Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sức sản xuất của Việt Nam hiện nay rất lớn nhưng khâu tổ chức thị trường và khâu chế biến đang rất yếu và đây là trách nhiệm của ngành nông nghiệp chứ lỗi không thuộc về người chăn nuôi.
Sáng 13.6, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) Nguyễn Xuân Cường về nhóm vấn đề:Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới;Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.
“Tôi nhận thức đây là cơ hội quý giá để tiếp thu sự đóng góp của các đại biểu, cử tri. Chúng tôi xin được lắng nghe chất vấn”, ông Cường phát biểu trước khi bắt đầu chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng mong muốn phần trả lời của các thành viên Chính phủ sẽ thẳng thắn, không né tránh, xác định rõ trách nhiệm và từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời cho thời gian tới. Đây sẽ là căn cứ để Quốc hội theo dõi việc thực hiện các lời hứa của thành viên Chính phủ.
Khó khăn trong việc tiếp cận gói 100.000 tỉ đồng
Trả lời chất vấn của đại biểu về việc khó khăn trong việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỉ đồng trong nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Cường cho biết, sau khi có chủ trương của Thủ tướng về gói tín dụng, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các địa phương triển khai vấn đề này.
Về phía mình, Bộ NN-PTNN đã hoàn thành bộ tiêu chí đánh giá để hướng vào dạng hình sản xuất, phân khúc, đối tượng sản xuất mà Việt Nam có tiềm năng. NHNN cũng đã vào cuộc, cùng với 8 ngân hàng thương mại triển khai với số vốn đăng ký là 120 nghìn tỉ đưa vào chương trình này với lãi suất ưu đãi.
“Đến nay đã giải ngân được trên 30.000 tỉ đồng và con số này sẽngày càng tăng lên. Ngành nông nghiệp và NHNN và các ngân hàng thương mại đang tiếp tục tháo gỡ các khó khăn”, ông Cường nói.
Bộ trưởng cũng thừa nhận cókhó khăn khi một số tài sản hình thành trên phần đất triển khai dự án nhưng không được xem là tài sản thếchấp. Do đó, NHNN đã tập hợp các bộ ngành lại xem xét, Bộ NN-PTNN đang đề nghị sửa thông tư sao cho thuận lợi tiếp cận vốn
Về một số ý kiến băn khoăn về xin cho trong việc xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng cho rằng nông nghiệp công nghệ cao không phải xin ai, nếu khu vực nào đủ điều kiện thì sẽ được làm, không có rào cản gì.
Yếu kém trong chế biến và xuất khẩu
Nhiều đại biểu cũng yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình về cuộc khủng khoảng thừa thịt lợn thời gian qua cũng như việc điều hành chính sách chăn nuôi, công tác tạm nhập tái xuất…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sức sản xuất của Việt Nam hiện nay rất lớn nhưng khâu tổ chức thị trường và khâu chế biến đang rất yếu và đây là trách nhiệm của ngành nông nghiệp chứ lỗi không thuộc về người chăn nuôi. “Nông dân không chăn nuôi thì biết làm gì?”.
“Hiện nay thịt lợn của Việt Nam mới xuất khẩu được 3 nước và chỉ xuất đi được lợn sữa mỗi năm khoảng 20.000 tấn, còn lại chủ yếu là tiểu ngạch qua Trung Quốc. Các thị trường khác chưa khai thác được. Đang làm ở chợ nhà mà muốn bán ra thế giới thì phải đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn. Chắc chắn trong thời gian tới sẽ không tránh khỏi nơi này thiếu cái này, nơi kia thừa cái kia…”, Bộ trưởng nói.
Về tình hình nuôi lợn, nguyên nhân chính của khủng hoảng là sức sản xuất, tăng trưởng tăng quá nhu cầu, cơ cấu thức ăn của con người cũng đã thay đổi, không tập trung nhiều vào thịt lợn như trước. Hơn nữa, tổ chức ngành hàng chưa tốt khi có tới 3 triệu hộ chăn nuôi, 446 trang trại manh mún, giá thành cao; khâu liên kết chỉ được 20% ở khâu nuôi, khâu chế biến rất kém và chế biến sâu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đánh giá việc thị trường mang tính quyết định cho sản xuất, Bộ trưởng cho rằng cần tận dụng cơ hội gần các nước lớn và phải mang tính bổ trợ 2 bên để không ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
“Sức sản xuất việt Nam rất lớn nhưng nếu không tổ chức sản xuất bài bản thì sẽ đi xuống. Cần xác định cái gì có lợi thế thì tăng, không lợi thế thì giảm”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và Bộ, ngành Việt Nam vừa qua đến Trung Quốc có nhiều buổi đàm phán để phát triển thị trường cho xuất khẩu lợn và hiện nay đã có những kết quả nhất định để xuất khẩu lợn chính ngạch qua Trung Quốc trong thời gian tới.
"Chúng tôi cũng hiểu đó là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, chứ không phải ai khác, nhưng là một đoàn tàu phát triển mới làm được một khoang nên mọi việc phải từng bước", ông Cường nói.
Tranh luận lại với Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng chưa thuyết phục vì trong chuyện lập quy hoạch sản phẩm vắng bóng vai trò Nhà nước.
“Có thể lúc lập quy hoạch là phù hợp ở giai đoạn đó nhưng trước sự biến đổi của thị trường thì việc điều chỉnh và cảnh báo cho người tiêu dùng thế nào? Tôi nghĩ cử tri sẽ không hài lòng”, ông Sơn nói.
ĐB Mãi Sỹ Diến (Thanh Hóa) cũng cho rằng, nông dân xây dựng chuồng trại với quy mô lớn từ khi tách cơ sở chăn nuôi khỏi khu dân cư theo tiêu chí nông thôn mới, nhiều người cầm cố tài sản vay mượn ngân hàng chăn nuôi. Tuy nhiên nông dân không nhận được sự cảnh báo của các cấp, các ngành về vấn đề thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đánh giá, khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp kinh tế hàng hóa là phải căn cứ vào tín hiệu, nhu cầu thị trường để xây dựng quy hoạch.
“Phải mở cửa thị trường về mặt thương mại và thủ tục hành chính, hàng rào kỹthuật. Chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại, giảm thuế, nhưng khâu kỹthuật thì chưa tốt. Muốn qua được hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc thì vùng chăn nuôi của Việt Nam phải được xác nhận là không có dịch lở mồm long móng”, Bộ trưởng nói.
Về tạm nhập tái xuất, Bộ trưởng cho rằng số lượng này rất nhỏ và không ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, Bộ cũng đã có những chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh công tác này.
Vụ tàu rỉ sét: Cấm các DN đóng tàu nhận hợp đồng mới
Một số đại biểu cho rằng, một số tàu ở Phú Yên, Bình Định được đóng theo Nghị định 67, do các đơn vị đóng tàu được Bộ NN-PTNN xác định đủ điều kiện thi công và cơ quan đăng kiểm của Tổng cục thủy sản đã đăng kiểm, tuy nhiên, khi vừa ra khơi đã hỏng hóc nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho ngư dân. Việc này ảnh hưởng đến chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, tính mạng của ngư dân khi vươn khơi bám biển. Vậy trách nhiệm và giải pháp của Bộ ở đâu trong vấn đề này?
Liên quan đến việc này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, có 235 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu và đã đóng được 666 con tàu theo chương trình này bằng 3 vật liệu: vỏ sắt vỏ gỗ và composite với công suất lớn trên 800 mã lực. Bà con ngư dân đánh giá những con tàu này đều phát huy hiệu quả, an toàn
Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện 19 chiếc hư hỏng, Bộ đã yêu cầu rà soát toàn bộ các tàu ở các địa phương, đồng thời cử đoàn công tác làm việc với tỉnh và mời tất cả ngư dân, 2 đơn vị đóng tàu đến đối chất và làm rõ trách nhiệm. Ngày 9.6 vừa qua, Bộ tổ chức hội nghị tại Bình Định về việc này. Theo đó, 19 tàu hỏng thuộc 2 công ty, Đại Nguyên Dương 4 chiếc và Nam Triệu. Việc hư hỏng gồm 2 phần: máy và vỏ thép.
“Bộ đã đình chỉ việc chấp nhận hợp đồng đóng mới của 2 công ty này để khắc phục hậu quả”, Bộ trưởng nói.
Theo đó, tàu hỏng về máy, Bộ yêu cầu thay máy mới chứ không phải sửa chữa. Tàu hỏng vỏ thép thì thay thép đúng chủng loại để phục vụ kịp thời cho ngư dân đi biển.
Bộ trưởng cũng cho biết cần phải mời chuyên gia thẩm định rõ việc hỏngthế nào, nguyên nhân do đâu. Được biết, tỉnh Bình Định cũng mời cơ quan công an vào cuộc vụ việc này.
“Chúng tôi đã yêu cầu báo cáo, trách nhiệm cụ thể và chúng tôi sẽ làm rất kỹđể báo cáo Thủ tướng để có chỉ đạo trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.
Hoài Phong