Hiện trạng tường nứt, ẩm thấp, gác treo có thể sập bất cứ lúc nào,...  của các nhà cổ, biệt thự cổ ở Hà Nội khiến nhiều người dân sống trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Báo điện tử Một Thế Giới đã có buổi trao đổi cùng kiến trúc sư Mai Thế Nguyên, một người đã sống và làm việc lâu năm tại nước ngoài, về vấn đề này.

KTS Mai Thế Nguyên: Chỉ cần quyết tâm là giải quyết được!

Một Thế Giới | 06/01/2016, 10:47

Hiện trạng tường nứt, ẩm thấp, gác treo có thể sập bất cứ lúc nào,...  của các nhà cổ, biệt thự cổ ở Hà Nội khiến nhiều người dân sống trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Báo điện tử Một Thế Giới đã có buổi trao đổi cùng kiến trúc sư Mai Thế Nguyên, một người đã sống và làm việc lâu năm tại nước ngoài, về vấn đề này.

Thưa ông, trước tình trạng xuống cấp của nhà cổ như hiện nay, ông có suy nghĩ gì?

KTS Mai Thế Nguyên: Theo tôi, những ngôi nhà, biệt thự cổ xây từ thời Pháp thì chắc chắn phải có mục, nát. Vật liệu xây dựng qua thời gian cũng phải xuống cấp, sức chịu lực kém đi. Nhưng điều đáng nói là khi xây dựng không hề có cống rãnh, hệ thống thoát nước rất luộm thuộm dẫn tới tình trạng như đã phản ánh.

Ở nước ngoài, người ta bao giờ cũng xây hệ thống thoát nước trước rồi mới đến xây nhà xung quanh nhưng Việt Nam lại làm ngược lại. Thế nên qua năm tháng, những ngôi nhà cổ xuất hiện tình trạng dột, nước ngấm vào tường, có nơi nước dâng lên lênh láng trong nhà là điều dễ hiểu.
nha co, xuong cap, kien truc su Mai The Nguyen, Ha Noi
Hiện trạng xuống cấp tại biệt thự cổ số 10 Nguyễn Khắc Cần - Ảnh: Thu Anh

Là một KTS có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, ông có phương hướng, cách thức tu sửa những ngôi nhà này như thế nào không, thưa ông?

Nếu muốn tu sửa thì phải đưa ra nhiều cách khác nhau. Trước hết, không phải sửa từng nhà mà phải sửa cả phố, sửa triệt để từ hệ thống cấp thoát nước rồi mới đến hệ thống nhà ở. Xong phố này mới sang phố khác. Đồng thời, chúng ta cũng nên có một phương án dài hạn (30 năm chẳng hạn) để cải tiến khu vệ sinh, phòng tắm. Sau đó là hệ thống điện, rồi dần dần mới sửa chữa từng nhà.

Điều quan trọng là vấn đề di dân, ít nhất là phải được 50%. Phải có chính sách đưa người dân đang sống trong khu này sang một nơi ở mới nhưng cần đảm bảo được công ăn việc làm cho người dân. Khu còn lại phải đập phá đi, sửa chữa lại, như thế đỡ tốn kém hơn.

Điều đáng quan tâm là ai sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa? Chúng ta cần có sự chỉ đạo của nhà nước phối hợp với chính quyền địa phương và người dân cùng những chủ đầu tư cho thuê, những người buôn bán trong khu vực.

Với những việc cần làm nêu trên thì chúng ta lấy kinh phí đâu ra để tu sửa, thưa ông?

Chúng ta hãy làm như Hội An hay ngôi nhà 87 Mã Mây, khoanh vùng rồi bắt đầu làm du lịch, bán vé, thu tiền. Tại sao Hội An làm được, thế giới làm được mà Thủ đô không làm được? Ngoài ra, dân trong khu phố cũng phải có những hoạt động cụ thể để kiếm thêm thu nhập, chẳng hạn như làm những lễ hội đơn giản, chơi nhạc đường phố,... Trên hết vẫn phải có kế hoạch rõ ràng, dài hạn, dần dần mới có tài chính, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

nha co, xuong cap, kien truc su Mai The Nguyen, Ha Noi
Ngôi nhà 87 Mã Mây (Hà Nội)

Nếu quyết tâm chúng ta sẽ làm được! Đồng thời, trong quá trình làm, chúng ta nên đi xin, xin UNESCO, xin các sứ quán nước ngoài như Phần Lan, Pháp,... hỗ trợ dự án này. Điển hình như Phần Lan đã hỗ trợ làm hệ thống cống ở Hà Nội rồi. Chúng ta có mối quan hệ ngoại giao với bao nhiêu nước, sao mỗi nước không xin hỗ trợ một chút?

Điều quan trọng là phải có tập thể, cộng đồng đứng ra tổ chức, làm cương lĩnh. Tuy nhiên, tìm được người đứng ra làm khó lắm!

Ông đã từng gặp tình trạng này ở nước ngoài chưa? Và họ có phương hướng giải quyết tình trạng này ra sao?

Có chứ. Thụy Điển là một điển hình. Ở Thụy Điển ô nhiễm đến mức người người bỏ ra ngoại ô sống, đường phố ngập trong khí thải ô tô đến ngạt thở, nhà cửa xập xệ. Chính quyền địa phương đã có phương án cấm không cho ô tô vào thành phố và thay thế bằng 200 đường dành cho xe buýt và tàu điện. Đặc biệt, ô tô cá nhân vào thành phố sẽ bị đánh thuế rất cao.

Chỉ trong vòng 6 năm, phương pháp này đã mang lại thành công. Người dân quay trở về, môi trường sống được cải thiện rõ rệt. Không phải Thụy Điển giàu đâu, cũng rất khó khăn đó chứ nhưng họ quyết tâm, có kế hoạch và có tầm nhìn về lâu dài.

Bây giờ mình cũng nên học hỏi và làm dần đi!

Nếu bây giờ Hà Nội bắt tay vào tu bổ hàng loạt hệ thống nhà cổ, biệt thự cổ thì các KTS sẽ vào cuộc và sẵn sàng tư vấn chứ, thưa ông?

Nếu có tôi sẵn sàng làm tư vấn. Phải làm thế để “hòn ngọc” không mất đi. Bây giờ không làm thì mai sau không còn gì để du khách tìm đến HN nữa!

Nhiều nơi trên thế giới đã làm rồi, nước ngoài làm được không phải vì họ giàu mà là họ có kế hoạch rõ ràng. Tại sao Hà Nội không làm được như thế? Thay vì đi nhanh, làm vội, chúng ta đi chậm, làm từng bước. Nên đặt ra lộ trình từng bước một, trước hết phải cho người đi khảo sát, tìm kiếm tư liệu, phác thảo bản vẽ; rồi thành lập ra Hội vì phố cổ Hà Nội có mục tiêu, phương hướng và tầm nhìn xa...

Lúc đó KTS sẽ tư vấn, điều chỉnh. Có những bước đi phải có sự quyết tâm rất lớn như vấn đề di dân. Đây là dự án dài hạn nhưng chỉ cần làm được 1/8 công việc trong 2 năm đầu cũng là tốt quá rồi.

Nhắc đến vấn đề di dân, ông có nghĩ rằng những ngôi nhà cổ hàng nghìn năm, giá trị lịch sử quá lớn khiến người dân ở trong căn nhà đó không muốn rời đi?

Bây giờ họ không có chỗ ở tốt hơn thì họ bám lấy, níu lấy để mưu sinh thôi. Nhưng họ ở khổ lắm! Nhiều gia đình ở chung 1 cái sân bé cỏn con, có khi cơi nới thêm cái gác lửng nhưng nhìn cũng thấy xập xệ, không biết sập lúc nào chứ đừng nói đến việc ở trong đó.

Dân ở đấy vì họ không còn sự lựa chọn nào khác. Cho họ vào chung cư giá phải chăng thì họ đi ngay. Chúng ta phải có những biện pháp tài chính, có thể cho họ buôn bán ở đây nhưng ở nên sinh sống chỗ khác. Việc này có thể vừa đảm bảo công việc buôn bán, kiếm sống vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân. Một khi đã đưa ra lộ trình thì phải thuyết phục dân dần dần.

Nhưng thưa KTS, nhiều người dân cho rằng nếu muốn họ đi nơi khác thì nhà nước cần bồi thường một khoản hợp lý. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nghe thì dễ làm lắm nhưng liệu những người buôn bán có đủ tiền đóng thuế thu nhập cá nhân hay không, nếu không thì nhà nước lấy tiền đâu ra mà bồi thường thỏa đáng cho dân? Dân bao giờ cũng muốn nhiều. Vì thế nhà nước cần thành lập ra 1 ngân hàng chuyên giải quyết các vấn đề nhà cửa, cho vay dễ dàng với lãi suất thấp.

Ông dự đoán như thế nào nếu chúng ta không nhanh tay vào cuộc giải quyết các ngôi nhà cổ xuống cấp trầm trọng như hiện nay?

Nếu không nhanh tay vào cuộc thì chỉ cần 5 năm nữa thôi, 20% những ngôi nhà này sẽ sụp đổ, 20-30% dân số chịu không nổi mà phải dọn đi chỗ khác dù họ không có nhiều tiền. Như thế, Hà Nội sẽ tự đánh mất "viên ngọc" của mình, khách du lịch sẽ không còn hào hứng với Hà Nội nữa.
nha co, xuong cap, kien truc su Mai The Nguyen, Ha Noi
Hiện trạng ngôi nhà 47 Hàng Bạc như đã phản ánh - Ảnh: Thu Anh.

Vậy nếu nhà nước cùng các cấp lãnh đạo liên quan chung tay vào cuộc thì sẽ mở ra tương lai mới như thế nào, thưa ông?

Chắc chắn “viên ngọc” sẽ hấp dẫn hơn, thu hút hơn và lấy được nhiều sự quan tâm của du khách nước ngoài. Di dân đi có thể giải phóng được một số nhà, khi ấy sẽ có cơ hội xây thêm những khách sạn nhỏ phục vụ du khách nước ngoài. Như vậy, chủ nhà không cần ở tại đó mà vẫn có thêm thu nhập, đời sống người dân tốt hơn, chất lượng cuộc sống được nâng cao, vị thế của Thủ đô cũng được nâng tầm hơn.

Xin chân thành cảm ơn ông.

Thu Anh (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
20 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
KTS Mai Thế Nguyên: Chỉ cần quyết tâm là giải quyết được!