Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái vì COVID-19 thì nền kinh tế Việt Nam được dự báo khả quan qua lăng kính của các tổ chức tài chính thế giới.

Kinh tế Việt Nam qua lăng kính các tổ chức tài chính thế giới

Tuyết Nhung | 25/12/2020, 12:01

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái vì COVID-19 thì nền kinh tế Việt Nam được dự báo khả quan qua lăng kính của các tổ chức tài chính thế giới.

Các tổ chức tài chính thế giới nói gì?

Với Việt Nam, năm 2020 là một năm có sự tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng lại nằm trong số ít quốc gia có GDP tăng trưởng dương. Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam “Điểm lại” ngày 21.12 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ đạt gần 3% trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.

WB cho rằng kinh tế Việt Nam có được kết quả trên là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Theo đó, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ ở mức khoảng 6,8% và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo.

Việt Nam là nền kinh tế ASEAN duy nhất được Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng khả quan năm 2020 và dự báo sẽ tăng trưởng ngoạn mục vào năm 2021. Ngân hàng HSBC nhìn nhận mặc dù có nhiều thách thức đáng kể nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 1,8% trong nửa đầu năm 2020. Do vậy, ngân hàng này kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt mức 2,6%.

Sang năm 2021, HSBC cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định. Do vậy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 được kỳ vọng sẽ đạt mức 8,1%.

Dù Việt Nam phải trải qua làn sóng COVID-19 thứ hai nhưng Ngân hàng Standard Chartered vẫn nhận định Việt Nam là số ít nền kinh tế ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay. Theo đó, Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và vượt lên 7,8% vào năm 2021.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định: "Nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp những thách thức do COVID-19". Do vậy, ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 1,8% lên 2,3% trong năm 2020 nhờ đẩy mạnh đầu tư công, tiêu dùng trong nước phục hồi và thương mại gia tăng. Trong khi dự báo tăng trưởng cho năm 2021 của Việt Nam tăng ở mức 6,3%.

Ngân hàng UOB - một ngân hàng Singapore thuộc top những nhà băng lớn và uy tín nhất châu Á cũng đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam ở mức 2,8% nhưng sẽ tăng mạnh lên mức 7,1% vào năm 2021.

Mặc dù cho rằng Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực do COVID-19 gây ra khi thương mại toàn cầu ảm đạm, giá cả hàng hóa diễn biến phức tạp... Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng nhờ kiểm soát được chặt chẽ đại dịch nên Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. Vì vậy, IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng 1,6% trong năm nay và tăng 6,7% trong năm 2021.

Giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong năm 2021

Trao đổi với báo chí về giải pháp phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam thời gian tới, GS. Hà Tôn Vinh cho rằng trong ngắn hạn, với đa số doanh nghiệp thuộc nhóm nhỏ và vừa, Việt Nam sẽ dễ dàng thích ứng với nhu cầu đòi hỏi của thị trường và dịch chuyển để tồn tại, phát triển. Nếu Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh các dự án đầu tư công và giải ngân các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang bị chậm trễ hay tạm dừng thì kinh tế Việt Nam sẽ bớt bị động và giảm tác động tiêu cực của COVID-19.

Trong dài hạn, với cái nhìn lạc quan và đầy triển vọng của các tổ chức tài chính thế giới về nền kinh tế Việt nam thì Chính phủ và doanh nghiệp phải tính đến phương án chuyển hướng nền kinh tế tiêu thụ truyền thống sang nền kinh tế số và nền kinh tế tuần hoàn.

"Ở đây tôi muốn nói đến nền kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) là một mô hình kinh tế khá mới mẻ, trong đó các hoạt động như thiết kế, sản xuất đến cung cấp sản phẩm và dịch vụ đều hướng tới việc sử dụng lại các tài nguyên vật chất và loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường, giúp giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận, giảm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu đầu vào, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giúp bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội và doanh nghiệp", GS nhấn mạnh.

GS Hà Tôn Vinh cho rằng doanh nghiệp sẽ thấy các hoạt động kinh tế tuần hoàn hấp dẫn và cần thiết khi chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận gia tăng và áp lực tìm nguồn cung cấp nguyên liệu giảm đáng kể. Sản phẩm không phải bán, sử dụng, rồi vứt bỏ mà có thể cho thuê ngắn hạn hay dài hạn, có thể được trao đổi, sửa chữa, nâng cấp... Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước đã thành công trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, như các nước Bắc Âu, Canada, Nhật Bản, Singapore…

"Việc Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam chung tay phát triển kinh tế tuần hoàn chắc chắn sẽ giúp xã hội và doanh nghiệp phát triển bền vững, giảm thiểu áp lực cạnh tranh thị trường, và giúp đất nước mau hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", vị chuyên gia này cho hay.

Bài liên quan
2 kịch bản với 4 rủi ro cho kinh tế Việt Nam 2017
Viễn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2017 được Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra 2 kịch bản chính với 4 rủi ro cần quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế Việt Nam qua lăng kính các tổ chức tài chính thế giới