Chiều 6.7, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đã bắt đầu vào phòng làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021.
Ghi nhận tại điểm thi THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, dù 14 giờ mới đến giờ làm thủ tục dự thi nhưng nhiều thí sinh đã đến trường thi từ khá sớm để kiểm tra thông tin cá nhân, tìm phòng thi trong thời tiết nóng bức.
Các thí sinh sẽ được kiểm tra toàn bộ các thông tin cá nhân trước khi chính thức bước vào buổi thi đầu tiên vào sáng 7.7 và chỉnh sửa những thông tin sai sót (nếu có) cũng như nghe giám thị phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Đề thi của ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT 2021 đã được vận chuyện đến các địa điểm thi. Các khâu bảo mật kỳ thi được thực hiện nghiêm ngặt với sự phối hợp của ngành Giáo dục và Công an TP.Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, đại diện của Bộ GD-ĐT cho biết số lượng thí sinh cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không thể dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 đang tăng nhanh.
Tính đến chiều 5.7, có 11.551 thí sinh trên cả nước dự kiến phải thi đợt 2, số liệu này được ghi nhận tại 39 tỉnh thành, nhiều nhất là Bình Định với 2.569 thí sinh, Bắc Giang với 2.477 thí sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, tổng số F0 toàn quốc là 45 thí sinh (nhiều nhất là TP.HCM với 27 thí sinh). Tổng số F1 toàn quốc là 362 thí sinh (nhiều nhất là Bình Dương với 231 thí sinh), tổng số F2 toàn quốc là 337 thí sinh (nhiều nhất là TP.HCM với 69 thí sinh). Con số này vẫn đang được tiếp tục cập nhật với khả năng sẽ còn gia tăng khi Hà Nội cũng vừa phát hiện 2 ổ dịch mới và thống kê ban đầu sáng 6.7 đã có gần 30 thí sinh thôn Kênh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức không thể dự thi đợt 1 do toàn bộ thôn buộc phải cách ly y tế.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng cho biết hiện nay huyện Ứng Hòa chưa ghi nhận ca F0 hay ca nghi nhiễm nào, song huyện phát hiện có 1 giám thị coi thi trường THPT Ứng Hòa A đã tiếp xúc với 1 ca mắc COVID-19 ở huyện Mỹ Đức (bệnh nhân L.V.T., sinh năm 2003) nên là F1. Thầy giáo này có đến hội đồng thi và tiếp xúc với 87 người, trong đó có 45 người ở huyện Ứng Hòa và 26 người tại huyện Mỹ Đức, 16 người ở huyện Phú Xuyên.
Các thí sinh đến làm thủ tục dự thi, xuất trình chứng minh thư hoặc căn cước công dân, thẻ dự thi. Nếu thấy có những sai sót về họ, tên đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi hoặc người làm nhiệm vụ tại điểm thi để xử lý kịp thời. Trường hợp bị mất căn cước công dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác, thí sinh báo ngay cho trưởng điểm thi để xem xét, xử lý.
Trong buổi làm thủ tục dự thi, thí sinh được phổ biến quy chế thi và được quán triệt những vấn đề cần lưu ý trong quá trình thi. Đặc biệt, lưu ý những vật dụng không được phép mang vào phòng thi như điện thoại di động, các thiết bị thu, phát thông tin… Thí sinh cũng được nghe phổ biến lại lịch thi từng môn; các hiệu lệnh trống (hoặc chuông) sẽ được sử dụng tại điểm thi; thực hiện các quy định phòng dịch tại điểm thi…
Việc đến làm thủ tục dự thi không chỉ giúp thí sinh đính chính (nếu có sai sót), nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi mà còn là dịp để biết điểm thi, phòng thi; tránh nhầm lẫn điểm thi hoặc khó khăn tìm kiếm phòng thi trong ngày thi chính thức.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tổ chức thi 5 bài thi, gồm ba bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; một bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học); một bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút và 50 phút với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Trao đổi ngay trong cuộc họp mặt vào ngày 6.7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải là kỳ thi quốc gia như trước đây nhưng quy mô vẫn toàn quốc với số thí sinh và cán bộ tham gia kỳ thi cơ bản như vậy. Tính chất cũng hết sức nhạy cảm, nghiêm túc bởi trên 50% các trường Đại học lấy kết quả này để xét tuyển.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, cần lưu ý Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Kỳ thi với 5 từ khóa hết sức quan trọng: An toàn, nghiêm túc; khách quan, chất lượng; tạo mọi điều kiện cho thí sinh. Các đoàn thanh tra cần làm việc với tinh thần hợp tác với Đoàn thanh tra của Tỉnh, Sở, mục tiêu chung nhất trong công việc là đảm bảo cho kỳ thi an toàn, khách quan, công bằng theo đúng chỉ thị.