Trong chuyến thăm Tokyo tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tung ra thỏa thuận mới, Khung khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương bao gồm cả Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ. Mặc dù các chi tiết của thỏa thuận còn mơ hồ, thỏa thuận mới nhằm thúc đẩy hợp tác về các vấn đề như thương mại số, phi cácbon hóa, và phối hợp về thuế.
Tại hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ tuần trước tại Los Angeles, Mỹ đã tung ra sáng kiến Đối tác châu Mỹ vì Thịnh vượng Kinh tế với nghị trình tương tự. Nhưng hội nghị đã không có mặt nền kinh tế lớn thứ hai ở Mỹ Latinh sau Brazil, là Mexico. Tổng thống Mexico Lopez Obrador đã tẩy chay hội nghị vì Mỹ không mời Cuba, Venezuela và Nicaragua.
Mặc dù sáng tạo một cách đáng khen nhưng không sáng kiến nào trong những sáng kiến trên ngang tầm với tính cấp bách của giai đoạn hiện tại. Trong các cuộc khủng hoảng trước đây, chính phủ các quốc gia dẫn đầu thế giới đã dẹp bỏ sang bên những khác biệt, đủ để đưa ra những đáp trả mạnh mẽ với tinh hình. Còn lần này, cho tới nay vẫn chưa thấy có gì. Sự tan vỡ hợp tác này có thể là hiệu ứng kéo dài nhất và đáng lo nhất của một loạt những khủng hoảng chồng lên nhau hiện nay.
Cho đến nay những sự đứt gãy vẫn chưa gây hại đáng kể cho tổng thể thương mại toàn cầu: Giá trị thương mại đạt mức kỷ lục năm 2021 dù qua năm nay có chậm lại và các khu vực như lương thực và năng lượng bị gián đoạn đáng kể. Nhưng những khủng hoảng hiện tại đã chấm dứt sự tin tưởng rằng, bất chấp khác biệt giữa họ, các nền kinh tế dẫn đầu thế giới luôn thống nhất về tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế và sự ổn định và có thể hợp tác cùng nhau ở mức độ rộng rãi nhất có thể nhằm hoàn thành các mục tiêu trên. Lần này, không có ai cầm lái con tàu.
(*) Bretton Woods là một hệ thống quan hệ tiền tệ dùng đồng đô la Mỹ làm thước đo duy nhất để thanh toán quốc tế và làm dự trữ. Nó tồn tại từ năm 1944 đến năm 1976 và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế thế giới. Hệ thống này được thành lập năm 1944 tại Hội nghị quốc tế gồm 44 nước tại Bretton Woods, New Hampshire, Mỹ. Kết quả của hội nghị này là việc thành lặp Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển (được biết phổ biển là Ngân hàng thế giới - World Bank) và tỷ giá hối đoái cố định tồn tại mãi đến thập niên 1970. Cũng trong hội nghị này, các quốc gia đã thống nhất các quy định cho hệ thống Bretton Woods. Cụ thể là các quốc gia xây dựng chính sách ngang giá dựa trên đồng đô la Mỹ, còn đồng đô la Mỹ được định giá theo vàng là 35$ = 1 ounce. Hệ thống Bretton Woods quy định đô la Mỹ là đơn vị tiền tệ duy nhất có đầy đủ khả năng chuyển đổi ra vàng, các đồng tiền khác không được chuyển đổi trực tiếp ra vàng. Các nước dùng vàng hoặc đô la Mỹ làm phương tiện thanh toán quốc tế. Có thể nói hệ thống Bretton Woods là hệ thống bản vị hối đoái vàng dựa trên đô la Mỹ.