Trưa 6.6, thí sinh TP.HCM kết thúc môn thi Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025.
Hơn 98.680 thí sinh tại TP.HCM bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2024-2025 bắt đầu với môn Ngữ văn vào sáng nay 6.6, thời gian làm bài 120 phút.
Em Phùng Tuấn Ngọc (Trường THCS Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình) nói chủ đề câu hỏi nghị luận xã hội không gây bất ngờ đối với em. Tuấn Ngọc đã lấy dẫn chứng từ chính cuộc sống hằng ngày, rằng nếu không có tình cảm tích cực thì không vượt qua được khó khăn trong cuộc sống.
Tại điểm thi ở một số trường THCS trên địa bàn quận Tân Bình, quận 11... tình hình cũng tương tự, nhiều thí sinh khác cũng cho biết đề thi Ngữ văn khá dễ với thời gian làm bài trong 2 giờ đồng hồ. Các em không bị bất ngờ vì những đề tài, thông tin trong đề thi khá gần gũi với kiến thức đã học ở nhà trường và xã hội.
Chia sẻ về môn thi Ngữ văn sáng nay, thầy Võ Kim Bảo, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) cho hay, đối với phần đọc hiểu, ngữ liệu của phần đọc hiểu hay, kết hợp cả văn xuôi và thơ nên có nhiều “đất” để khai thác. Câu hỏi của đề cũng vừa hỏi về phần văn xuôi, vừa hỏi đề phần thơ, đây là điểm hay đáng chú ý của đề.
Các câu hỏi của phần này cũng khá đơn giản, học sinh với học lực trung bình cũng có thể hoàn thành tốt phần này. Điều này giúp các em tự tin hơn trong quá trình làm bài thi. Còn phần nghị luận xã hội, đây là câu có tính phân hóa cao. Với đề “Biết nghĩ bằng con tim”, học sinh sẽ không cảm thấy quá nặng nề, ngược lại các em chắc chắn có rất nhiều ý tưởng để viết cho đề bài này.
Tuy nhiên, để đạt được điểm cao (2,5 trở lên) phần này thì không dễ. Trước tiên các em phải đưa ra được lý giải của mình về “nghĩ bằng con tim” là như thế nào. Có được lý giải hợp lý, các em mới có thể tìm ra những luận điểm phù hợp. Người viết phải có cái nhìn đa chiều, đưa ra những kiến giải rất sâu sắc mới được đánh giá cao.
“Riêng phần nghị luận văn học, đề bài này không gây bất ngờ với phần lớn giáo viên và học sinh, vì nó rất gần gũi và các em cũng đã được ôn tập rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, có một số em học tủ, học vẹt, đoán đề nên có suy nghĩ loại bỏ chủ đề này vì thi tuyển sinh lớp 10 năm ngoái (câu 3, đề 2) đã cho ra chủ đề “tình cảm gia đình”, và trong đề cũng có gợi ý tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vì thế mà nhiều em bỏ qua, không ôn tập kỹ. Đây là điều rất đáng tiếc”, thầy Bảo cho hay.
Về đề thi lớp 10 năm nay, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết TP.HCM vẫn tiếp tục chủ trương biên soạn đề thi theo định hướng dạy và học gắn với phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Với từng môn thi, ông Quốc nói đề thi sẽ không dừng ở việc kiểm tra kiến thức môn học thuần túy mà còn phải giải quyết yêu cầu về kiến thức gắn với các vấn đề thực tế cuộc sống; qua đó kiểm tra tư duy, năng lực vận dụng kiến thức của học sinh để giải quyết vấn đề thực tế đặt ra trong đề thi. Như vậy, kỳ thi đòi hỏi học sinh không thể học tủ, học vẹt, học theo kiểu ghi nhớ máy móc.
Riêng với môn thi Ngữ văn sáng nay, thành viên biên soạn đề thi cho biết cấu trúc đề thi bao gồm 3 phần: Đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm).
Sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn, chiều nay 6.6 thí sinh sẽ tiếp tục thi môn Ngoại ngữ với thời gian làm bài 90 phút.
Kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM được tổ chức tại 158 điểm thi. Trong đó, có 147 điểm thi vào lớp 10 thường, 11 điểm thi vào lớp 10 chuyên. Tổng số phòng thi là 4.334.
Tổng số thí sinh tham gia dự kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM là 98.681. Tổng số chỉ tiêu vào lớp 10 công lập là hơn 77.000 em.
Thí sinh tham gia dự thi 3 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và bài thi môn chuyên hoặc tích hợp (nếu có đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 chuyên hoặc tích hợp). Kỳ thi diễn ra ngày 6 và 7.6.